Bảo hiểm tai nạn cho lái xe và người ngồi trên xe UIC

1. Đối tượng bảo hiểm
Người điều khiển xe, phụ xe và những người khác được chở trên xe cơ giới (gọi chung là Người được bảo hiểm).
2. Phạm vi bảo hiểm
Thiệt hại thân thể đối với người được bảo hiểm do tai nạn khi đang ở trên xe, lên xuống xe  trong quá trình xe đang tham gia giao thông.
3. Không thuộc phạm vi bảo hiểm
UIC không phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại về thân thể của người được bảo hiểm trong trường hợp sau:
- Tổn thất, tai nạn xảy ra ngoài lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam (trừ khi có thỏa thuận khác);
- Tổn thất xảy ra trong những trường hợp: Chiến tranh, khủng bố;
- Người được bảo hiểm có hành động cố ý gây thiệt hại;
- Người được bảo hiểm tham gia đánh nhau trừ khi được xác nhận đó là hành động tự vệ;
- Người được bảo hiểm là người điều khiển xe trong tình trạng có nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở, sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật;
- Người được bảo hiểm là người điều khiển xe không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe;
- Xe sử dụng để tập lái, đua thể thao, đua xe (kể cả hợp pháp hay trái phép);
- Xe chở hàng trái phép theo quy định của pháp luật hoặc không thực hiện các quy định về vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa theo quy định của pháp luật gây tử vong hoặc thương tật thân thể cho Người được bảo hiểm.
4. Quyền lợi người được bảo hiểm
a. Trường hợp Người được bảo hiểm bị chết do tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm: UIC trả toàn bộ số tiền bảo hiểm ghi trong Hợp đồng bảo hiểm/Giấy chứng nhận bảo hiểm.
b. Trường hợp người được bảo hiểm bị thương tật thân thể:
- Thương tật vĩnh viễn do tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm: Được bồi thường theo Bảng tỷ lệ trả tiền bảo hiểm ban hành kèm theo Quyết định số 05/TC-BH ngày 02 tháng 01 năm 1993 của Bộ trưởng Bộ Tài Chính.
- Thương tật tạm thời do tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm, số tiền bồi thường được trả như sau: Được thanh toán chi phí y tế thực tế, hợp lý và chi phí bồi dưỡng (tối đa không vượt quá 0,1% số tiền bảo hiểm/ngày) người bị thương trong thời gian điều trị thương tật, nhưng không vượt quá tỷ lệ trả tiền quy định tại Bảng tỷ lệ trả tiền bảo hiểm ban hành kèm theo Quyết định số 05/TC-BH ngày 02 tháng 01 năm 1993 của Bộ trưởng Bộ Tài Chính.
- Số ngày điều trị được xác định bởi một trong hai trường hợp sau, tùy số ngày nào ngắn hơn (nhưng tối đa không quá 180 ngày/vụ):
- Số ngày điều trị nội trú trong bệnh viện và điều trị sau khi xuất viện. Số ngày điều trị sau khi xuất viện được xác định theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
- Số ngày nghỉ không đi làm do hậu quả của tai nạn được xác định theo xác nhận của nơi công tác.
- Những trường hợp thương tật không được liệt kê trong Bảng tỷ lệ sẽ được bồi thường trên cơ sở so sánh tính nghiêm trọng của nó với trường hợp khác có nêu trong Bảng tỷ lệ này.
- Nếu tại thời điểm xảy ra tai nạn, số người thực tế lớn hơn số người được bảo hiểm ghi trên Hợp đồng bảo hiểm/Giấy chứng nhận bảo hiểm thì mức trả tiền bảo hiểm sẽ giảm theo tỷ lệ giữa số người được bảo hiểm với số người thực tế trên xe.
- Trường hợp bị tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm, trong thời hạn của hợp đồng bảo hiểm, Người được bảo hiểm bị chết do hậu quả của tai nạn đó: UIC sẽ trả phần chênh lệch giữa Số tiền bảo hiểm ghi trong hợp đồng bảo hiểm với số tiền bảo hiểm đã trả trước đó.
- Trường hợp hậu quả của tai nạn thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm bị trầm trọng hơn do bệnh tật hoặc sự tàn tật có sẵn của Người được bảo hiểm hoặc điều trị thương tật thân thể không kịp thời và không theo chỉ dẫn của cơ sở y tế thì UIC chỉ trả tiền bảo hiểm như đối với loại thương tật tương tự ở người có sức khỏe bình thường được điều trị một cách hợp lý.
5. Trả tiền bồi thường
- Tiền bồi thường bảo hiểm được trả cho Người được bảo hiểm hoặc người đại diện hợp pháp của Người được bảo hiểm.