Tiện ích, - 08/01/2016 05:44 PM
Kể từ 06/01/2016, các xe ô tô từ 4 chỗ trở lên đều phải trang bị bình cứu hoả phù hợp với từng dòng xe và tiêu chuẩn an toàn phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, hiện nay đã có không ít người đang hoang mang vì không biết nên mua loại bình gì, nơi đặt sao cho đúng và cách thức sử dụng thế nào để đảm bảo đúng quy định trên.

Theo Thông tư số 57/2015/TT-BCA đã ban hành của Bộ Công An, đối với xe ô tô từ 4 đến 9 chỗ phải trang bị ít nhất một bình chữa cháy, có thể là bình bột loại dưới 4kg hoặc bình bọt loại dưới 5 lít. Đối với xe ô tô từ 10 chỗ trở lên, xe tải, xe sơ mi, rơ moóc... phải trang bị phương tiện chữa cháy lớn hơn và một số thiết bị như búa, đèn pin, găng tay, khẩu trang phòng độc chữa cháy.

Loại bình cứu hoả được khuyến cáo

Với các loại xe du lịch từ 4 - 9 chỗ bắt buộc phải có một bình cứu hỏa, người dùng cần mua một trong những chủng loại sau: bình bột dưới 4kg, bình bọt dưới 5 lít, bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít hoặc bình khí CO2 chữa cháy dưới 4kg.

Điều kiện căn cứ để mua là phải đúng chủng loại và kích cỡ, tránh việc mua các bình lớn quá, không thuận tiện cho việc bố trí trong xe. Dù chọn loại bình chữa cháy nào thì người dùng cũng cần chú ý đến tem chứng nhận kiểm định của các cơ quan chức năng để tránh việc sử dụng phải bình không đủ chất lượng, không đúng tiêu chuẩn cũng như tránh mua nhầm hàng nhập lậu.

Trên thân bình cứu hỏa hoặc tem của nhà sản xuất, nhà phân phối phải ghi đầy đủ và rõ ràng các thông tin về chất liệu chống cháy, môi trường chữa cháy hay loại khí chống cháy…

Ngoài các quy định như trên, một số bình chữa cháy loại nhỏ phù hợp với người tiêu dùng cần để cố định hoặc gần vị trí dễ lấy. Các bình loại này có tên Fire Stop, Mini Foam hoặc những nhãn hiệu nhập khẩu uy tín từ châu Âu với giá tiền từ 50.000 - 200.000 đồng tùy vào dung tích với đủ các loại chất chữa cháy như khí CO2, bột…

Các bình cứu hỏa có dung tích 500ml sẽ có thời gian xịt chữa cháy từ 5-8 giây, các bình dung tích lớn hơn sẽ có thời gian dài hơn.

Vị trí đặt bình cứu hỏa

Hầu hết các bình cứu hỏa dành cho ôtô đều có khuyến cáo đặt ở nơi thoáng mát, nhiệt độ không quá 50 - 55 oC, cần tránh không đặt bình ở những nơi ánh nắng chiếu trực tiếp như gần bảng táp-lô, trên ghế, cột A... bởi vào mùa hè khi nhiệt độ lên cao sẽ làm tăng nguy cơ nổ bình cứu hỏa.

Vị trí tốt nhất được ưu tiên là ở dưới gầm ghế, dưới chân ghế hành khách phía trước hoặc hộc để đồ trên cánh cửa. Quan trọng nhất vẫn là phải đặt bình chữa cháy ở vị trí gần với người lái để thuận tiện khi có sự cố xảy ra; tuyệt đối không để bình chữa cháy trong tầm tay trẻ nhỏ.

Dưới đây là một số gợi ý về vị trí đặt bình chữa cháy trên xe:

Ngoài ra cũng cần lưu ý là tùy từng loại bình cứu hỏa (dạng bột hay dạng khí) sẽ có thời gian sử dụng khác nhau nên phải luôn đảm bảo rằng bình cứu hỏa trong xe luôn trong tình trạng tốt nhất. Thông thường đối với bình cứu hỏa dạng bột loại 1kg, thời hạn sử dụng có thể lên tới 5 năm, đối với bình khí CO2 thì phụ thuộc vào lượng khí bên trong nên có thể đo bằng cách cân bình.

Cách thức sử dụng

Do bình cứu hỏa dành riêng cho ôtô du lịch dưới 10 chỗ đa số là loại dùng bột chữa cháy nên trước khi sử dụng, người dùng cần lắc nhẹ để hỗn hợp khí đẩy và bột chống cháy được trộn đều, không bị vón cục. Khi thao tác cần lưu ý thêm một số điểm sau:

Chọn vị trí phun: đứng ở đầu hướng gió (nếu cháy ngoài); đứng gần cửa xe (nếu cháy trong).

Cách phun: giữ bình ở tư thế thẳng đứng, phải phun liên tục, không ngắt quãng và phun đến khi đám cháy tắt hẳn mới ngừng lại.

Đối với các đám cháy chất lỏng như xăng, dầu, cồn… thì cần phải phun chất chữa cháy bao phủ lên bề mặt cháy, tránh phun trực tiếp xuống chất lỏng, đề phòng bị bắn ra ngoài và xảy ra cháy to hơn.

Trên thực tế, các loại bình chữa cháy dành cho ôtô chỉ đạt hiệu quả tối ưu nhất là đối với đám cháy vừa bùng phát hoặc các đám cháy nhỏ. Đối với các đám cháy lớn (như cháy khoang động cơ, bình nhiên liệu…) thì tốt nhất là phải nhờ sự giúp đỡ từ những người xung quanh hoặc đội chữa cháy chuyên nghiệp.

Cũng theo quy định này, các phương tiện không có trang bị thiết bị PCCC thông dụng có thể bị phạt tiền từ 300.000 – 500.000 đồng đối với ô tô từ 4 chỗ trở lên; 3 – 5 triệu đồng đối với các xe cơ giới vận chuyển chất, hàng nguy hiểm dễ cháy nổ.

  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: bichhang82@gmail.com; Đường dây nóng: 0903.762.768.