Tiện ích, - 27/06/2017 09:30 PM
Câu hỏi từ bạn đọc CafeAuto có nội dung: Tôi là Minh Hòa, sống ở Daklak, tại khu vực tôi sinh sống có rất nhiều trường hợp người đi xe máy kéo theo xe khác, hoặc dùng chân đẩy xe khác gây mất trật tự an toàn giao thông và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Xin Luật sư cho biết hành vi xe máy kéo theo xe khác, hoặc dùng chân đẩy xe khác nói riêng và những hành vi dùng phương tiện khác để kéo, đẩy có bị cấm không? Nếu bị cấm, thì chế tài xử phạt thế nào?

keo-day-xe-khac-khi-dang-dieu-khien-phuong-tien-giao-thong-bi-xu-ly-the-nao

Ảnh minh họa 

Trả lời:

Điều 29, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về Xe kéo xe và xe kéo rơ-moóc như sau:

1. Một xe ô tô chỉ được kéo theo một xe ô tô, hoặc xe máy chuyên dùng khác khi xe này không tự chạy được và phải bảo đảm các quy định sau đây:

a) Xe được kéo phải có người điều khiển và hệ thống lái của xe đó phải còn hiệu lực;

b) Việc nối xe kéo với xe được kéo phải bảo đảm chắc chắn, an toàn; trường hợp hệ thống hãm của xe được kéo không còn hiệu lực, thì xe kéo nhau phải nối bằng thanh nối cứng;

c) Phía trước của xe kéo và phía sau của xe được kéo phải có biển báo hiệu.

2. Xe kéo rơ-moóc phải có tổng trọng lượng lớn hơn tổng trọng lượng của rơ-moóc, hoặc phải có hệ thống hãm có hiệu lực cho rơ-moóc.

3. Không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Xe kéo rơ-moóc, xe kéo sơ mi rơ-moóc kéo thêm rơ-moóc hoặc xe khác;

b) Chở người trên xe được kéo;

c) Kéo theo xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô

Mặt khác, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng nêu rõ:

3. Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Đi xe dàn hàng ngang;

b) Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác;

c) Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính;

d) Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh;

đ) Buông cả hai tay, hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh, bằng hai bánh đối với xe ba bánh;

e) Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.

4. Người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy khi tham gia giao thông không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Mang, vác vật cồng kềnh;

b) Sử dụng ô;

c) Bám, kéo hoặc đẩy các phương tiện khác;

d) Đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái;

đ) Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông

Theo quy định nêu trên, xe ô tô được phép kéo theo 01 xe ô tô khác hoặc 01 xe máy chuyên dùng khác (Xe máy chuyên dùng gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ), hoặc kéo theo rơ-moóc. Đối với xe máy do người điều khiển, người ngồi trên xe không được không được thực hiện các hành vi kéo theo xe khác, hoặc dùng chân đẩy xe khác. Trường hợp có hành vi vi phạm, sẽ bị xử phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng theo quy định tại điểm k, Khoản 4, Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Câu hỏi được tư vấn bởi Luật sư Đặng Thành Chung
Công ty Luật An Ninh (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội)

  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Gửi thông tin

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến MXH ô tô - xe máy và golf tại Việt Nam xin gửi về địa chỉ email: bichhang82@gmail.com; Đường dây nóng: 0903.762.768.