Những năm gần đây, trào lưu dán đen nóc xe được khá nhiều người ưa chuộng, bởi có thể áp dụng từ xe giá rẻ cho đến xe cao cấp với chi phí đa dạng chỉ vài triệu đồng mà gần như không ảnh hưởng đến kết cấu, máy móc của xe.
Nhưng thời gian gần đây, một số chủ xe khá bất ngờ bởi một số trung tâm đăng kiểm yêu cầu bóc ra trả về màu sơn nguyên bản mới được phép thực hiện quy trình đăng kiểm. Việc này khiến không ít người bức xúc bởi việc dán nóc gần như không ảnh hưởng tới khả năng vận hành của xe.
Bởi theo Thông tư 02/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 22/3/2023, ô tô có màu sơn không đúng màu sơn ghi trong đăng ký lại bị xếp vào loại khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng (MaD). Do đó, ô tô có màu sơn không đúng theo đăng ký xe khi đến trung tâm đăng kiểm sẽ không thể đạt kiểm định. Ngoài ra việc kiểm soát màu sơn đồng thời cũng nhằm phối hợp với công an để kiểm soát màu sơn phương tiện.
Còn với một số xe đã được sơn nóc sẵn từ nhà sản xuất thường sẽ ghi rõ trong đăng ký, thế nên việc đăng kiểm diễn ra bình thường. Còn ở một số trung tâm thì việc xe chỉ dán trên nóc, nhìn qua không ảnh hưởng đến màu sơn gốc trong đăng ký thế nên tùy theo cảm tính của đăng kiểm viên vẫn có thể cho đăng kiểm.
Một bất cập khác cho rằng, một số xe dù đã thay đổi màu sơn, nhưng trong đăng ký là xanh thì chủ xe chuyển sang màu xanh khác lạ mắt nhưng vẫn đăng kiểm bình thường bởi đều là màu xanh dù nhà sản xuất không có màu xanh này. Vì thế để đồng nhất thì cần phải có hướng dẫn từ Cục Đăng kiểm Việt Nam về các trường hợp này để tránh những bất cập không đáng có.
Mặc dù vẫn còn bất cập với màu sơn xe hay dán nóc xe nhưng trong lúc tham gia giao thông, khi bị lực lượng chức năng, cụ thể là CSGT xử phạt, theo khoản 2, Điều 30, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, chủ xe ô tô tự ý thay đổi màu sơn xe khác với màu được ghi trong Giấy đăng ký xe sẽ phải chịu mức phạt từ 300.000 - 400.000 đồng (đối với cá nhân), 600.000 - 800.000 đồng (đối với tổ chức).