Ô tô Tàu sắp tràn về
Từ tháng 3/2019 đến nay, Công ty Kylin 68 không thể nhập được ô tô nguyên chiếc thương hiệu Trung Quốc. Các mẫu xe được khách hàng Việt Nam quan tâm như Zotye Z8, Baic Q7 và Baic BJ 40 không có xe để bán. Lý do là nhà cung cấp giảm sản xuất để nâng cấp nhà máy, đáp ứng tiêu chuẩn Euro 6 theo quy định của Chính phủ Trung Quốc vào năm 2020.
“Vẫn có khách hàng đến hỏi xe nhưng chúng tôi đành hẹn lùi. Dự kiến sau tháng 9/2019 những mẫu xe này mới được nhập về Việt Nam, khi nhà máy tại Trung Quốc đã cấp xong và hoạt động trở lại”, đại diện công ty cho hay.
Cũng theo DN này, khách hàng Việt Nam đã có cái nhìn không còn quá tiêu cực về xe Trung Quốc như trước nữa. Một số khách hàng thời gian qua mua xe về sử dụng thấy khá ổn nên số lượng khách hàng tăng lên.
Xe Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam đang chững lại (ảnh minh họa)
Công ty Kylin 68 đầu năm 2019 nhập được hơn 150 xe, trong đó có 90 xe Baic Q7, 50 xe Zotye Z8 và hơn 20 xe Baic BJ 40, tất cả đã bán hết. Giá bán của mẫu Z8 là 720 triệu đồng, mẫu Q7 là 675 triệu đồng (đã bao gồm cả lệ phí trước bạ, chi phí đăng ký) và mẫu BJ 40 là 800 triệu đồng (chưa có lệ phí trước bạ, phí đăng ký) nhưng vẫn có khách hàng lựa chọn.
Hiện tại, xe Trung Quốc vẫn âm thầm thâm nhập thị trường Việt Nam. Mới đây, một DN tại Hà Nội đã nhập chiếc Changan CS500 về nước. Ra mắt lần đầu vào năm 2017 tại triển lãm ô tô quốc tế Thượng Hải, mẫu crossover Changan CS500 đã tạo ra “cơn sốt” tại tại Trung Quốc khi bán được 150.000 xe vào năm 2018. Nó cũng được xuất khẩu ra thế giới. Về Việt Nam, dự đoán giá xe khoảng 620 triệu đồng, cạnh tranh với Honda HR-V, Ford EcoSport, Hyundai Kona...
Báo The Star (Malaysia) ngày 29/7/2019 cho biết, Tập đoàn Tan Chong Motor vừa ký một bản ghi nhớ với Công ty SAIC Motor International (Trung Quốc) để mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có lắp ráp, bán hàng, nhập khẩu và phân phối xe cơ giới. Tan Chong Motor đang sở hữu các nhà máy lắp ráp ôtô tại Việt Nam, còn SAIC Motor International có các thương hiệu xe con: Maxus, MG và Roewe. Đây là cơ hội phát triển thương hiệu xe Trung Quốc tại Việt Nam.
Giá sẽ giảm mạnh?
Nếu ô tô Trung Quốc được lắp ráp tại Việt Nam, chắc chắn giá sẽ giảm mạnh so với nhập khẩu nguyên chiếc. Theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN và Trung Quốc (ACFTA) ô tô, xe máy là sản phẩm duy trì thuế suất cao, hoặc không cam kết cắt giảm thuế quan (trừ xe tải 6-10 tấn).
Ô tô Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam đang hưởng thuế suất tối huệ quốc dành cho các nước thành viên WTO.
Cụ thể, với dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2.5L, thuế suất nhập khẩu ưu đãi là 70%; với xe có dung tích xi lanh từ 2.5L trở lên, 1 cầu, thuế suất ưu đãi là 52% và xe từ 2.5L trở lên, 2 cầu, thuế suất ưu đãi là 47%. Đây đều là những mức thuế ưu đãi cuối cùng, không thể giảm thêm nữa.
Những mẫu xe Zotye Z8, Baic Q7 và Baic BJ 40 có dung tích xi lanh dưới 2.5L nên nhập khẩu về phải chịu thuế suất 70%. Mức thuế này khá cao, dẫn đến giá xe không thể giảm thấp.
Không ít ý kiến nhận xét chất lượng xe Tàu ngày càng hoàn thiện, thiết kế đẹp, có nhiều công nghệ hiện đại
Tuy nhiên, nếu được lắp ráp tại Việt Nam, với thuế nhập khẩu linh kiện từ 5-25%, dành cho các nước thành viên WTO, thì giá xe sẽ giảm đáng kể. Do thuế chồng thuế nên thuế nhập khẩu giảm thì số tiền đóng thuế tiêu thụ đăc biệt và thuế giá trị gia tăng cũng giảm theo.
Theo tính toán, nếu lắp tại Việt Nam, giá xe Trung Quốc có thể giảm khoảng 25% so với xe nhập khẩu nguyên chiếc. Khi đó, những xe Trung Quốc có giá bán từ 600-700 triệu đồng hiện nay sẽ giảm về mức 450-550 triệu đồng.
Hiện tại, do phải chịu thuế cao, xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc gặp bất lợi so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN hưởng ưu đãi thuế 0%. Mặc dù vậy, xe vẫn duy trì được giá bán thấp, chỉ bằng gần một nửa so với những mẫu xe thương hiệu Nhật, Mỹ nhập khẩu từ ASEAN cùng phân khúc. Nếu lắp ở Việt Nam giá giảm hơn nữa thì xe Trung Quốc tăng thêm lợi thế.
Không những thế, các mẫu xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc về Việt Nam có giá tính lệ phí trược bạ khá thấp. Theo Bảng giá tính lệ phí trước bạ với ô tô, xe máy, do Bộ Tài chính ban hành ngày 9/4/2019, dòng Baic có giá tính lệ phí trước bạ từ 188-280 triệu đồng, còn dòng Zotye có giá tính phí từ 190-311 triệu đồng. Vì vậy, chi phí nộp lệ phí trước bạ với xe Trung Quốc không nhiều.
Chi phí để sở hữu ô tô Trung Quốc thấp, trong khi chất lượng ngày càng hoàn thiện, thiết kế đẹp, có nhiều công nghệ hiện đại, sẽ làm thay đổi cách nhìn với nhiều người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập trung bình, đang khát khao sở hữu ô tô. Như vậy, sẽ cạnh tranh và gây sức ép, góp phần kéo giá trên thị trường ô tô cùng giảm.
Không chỉ có mỗi Tan Chong Motor có ý định lắp xe Trung Quốc tại Việt Nam, một số nhà nhập khẩu khác cũng đang muốn hợp tác, thuê lại nhà máy Tan Chong ở Đà Nẵng để lắp xe Trung Quốc thay cho nhập khẩu. Ngoài ra, một số DN ô tô Trung Quốc cũng cho biết nếu doanh số khởi sắc sẽ tính đến chuyện đầu tư nhà máy lắp ráp xe tại Việt Nam.
Theo Vietnamnet
Thời gian gần đây nhiều thương xe ô tô có xuất xứ hoặc thuộc các liên doanh có nguồn gốc từ Trung Quốc gia nhập thị trường Việt Nam. Tuy nhiên sau một thời gian thì nhiều người chỉ công nhận giá bán thuộc dạng rẻ nhưng chất lượng thì bỏ ngõ.
Thiệt hại nặng nề từ vụ cháy tàu Felicity Ace vừa qua đã khiến một số hãng tàu vận tải ngần ngại khi nhận vận chuyển phương tiện ô tô chạy điện đã qua sử dụng.
Mỗi khi phương tiện truyền thông nhắc đến các mẫu xe ô tô thương hiệu của Trung Quốc chuẩn bị ra mắt thị trường Việt Nam thì một làn sóng hồ nghi dâng cao về chất lượng các xe này và còn rất nhiều việc để các hãng xe Trung Quốc lấy được thị phần từ các hãng xe khác.
Hơn 1 năm kể từ ngày vụ tai nạn khiến chính phủ Mĩ đau đầu, con tàu Golden Ray vừa được tiến hành trục vớt hôm 2-12 vừa qua cùng hàng nghìn phương tiện mới cứng nằm bên trong. Để tiến hành trục vớt, các nhà chức trách đã phải mất 1 năm lên kế hoạch.
Honda, Toyota, BMW, Chevrolet và vô số các hãng xe hơi khác đã và đang bị người Trung Quốc sao chép sản phẩm của họ. Tuy nhiên, những công ty này hầu hết đều phải nhắm mắt làm ngơ cho sự xâm phạm bản quyền tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới.