Honda, Toyota, BMW, Chevrolet và vô số các hãng xe hơi khác đã và đang bị người Trung Quốc sao chép sản phẩm của họ. Tuy nhiên, những công ty này hầu hết đều phải nhắm mắt làm ngơ cho sự xâm phạm bản quyền tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới.

Hãng sản xuất ô tô hạng sang của Anh Jaguar Land Rover vừa giành chiến thắng trước công ty xe hơi Jiangling trong vụ kiện sao chép thiết kế của Range Rover Evoque trên chiếc Landwind X.

Range Rover Evoque

Đây được coi là một cuộc chiến pháp lý chưa từng có tiền lệ giữa một công ty ô tô phương Tây chống lại thị trường Trung Quốc và Đông Á đang phát triển. Nó đã thu hút sự chú ý của các nhà kinh tế, những người trong ngành ô tô và các chuyên gia sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, đây chỉ là một trường hợp hiếm hoi trong đó người Trung Quốc chịu thua. Các hãng ô tô Trung Quốc được cho là sẽ tiếp tục đi theo con đường ‘sơn trại’ (shanzai), tiếng lóng chỉ các sản phẩm đạo nhái ‘chính đáng’ theo quan điểm của họ. ‘Sơn trại’ theo nghĩa đen là nơi tụ họp của các hảo hán nhằm chống lại triều đình thối nát trong thời phong kiến Trung Quốc, điển hình là Lương Sơn Bạc trong truyện Thủy Hử của tác giả Thi Nại Am.

landwind x7

Thị trường tiêu dùng Trung Quốc đã phát triển theo cấp số nhân kể từ cuộc cải cách kinh tế cuối những năm 1980. Một số sự tăng trưởng lớn nhất đến từ các công ty ô tô, cả doanh nghiệp nhà nước và liên doanh nước ngoài. Năm 2008, khi thị trường còn ở giai đoạn sơ khai, người Trung Quốc đã mua 9,4 triệu xe ô tô. Đến năm 2015, thị trường này đã tiêu thụ 24,6 triệu xe/năm.

Khi thị trường này nhanh chóng mở rộng, các nhà sản xuất ô tô phương Tây, đặc biệt là “ba ông lớn” của Hoa Kỳ và các thương hiệu cao cấp của Đức đã vội vã giành giật thị phần bằng cách tung ra hàng loạt các mẫu xe mới tại Trung Quốc và đẩy các hãng ô tô non trẻ của nước này vào thế khó.

Trong tình huống đó, cách tốt nhất mà các nhà sản xuất Trung Quốc có thể cạnh tranh chính là ‘sơn trại’ – bắt chước các sản phẩm nước ngoài như một cách để thâm nhập thị trường mà không phải chi quá nhiều cho việc nghiên cứu.

"Trong ngành công nghiệp ô tô, bạn có thể sao chép ngoại hình của chiếc xe, nhưng các công nghệ cần thiết cho các hệ thống phức tạp trên xe thì lại là một chuyện khác. Các công ty Trung Quốc thường không có kỹ sư sở hữu tay nghề cao trong việc thiết kế ô tô", Bill Russo, giám đốc điều hành của Công ty cố vấn Gao Feng có trụ sở tại Thượng Hải cho biết. “Vì vậy, họ rút ngắn thời gian nghiên cứu bằng cách mua, xin bản quyền hoặc sao chép công nghệ nước ngoài. Dĩ nhiên, đây không phải là cách mà chỉ người Trung Quốc sử dụng”.

Bắt chước là một cách sản xuất thường bị lên án. Nhưng đó cũng là một cách tuyệt vời để kiếm tiền, điều mà con người đã nhận ra từ hàng trăm năm.

Brillant car

"Hoa Kỳ vào những năm 1800 không có những tác giả có khả năng cạnh tranh với những gã khổng lồ văn học Anh. Vì vậy, các nhà xuất bản Mỹ đã in lại các tác phẩm của người Anh mà không xin bản quyền", dẫn lời Mark Bartholomew, giáo sư luật tại trường Đại học Buffalo.

Benjamin Franklin - một trong những tổ phụ lập quốc của Hoa Kỳ - thậm chí còn xuất bản các tác phẩm vi phạm bản quyền. William Wordsworth và Charles Dickens từng đến Mỹ để phàn nàn về điều đó. Hoa Kỳ chỉ thắt chặt luật sở hữu trí tuệ khi các ngành công nghiệp của họ, cả cơ khí và trí tuệ, phát triển hoàn thiện vào cuối thế kỷ 20.

Giáo sư Bartholomew cho biết: “Tất cả đều bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế bản địa. Trung Quốc không có truyền thống tự nghiên cứu mạnh mẽ như các nhà sản xuất Ford hay Hyundai hay bất kỳ công ty nào khác. Nếu thị trường của bạn không có luật bản quyền thì tại sao bạn phải trả tiền cho việc đó?”.

Trên thực tế, Trung Quốc có luật sở hữu trí tuệ và là nước ký kết các thỏa thuận quốc tế về sở hữu trí tuệ. Nhưng luật pháp của Trung Quốc không được áp dụng nhất quán và thậm chí các quy định quốc tế không phải lúc nào cũng được thực thi ở Trung Quốc và các nơi khác trên thế giới.

Một số quốc gia công nhận một số loại sở hữu trí tuệ, nhưng những quốc gia khác thì không. Ví dụ, tay nắm cửa trên ô tô: Đây là một tác phẩm sáng tạo trang trí hay chúng có một chức năng nhất định? Các tác phẩm sáng tạo có bản quyền. Các sản phẩm có tính hữu dụng sẽ được cấp bằng sáng chế. Và các quốc gia, chứ không phải các công ty, là chủ thể quyết định việc những đối tượng nào được bảo vệ bởi luật sở hữu trí tuệ.

Điều này khiến các công ty đa quốc gia đổ xô đi đăng ký bản quyền trên toàn thế giới. Tại các thị trường lớn đã có tên tuổi như Hoa Kỳ và Châu Âu, các công ty xe hơi sẽ nộp đơn xin bảo hộ ngay lập tức. Nhưng ở một thị trường đang phát triển như Trung Quốc - thị trường ô tô của nước này cho đến gần đây mới được coi là “đang phát triển” – việc đăng ký bản quyền chỉ được chú trọng trong thập kỷ qua.

Các công ty xe hơi nhỏ của Trung Quốc không có sự hiện diện mạnh mẽ trên thị trường đã lợi dụng sự chậm trễ trong quy định như một cơ hội kiếm lời. Nếu một sản phẩm chưa được đăng ký bản quyền trong nước thì việc sao chép sản phẩm là điều hiển nhiên. Nếu việc đăng ký bản quyền không chặt chẽ thì các công ty Trung Quốc vẫn có thể bắt chước mà không sợ bị kiện.

Geely GE

Ngay cả khi các nhà sản xuất ô tô Hoa Kỳ đăng ký bản quyền một cách đầy đủ thì các công ty Trung Quốc vẫn hưởng lợi từ ưu thế sân nhà khi hầu tòa. Các tòa án cao cấp ở Bắc Kinh hoặc Thượng Hải có thể công bằng hơn với các công ty nước ngoài, nhưng các tòa án tỉnh hoặc các tòa án ở các vùng tập trung nhiều nhà máy thường tỏ ra ưu ái những nhà sản xuất địa phương, kể cả khi họ đạo nhái sản phẩm một cách lộ liễu.

Do đó, cuộc chiến bản quyền xe hơi tại Trung Quốc sẽ kéo dài dai dẳng. Honda đã chiến đấu với một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc trong 12 năm về bản quyền của CR-V. Chery QQ đã ra mắt mẫu xe bắt chước Chevrolet Spark vào năm 2005. Chiếc CEO của hãng Shuanghuan ‘lấy cảm hứng’ từ BMW X5. Shuanghuan Noble đã sao chép Mercedes Benz Smartcar vào năm 2009. Lifan 320 đạo nhái Mini Cooper Countryman vào năm 2012.

Xe hơi Hummer, Porsche và Rolls Royce cũng bị bắt chước nhan nhản tại Trung Quốc. Ngay cả những chiếc Ferrari cũng bị người Trung Quốc làm nhái.

Frederick Mostert, cựu chủ tịch Hiệp hội Thương hiệu Quốc tế và là nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford và Đại học Bắc Kinh, cho biết: “Bất cứ thứ gì mà con người biết đến đều có thể bị làm giả, thậm chí là một chiếc Ferrari”. Để chứng minh việc này, ông từng mua một chiếc Ferrari nhái và chiếu hình ảnh của nó tại các bài thuyết trình.

Tuy nhiên, Ferrari không phải là thứ hàng giả mà các công ty ô tô lớn lo lắng. Bất kỳ người mua nào đang tìm kiếm một chiếc xe hơi cao cấp đều sẵn sàng chi nhiều tiền cho xe hơi cao cấp. Điều này đặc biệt đúng tại Trung Quốc, nơi người tiêu dùng cực kỳ quan tâm đến thương hiệu. Không ai muốn một chiếc Land Rover mang thương hiệu Landwind cả.

geely marree

Các chuyên gia trong ngành công nghiệp ô tô cho biết dù việc đạo nhái có gây khó chịu đến thế nào thì các vụ kiện nhằm ngăn chặn hành động này thường gây thiệt hại nhiều hơn cho các công ty phương Tây. Người dân Trung Quốc không muốn thấy các ngành công nghiệp trong nước bị ‘bắt nạt’. Thêm vào đó, nếu một công ty đạo nhái bị đóng cửa, những công ty khác sẽ xuất hiện thay thế. Kenneth D. Crews, một luật sư tại Los Angeles và là giáo sư trợ giảng về luật tại Đại học Columbia, nhận định rằng các công ty phương Tây nên sử dụng khoản tiền hầu tòa khổng lồ để tạo ra những chiếc xe mới hơn, tốt hơn.

Việc này sẽ khiến khách hàng tìm kiếm những mẫu xe hơi mới chứ không phải những mẫu xe cũ dễ bị làm giả. Các hãng xe hơi lớn tại Trung Quốc đã trưởng thành hơn và tránh xa việc sao chép các mẫu xe khác. Sau khi kiếm đủ tiền để đầu tư vào nghiên cứu và thiết kế ban đầu, họ đã dần từ bỏ con đường ‘sơn trại’ khi xưa.

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Gửi thông tin

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến MXH ô tô - xe máy và golf tại Việt Nam xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.