Trong 7 tháng đầu năm 2018, Việt Nam nhập khẩu 19.200 xe nguyên chiếc, giảm 56% so với cùng kỳ
Giảm ít, tăng nhiều
Tuần trước, anh Sơn, giám đốc bộ phận một ngân hàng thương mại tại TP.HCM, quyết định mua chiếc Mercedes GLC 300. Giá trước thuế hơn 2 tỷ đồng và sau thuế là hơn 2,4 tỷ đồng. So với năm 2017, dòng xe này đã tăng giá khoảng 10%.
Mercedes GLC 300 là dòng xe lắp ráp trong nước là chủ yếu, tuy nhiên vẫn được hưởng lợi miễn thuế nhập khẩu linh kiện từ đầu năm 2018. Theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa Asean (ATIGA), thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ đầu năm 2018 cũng giảm từ 30% về 0%. Các doanh nghiệp trong ngành cho rằng, các mức thuế trên được miễn sẽ giúp giá bán giảm khoảng 18-24%. Thế nhưng thực tế giá bán ra của các dòng xe phổ biến lại tăng so với lúc chưa giảm thuế.
Tăng nhiều nhất là các dòng xe của hãng Toyota với mức tăng trung bình vài triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/chiếc. Chẳng hạn dòng xe Toyota Vios 2018 có 3 phiên bản được bán với giá 53-606 triệu đồng/chiếc, tăng đáng kể so với mức giá khoảng 500 triệu đồng/chiếc của năm 2017. Dòng xe Hilux nhập từ Thái Lan tăng tới 22 triệu đồng. Còn dòng Yaris trong tháng 8/2018 tăng khoảng 8-52 triệu đồng/chiếc.
Còn hãng xe Honda thì liên tục tăng giá các dòng xe bán chạy kể từ lô xe nhập về từ tháng 3/2018. Sau vài lần tăng giá, Honda đẩy giá dòng Honda CR-V tăng thêm 15 triệu đồng/chiếc. Đặc biệt với hãng Ford, để sở hữu dòng xe bán tải Ford Ranger mới, khách hàng phải trả thêm gói phụ kiện lên đến hơn 200 triệu đồng, như một hình thức tăng giá. Riêng với dòng xe sang nhập khẩu, kể từ tháng 5/2018, Mercedes-Benz Việt Nam tăng giá bán thêm 60 triệu đồng trên hai phiên bản GLC 250 và GLC 300.
Những dòng xe tăng giá đều có giá bán từ 1 tỷ đồng trở lên, phân khúc tầm giá này trở xuống có vài hãng giảm giá. Chẳng hạn, mẫu Mitsubishi Pajero Sport 2018 dao động từ 1,062-1,25 tỷ đồng. Như vậy, mẫu xe trên đã giảm tới 244 triệu đồng sau khi được miễn thuế nhập khẩu. Một số dòng xe cỡ nhỏ của hãng này cũng được giảm 15-30 triệu đồng/chiếc như Mitsubishi Attrage, Mitsubishi Mirage.
Một số dòng xe của hãng Chevrolet cũng giám giá 30-60 triệu đồng/chiếc. Cá biệt, mẫu xe Hiace 16 chỗ ngồi của Toyota lại giảm giá khá mạnh, hơn 130 triệu đồng so với lúc chưa giảm thuế. Tuy nhiên, nhiều người dùng cho rằng, với giá trị xe trên dưới 1 tỷ đồng, giảm vài chục triệu đồng thì chưa tương xứng với nhiều ưu đãi miễn thuế mà các hãng nhận được.
Dù thuế nhập khẩu ô tô giảm về 0% từ đầu năm 2018, nhưng thực tế giá bán ra của các dòng xe phổ biến lại tăng so với lúc chưa giảm thuế.
Vì sao tăng giá?
Theo giải thích của các hãng, xe mới tăng giá chứ không giảm vì nhiều lý do. Toyota nói do xe mới được nâng cấp thêm nhiều túi khí, hệ thống ổn định thân xe… Còn Honda Việt Nam cho biết, giá CR-V tăng là do thời gian nhập khẩu bị kéo dài, thủ tục kiểm tra từng lô xe… đã đẩy chi phí tăng cao, nên buộc phải tăng giá bán.
Còn theo hãng Nissan Việt Nam, mặc dù là xe sản xuất trong nước nhưng đơn vị phải nhập khẩu linh kiện về lắp ráp. Ngoài việc nguồn cung linh kiện hạn chế, thì tỷ giá đồng USD tăng kéo chi phí đầu vào tăng theo.
Nghị định 116/2017 về điều kiện nhập khẩu kinh doanh ô tô (chứng nhận chất lượng kiểu loại xe, kiểm tra thử nghiệm từng lô xe nhập khẩu…) đã khiến các hãng xe lúng túng, lượng xe mới nhập về nhỏ giọt. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), trong 7 tháng đầu năm 2018, Việt Nam nhập khẩu 19.200 xe nguyên chiếc, giảm 56% so với cùng kỳ. Điều này góp phần làm tăng giá xe mới.
Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty Ô tô Đại Đô Thành cho biết, giá bán các dòng xe chuyên dụng (xe tải, siêu trường siêu trọng, xe chữa cháy…) đều bị đội giá 400-500 triệu đồng/xe so với năm 2017, vì vướng Nghị định 116. “Trước đây chỉ kiểm từng lô, hiện giờ phải kiểm tra động cơ từng chiếc. Tiêu chuẩn khí thải Euro 4 đã được các nước châu Âu - nơi sản xuất xe chứng nhận, nhưng về Việt Nam vẫn phải kiểm lại” - ông Hoàng dẫn chứng.
Ngoài ra, Nghị định 116 cũng khiến doanh nghiệp gánh thêm chi phí. Thời gian kiểm tra mỗi lô xe và chứng nhận các thủ tục liên quan kéo dài khoảng 2-3 tháng. Điều này khiến doanh nghiệp tăng thêm chi phí lưu kho mà không bán được xe. Các chi phí này đều bị đẩy về phía khách hàng.
Vì vậy, giấc mơ mua xe giá rẻ nhờ miễn thuế nhập khẩu hiện khó thành hiện thực, đặc biệt ở những mẫu xe bán chạy. Giá xe những tháng cuối năm 2018 có thể còn tăng thêm vì lo ngại tỷ giá VND/USD sẽ tiếp tục tăng.
Giá bán các dòng xe chuyên dụng (xe tải, siêu trường siêu trọng, xe chữa cháy…) đều bị đội giá 400-500 triệu đồng/xe so với năm 2017, vì vướng Nghị định 116.
Theo Người tiêu dùng
Nếu được, có thể sắp tới sẽ giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô kéo dài đến hết năm 2023 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đang được Bộ Tài chính nghiên cứu để đề xuất xuất tiếp tục giảm thuế suất cho ô tô điện và hybrid.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam - VAMA đã kiến nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ với dòng xe HEV, PHEV.
Bước sang năm 2023, dự kiến Porsche Taycan sẽ có giá bán niêm yết thấp hơn khoảng 700 triệu đồng so với bản hiện tại đang bán, tuy nhiên thời gian giao xe vẫn là ẩn số.
Cùng với việc được giảm 50% lệ phí trước bạ, bắt đầu từ tháng 12.2021 ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước tiếp tục được gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo nội dung Nghị định 104/2021/NĐ-CP.