Giảm lệ phí trước bạ ôtô 50% chỉ mới được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về mặt chủ trương, chưa có văn bản hiệu lực chính thức nhưng khiến thị trường ôtô xáo trộn. Khách hàng và đại lý đều mong muốn biết thời điểm áp dụng, để không mang tâm lý "chờ nhưng không biết đến khi nào".
Xe phổ thông
Từ đầu năm, hầu hết xe của tất cả các hãng đều chạy chương trình giảm giá từ vài chục tới vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Tuy vậy, khi mới chỉ có thông tin về việc giảm 50% trước bạ, còn chưa có ngày thực hiện, các đại lý đã có những động thái trái chiều nhau.
Trước kiểu chờ đợi của khách, đặc biệt ở nhóm mua xe phổ thông, nhiều đại lý cho biết vẫn giữ nguyên mức giảm giá, với lý do hàng tồn còn quá nhiều sau khi đình trệ vì covid-19.
"Tôi chưa thấy lãnh đạo có chỉ thị gì, hiện tại vẫn giữ mức giảm giá như trước, vì cũng chưa biết khi nào mới áp dụng mức trước bạ mới", nhân viên bán hàng một hãng xe Nhật chia sẻ.
Tuy vậy, có không ít đại lý bắt đầu tung chiêu "dọa" cắt ưu đãi để hối thúc khách chốt xe, sau khi có nhiều người mua hoãn lấy xe, đợi giảm trước bạ. Các đại lý này nói có thể không còn giảm giá vào tháng tới hoặc khi quyết định giảm thuế 50% có hiệu lực.
"Để tối ưu lợi nhuận, đại lý có thể cắt khuyến mại là điều bình thường. Khi khách hàng mua xe nhiều, lượng xe không còn dư dả, nguồn cung ít lại thì giá xe sẽ không còn tốt như hiện thời", nhân viên tại một đại lý Honda ở quận 2, TP. Hồ Chí Minh nói. Anh này cho biết có một khách chốt cọc, chờ nhưng sau đó cân nhắc lại và đã quyết định lấy xe ngay.
Chiếc City bản Top lắp ráp trong nước giá 599 triệu, đại lý giảm giá 40 triệu trong tháng 5 và khách tiết kiệm được khoản này. Khách hàng chờ đến tháng 6 với giá không ưu đãi, giả sử phí trước bạ giảm 50%, tương đương tiết kiệm 30 triệu. Như vậy việc mua xe khi phí trước bạ chưa giảm thậm chí còn tốt hơn sau đó.
Tại một đại lý Toyota ở quận Bình Thạnh, lượng khách đến xem xe nhiều hơn từ đầu tuần qua. Một nhân viên bán hàng cho biết, có hai khách quyết định đặt cọc xe chờ phí trước bạ giảm mới chốt hợp đồng với giá xe đủ. "Họ là những người không cần xe gấp và có thể thủng thẳng chờ đợi phí trước bạ giảm".
Ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đại lý đã điều chỉnh giá một số dòng xe, cắt bớt ưu đãi khoảng 10-30 triệu cho các dòng chủ lực như Vios, Fortuner do nhu cầu khách hàng tăng nhưng nguồn hàng hạn chế. Một chiếc Vios bản G giá 570 triệu, trước đó ưu đãi 35 triệu nhưng hiện giảm xuống còn 25 triệu.
Ở một vài đại lý Hyundai ở Hà Nội cũng có động thái điều chỉnh giảm mức ưu đãi 5-10 triệu đồng ở nhiều dòng xe, một số khác quay về giá niêm yết như Hyundai Accent. Trường phòng kinh doanh một đại lý Hyundai nói: "Đại lý tăng giá để bù lỗ thời điểm dịch giảm sâu".
Theo các tư vấn bán hàng, quyết định mua xe thực tế tùy thuộc vào nhu cầu cần xe của khách hàng như thế nào, bởi giảm phí trước bạ chưa biết khi nào áp dụng. Ở nhóm xe phổ thông với giá trị không cao, phí trước bạ giảm một nửa nhưng khi ưu đãi giá không còn, việc chờ đợi không mang nhiều ý nghĩa. Không chỉ nhân viên đại lý, đại diện truyền thông một hãng xe Hàn Quốc cũng nói nhà máy đang thiếu linh kiện vì covid-19, nên có thể sắp tới nguồn cung không dồi dào. Anh này lấp lửng chuyện hãng và đại lý không còn giảm giá nhiều như hiện nay.
Xe sang
Tại Việt Nam, Mercedes là thương hiệu xe sang duy nhất có vài sản phẩm lắp ráp trong nước, đáp ứng điều kiện giảm 50% phí trước bạ. Trong đó có C-class, GLC và S-class (tùy phiên bản). Riêng GLC là mẫu xe bán chạy nhất thị trường xe sang hơn ba năm gần đây. Phí trước bạ giảm giúp thương hiệu này có thêm trợ lực để tăng doanh số trước BMW, Lexus, Audi.
Phí trước bạ giảm một nửa mang lại lợi ích lớn cho các khách hàng xe sang bởi giá xe càng cao, phí trước bạ càng lớn. Vẫn có những khách hàng có tâm lý chờ đợi trước bạ mới nhưng chỉ là thiểu số, bởi phần lớn đều có tiềm lực tài chính mạnh.
Trưởng phòng marketing một đại lý Mercedes tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, chỉ có vài khách và mua xe bằng hình thức vay ngân hàng còn lấn cấn chờ đợi đến thời điểm phí trước bạ giảm mới mua xe.
Trong khi đó, một vài khách "lấy xe lúc nào cũng được" thì tỏ ra muốn chờ đợi. Ví như chị Bảo Ly, đang sở hữu GLC300 và muốn mua thêm chiếc C180, không cần gấp gáp nên chị sẽ chờ tới khi có ưu đãi mới."Với những người mua xe trả thẳng, khách đều muốn lấy xe sớm để phục vụ công việc kinh doanh khi cảm thấy ưng ý. Hiện đại lý chưa nhận được nhiều phản ánh từ nhân viên bán hàng việc khách chần chờ mua xe khi chưa biết khi nào phí trước bạ giảm", vị này nói.
Nếu Mercedes vẫn giữ những mức giảm giá xe như hiện tại, cộng thêm ưu đãi từ trước bạ mới, dòng xe này sẽ có ưu thế hơn nhiều so với các đối thủ nhập khẩu như Lexus, BMW, Audi... Áp lực phải giảm giá dành cho các đối thủ lại càng nặng nề.
Theo Thành Nhạn - Đoàn Dũng/vnexpress.net
Văn hoá kinh doanh “bìa kèm lạc” của các đại lý xe ô tô đã tồn tại từ lâu và đến nay dưới tác động của tình hình chung, giá xe ô tô Việt Nam lại tiếp tục được đẩy lên cao hơn sau khi các hãng xe đồng loạt điều chỉnh tăng giá bán.
Nhu cầu tăng cao kèm với nguồn cung hạn chế khiến một số mẫu xe rơi vào tình trạng khan hàng và tăng giá bán thực tế.
Việc bán hàng trực tuyến đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thay thế việc đến trực tiếp đại lý để làm việc.
Cả General Motors và Ford đều cam kết chi hàng chục tỷ USD để nghiên cứu và phát triển ôtô điện. Các đại lý xe hơi tại Mỹ cũng đang thực hiện các bước để chuẩn bị cho tương lai.
Mua xe hơi, nếu khách hàng nghĩ mình ở thế cửa trên để tìm kiếm phần lợi nhất về mình, họ đã lầm.