Sự góp mặt của Volvo XC90 bên cạnh BMW X5, Audi Q7, Range Rover Sport HSE làm cho phân khúc SUV hạng sang tại thị trường Việt Nam ngày càng trở nên sôi động. Tuy xét cho cùng bên được lợi chính là người tiêu dùng, nhưng việc đứng giữa vô vàn những lựa chọn hấp dẫn ấy cũng gây ra những băn khoăn nhất định.
Crossover SUV hạng sang từ lâu đã là một mảnh đất vô cùng màu mỡ, và các số liệu thống kê tại Mỹ cho thấy người tiêu dùng hiện đại đang dần ưa chuộng dòng xe đa dụng sang trọng này hơn là những chiếc sedan tương đương về trang bị và kích cỡ. Audi đang kì vọng doanh số chiếc Q7 thế hệ mới sẽ vượt trên mẫu A6 trong 1 hoặc 2 năm tới, trong khi BMW X5 từ lâu đã đắt hàng hơn 5-series và Volvo XC90 hiện đang là mẫu xe bán chạy nhất của hãng xe Thụy Điển. Chưa kể tới việc số lượng Land Rover Range Rover Sport được tiêu thụ tại Mỹ còn lớn hơn doanh số tất cả những chiếc sedan của Jaguar cộng lại, cũng là lí do chính khiến mẫu SUV Jaguar F-Pace ra đời – đặt chân vào thị trường nóng bỏng này.
Trong số 4 mẫu xe kể trên, BMW X5 là mẫu xe thành công nhất về doanh số do trên thực tế, đây chính là chiếc xe ra đời sớm nhất và đặt nền móng cho phân khúc này. Trải qua hơn 15 năm có mặt trên thị trường, X5 luôn nằm trong danh sách những mẫu xe chủ lực của BMW với doanh số toàn cầu lên tới 1,4 triệu chiếc và năm 2014 -2015 đạt trung bình 150,000 xe/năm. Đối thủ đồng hương Audi Q7 có tuổi đời trẻ hơn tới 6 năm nhưng bù lại cho sự chậm trễ đó là một mẫu xe khá hấp dẫn về cả ngoại hình, hệ thống lái và các trang bị. Thế hệ thứ 2 ra mắt vào đầu năm ngoái nhận được phản ứng khá tích cực từ phía người tiêu dùng trong nước.
Land Rover Range Rover Sport HSE cũng là một mẫu xe khá phổ biến tại Việt Nam. Dù giá bán và kích thước tổng thể của chiếc xe nhỉnh hơn một chút so với Audi Q7 hay BMW X5 nhưng đặc điểm vận hành của các mẫu xe này mang khá nhiều nét tương đồng. Range Rover Sport thế hệ mới thừa hưởng những đường nét thiết kế từ mẫu crossover cỡ nhỏ Evoque và chiếc SUV full-size Range Rover với nhiều đường cong mang lại vẻ hài hòa hơn so với sự vuông vức trên thế hệ cũ. Ngược lại, Volvo XC90 tuy cũng rất thành công trên các thị trường tại châu Mỹ và châu Âu nhưng lại khá kén khách tại thị trường trong nước, một phần có lẽ vì thương hiệu Volvo không thực sự được nhiều người tiêu dùng biết đến. Nhìn chung, mỗi mẫu xe mang các đặc tính riêng biệt và hấp dẫn người dùng theo những cách khác nhau.
BMW X5 thế hệ thứ 3 mang mã hiệu F15 được giới thiệu lần đầu gần 3 năm trước, sử dụng chung khung gầm và trục cơ sở với thế hệ trước đó. Về mặt ngoại hình, chiếc xe thừa hưởng những đường nét theo ngôn ngữ thiết kế mới của BMW với cụm đèn pha vuốt dài nối liền với 2 hốc lưới tản đặc trưng. Thân xe khá đầm với chủ yếu những đường thẳng; đèn pha và đèn hậu LED có chiều sâu. Trên tổng thể, chiếc xe mang dáng vóc hài hòa, cứng cáp với một vài chi tiết nhỏ đem lại nét tươi mới và trẻ trung hơn một chút. Tính khí động học cũng được tối ưu hóa tăng hiệu suất làm việc của động cơ và giảm thiểu lượng nhiên liệu tiêu thụ.
Khoang nội thất của chiếc xe mang đến cảm giác trung tính và tương đối “truyền thống” với cấu trúc khá giống với mẫu xe tiền nhiệm, tuy nhiên sự phối hợp các mảng chất liệu gỗ và da bắt chéo nhau tạo chiều sâu và tinh tế hơn. Điểm mới nằm ở sự gia tăng kích thước taplo, hộp đựng găng tay… tạo nên một không gian bề thế và cảm giác rộng rãi cho hành khách. Tuy nhiên hàng ghế sau vẫn chưa có nhiều cải thiện về không gian để chân – một điểm trừ tồn tại từ thế hệ X5 trước. Hệ thống ánh sáng trong xe bố trí tốt, vừa mang nét sang trọng vừa tạo sự đồng nhất cho các thành phần nội thất như cửa, bảng điều khiển… Hàng ghế thứ 2 thiết kế theo kiểu module 40:20:40 thông dụng và khi được gập gọn sẽ tăng thể tích khoang chứa từ 650L lên tới 1870L.
Hệ dẫn động AWD xDrive thế hệ mới nhất được tối ưu hóa hiệu suất và nhẹ hơn 1,4kg so với mẫu xe tiền nhiệm. Có thể nói rằng xDrive của BMW là một trong những hệ dẫn động hiệu quả nhất trong dòng xe SAV (Sport Activity Vehicle) với khả năng kiểm soát tốt độ bám đường, cân bằng… cũng như phân bổ công suất lên các bánh nhằm thích ứng với hầu hết các điều kiện đường xá và thời tiết. Tuy vậy, một điểm trừ khác được khá nhiều trang đánh giá xe uy tín đưa ra nằm ở hệ thống đánh lái và cảm giác vô lăng chưa thực sự chính xác; trên cung đường thẳng chiếc xe cần được chỉnh lái nhiều hơn mức thông thường. Bù lại vào đó, hệ thống treo hoạt động hiệu quả và nhạy bén với các thay đổi trong điều kiện vận hành, tạo sự thoải mái tối đa cho hành khách.
Sử dụng động cơ turbo 3.0L I6 DOHC – phiên bản công suất thấp của dòng động cơ trang bị trên những chiếc xe thể thao M3, M4 - chiếc xe đạt công suất cực đại 306 mã lực, với mức tiêu hao nhiên liệu trung bình không thực sự ấn tượng 8.5L/100km. Tuy nhiên động cơ được thiết kế khá nhẹ và bền bỉ, trang bị công nghệ BMW TwinPower Turbo kết hợp với hệ thống phun xăng và van nạp biến thiên VALVETRONIC tăng thời gian đáp ứng và loại bỏ độ trễ turbo. Nhìn chung, nhiều trang đánh giá uy tín đều khen ngợi chất lượng động cơ đến từ BMW, xét trên tổng hòa các yếu tố độ bền, khả năng vận hành, các công nghệ trang bị và mức tiêu hao nhiên liệu.
Hiện tại mức giá cho phiên bản X5 xDrive35i được Euro Auto đưa ra là 3 tỉ 698 triệu đồng.
Trong số 4 mẫu xe được đưa ra, Range Rover Sport HSE sở hữu chiều dài tổng thể khiêm tốn nhất 4,85m nhưng lại có giá khởi điểm đắt nhất, lên tới gần 5 tỉ đồng. Dù vậy, sức hút của mẫu SUV này tại thị trường Việt Nam là không thể phủ nhận. Trên thực tế, nếu xét về giá bán và các yếu tố vận hành thì Range Rover Sport nằm cùng tầm với một số mẫu SUV full-size như Mercedes-Benz GL, Cadillac Escalade… tuy nhiên do kích thước chỉ ngang ngửa một chiếc SUV crossover nên chúng tôi vẫn đưa chiếc xe vào danh sách này.
Và có thể nói, thế hệ thứ 2 của Range Rover Sport đã không chỉ kế thừa xuất sắc DNA của mẫu xe tiền nhiệm mà còn trở nên tinh tế với nhiều đường cong hơn, hài hòa hơn trên tổng thể. Kính chắn gió và mui xe dốc hơn đem lại dáng vẻ thể thao và tăng tính khí động học lên tới 8%. Tuy nhiên chính yếu tố này đã làm cho tùy chọn hàng ghế thứ 3 trở nên khá tù túng và kém thoải mái hơn so với những mẫu xe còn lại. Bù lại, trục cơ sở dài hơn thế hệ trước 178mm gi hành khách ở hàng ghế thứ 2 có nhiều không gian hơn cũng như việc ra vào xe khá thoải mái. Với một mẫu xe hướng nhiều hơn đến sự sang trọng và khả năng vận hành, chiều dài khiêm tốn trở thành điểm mạnh của Range Rover Sport HSE khi đi cùng với nó là tính cơ động và trọng lượng nhẹ hơn.
Khoang nội thất của Range Rover Sport HSE được tối giản đem lại sự trang nhã với 2 tông màu tương phản, hòa quyện giữa nét cổ điển và hiện đại. Bảng điều khiển trung tâm nằm cao hơn mang tới khả năng kiểm soát phương tiện tốt hơn cho người lái. Giao diện màn hình chính được đánh giá là trực quan tuy nhiên thiếu tính bóng bẩy thường thấy trên hệ thống thông tin giải trí ở các mẫu xe cùng phân khúc. Hàng ghế sau khá thoải mái trong không gian và trang bị nhiều tiện nghi cao cấp.
Trên tất cả, khả năng vận hành đúng chất SUV vẫn là điểm sáng đã tạo nên thương hiệu cho dòng xe đến từ Anh Quốc. Cảm giác lái và khả năng kiểm soát được đánh giá cao hơn các mẫu xe cùng phân khúc. Động cơ V6 3.0L sản sinh công suất 340 mã lực, hệ dẫn động 4WD toàn thời gian kết hợp với hệ thống Terrain Response® 2 tự động tính toán và thích ứng với từng điều kiện địa hình đem đến khả năng off-road ấn tượng. Land Rover còn nghiên cứu và phát triển thêm một hệ thống có tên Wade Sensing™, sử dụng các cảm biến trong gương chiếu hậu hỗ trợ khi xe lội nước, cảnh báo cho lái xe khi mực nước xung quanh có dấu hiệu tăng cao và đưa ra hình ảnh trực quan kĩ thuật số. Khoảng sáng gầm 278mm, khả năng lội nước tới 850mm.
Khi vận hành dưới chế độ đặc biệt Dynamic Response, trục bánh xe có thể di chuyển tương đối theo chiều dọc tới 546 mm, vượt xa nhiều mẫu xe trong phân khúc với chỉ 450mm hoặc thậm chí ít hơn. Điều này thực sự đáng giá trong những điều kiện địa hình khắc nghiệt. Mức độ tiêu thụ nhiên liệu đã được cải thiện chút ít so với thế hệ trước, ở mức 11,8L/100km.
Giá bán tham khảo cho phiên bản Range Rover Sport HSE 3.0L Supercharged đời 2016 tại Việt Nam là 4 tỉ 850 triệu đồng.
Nếu chọn ra một điểm sáng tiêu biểu nhất cho mẫu xe chất Thụy Điển này, thì đó chính là khoang nội thất vô cùng tuyệt hảo, đến mức tạp chí Car and Driver đã cho rằng lẽ ra nó phải nằm trong cabin của một chiếc xe đắt tiền gấp đôi. Không có gì quá ngạc nhiên với điều đó khi biết rằng Robin Page – Giám đốc phụ trách mảng thiết kế nội thất tại Bentley, người đã nhào nặn nên nội thất của Bentley Continental hay Mulsanne – đã được Volvo chiêu mộ vào năm 2013 nhằm hoàn thiện ngôn ngữ thiết kế hoàn toàn mới của hãng. Mẫu XC90 thế hệ thứ 2 chính là thành quả đầu tiên tại Volvo của designer danh tiếng này.
Bước vào khoang lái, sự mềm mại đến từ chất liệu da cao cấp hiện diện khắp các bề mặt từ ghế, ốp cửa, mặt taplô đến vô lăng, thậm chí cả trên chiếc chìa khóa điện vô cùng đẹp mắt. Từng góc cạnh, nút bấm và những đường chỉ khâu đều được trau truốt, toát lên sự tinh tế đầy hấp dẫn. Nhiều chi tiết ốp gỗ vân nhám tối màu hoặc sử dụng chất liệu niken mờ. Tất cả mọi thứ hòa quyện vào nhau một cách hoàn hảo, như cách một chiếc Bentley hòa quyện thiết kế đậm chất Ý và kỹ nghệ chế tác xe hơi tuyệt vời của người Đức.
Màn hình cảm ứng 9” nằm chính giữa bảng điều khiển thay thế khá nhiều nút bấm cơ truyền thống nên người lái sẽ mất chút ít thời gian để làm quen. Không gian các hàng ghế sau khá rộng rãi, đặc biệt hàng ghế thứ 3 đủ thoải mái cho một người lớn cao trên dưới 1m70 – một điều khá ít mẫu xe tương đương về kích cỡ có được. Nhìn chung, Volvo đã thừa kế và phát huy rất tốt truyền thống chế tạo ra những khoang nội thất bậc nhất.
Về mặt ngoại hình, Volvo XC90 là mẫu xe đầu tiên định hình phong cách thiết kế mới của Volvo với cụm đèn pha chữ T “Lưỡi búa của Thor” đặc trưng. Thân xe khá bề thế, trụ C hơi vuốt lên giữ lại nét thanh thoát cho tổng thể. Tùy chọn la zăng cỡ lớn từ 20 đến 22 inch. Đuôi xe tiếp nối thiết kế từ thế hệ trước nhưng được cách điệu với nhiều cạnh và đường cong hơn. Có thể thấy nỗ lực tạo ra một ngôn ngữ thiết kế lưu loát, hài hòa và hiện đại hơn của Volvo trên chiếc XC90, tuy phải nói rằng mẫu xe không thực sự có nhiều chi tiết đặc sắc về ngoại thất.
Xét đến khả năng vận hành, Volvo gây thất vọng đôi chút khi chỉ trang bị động cơ 2.0L I4 Drive-E cho mọi phiên bản, mặc dù việc kết hợp cả turbocharge và supercharge (gọi tắt là twincharge) đem đến công suất khá lớn. Mức độ tiêu thụ nhiên liệu cũng khá “chát” cho một động cơ dung tích 2 lít – 10,5L/100km hỗn hợp, xấp xỉ BMW X5 và Audi Q7 dùng động cơ 3.0. Cảm giác lái được đánh giá ở mức trung bình, phản ứng ga khá nhạy bén và chính xác.
Một điểm sáng khác của XC90 và những mẫu xe dưới mái nhà Volvo nói chung là mức độ an toàn. Các tạp chí uy tín thế giới đều công nhận rằng XC90 thế hệ thứ 2 là mẫu SUV an toàn nhất thế giới hiện nay, với nhiều trang bị độc đáo khó có thể tìm thấy ở bất cứ đối thủ nào khác cùng phân khúc. Có thể kể đến hệ thống bảo vệ hành khách khi phát hiện xe bị tuột dốc; phanh tự động khi xe chuyển hướng cắt mặt một phương tiện đang di chuyển cùng/trái chiều – một tình huống vô cùng phổ biến (XC90 là mẫu xe đầu tiên trên thế giới trang bị công nghệ này); hỗ trợ di chuyển khi kẹt xe, phanh, ga và đánh lái tự động bám theo phương tiện phía trước…
Mới đây, Volvo đã chính thức thâm nhập thị trường Việt với việc mở showroom tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP HCM, do đó mẫu SUV đầy hấp dẫn XC90 sẽ được phân phối chính hãng trong thời gian tới. Giá bán dự kiến cho phiên bản XC90 T6 AWD vào khoảng hơn 3 tỉ đồng.
Mang vẻ ngoài cứng cáp, mạnh mẽ với chủ yếu những đường thẳng và các hình khối đa cạnh, Audi Q7 thế hệ thứ 2 mang vóc dáng khá khác biệt so với mẫu xe tiền nhiệm. Mặt ca lăng lục giác, các nan chrome chạy song song; cụm đèn LED ma trận gồm 25 điốt phát quang độc lập với tính năng độc đáo: tự động tính toán các điều kiện của cung đường sắp tới (dựa vào hệ thống định vị vệ tinh) để bật/tắt một số điốt, tạo ra cường độ sáng thích hợp nhất. Trụ D kích thước lớn và dốc – một đặc trưng của dòng Audi Q. Nhìn chung, Audi vẫn trung thành với ngôn ngữ thiết kế khá quen thuộc đã xuất hiện trên hầu hết các model thế hệ mới của hãng, nhưng những đường nét dứt khoát trên tổng thể vẫn đủ khiến Q7 thu hút nhiều ánh nhìn khi lưu thông trên phố.
Bước vào khoang nội thất, khác biệt với vẻ hào hoa thanh nhã của chiếc Volvo XC90 hay sự tối giản tinh tế trên Range Rover Sport, Audi Q7 thể hiện sự đồng nhất với ngoại hình khi duy trì những đường thẳng chạy ngang khoang lái, nối liền vào ốp cửa, cũng như các khối hình học cứng cáp xuyên suốt. Một vài đường cong ở bệ đỡ tay, taplô… kéo lại sự hài hòa cho nội thất. Số lượng nút bấm vừa đủ, bố trí hợp lí là một ưu điểm lớn khiến cho bảng điều khiển không bị rườm rà dù mang khá nhiều đường nét. Màn hình cảm ứng MMI thế hệ mới thân thiện và dễ sử dụng, qua đó người lái có thể thay đổi khá nhiều thông số vận hành của chiếc xe.
Tuy mang kích thước ngắn hơn 37mm và hẹp hơn 15mm nhưng không gian bên trong lại rộng rãi hơn thế hệ trước và nhỉnh hơn các đối thủ BMW X5 hay Range Rover Sport, tạo sự thoải mái tối đa cho hành khách, dù hàng ghế thứ 3 chưa thực sự đủ cho một người lớn (hạn chế hơn Volvo XC90). Bù lại khả năng chống ồn của chiếc xe khá tốt nhờ vào vật liệu kính acoustic và thay đổi vị trí gương hậu xuống dưới trụ A. Hệ thống giải trí chất lượng với tùy chọn hệ thống âm thanh Bose hoặc Bang & Olufsen danh tiếng.
Trong khả năng vận hành, Audi Q7 thực sự gây ấn tượng khi trang bị hệ thống chassis mới nhất từ hãng mẹ Volkswagen giúp chiếc xe nhẹ hơn phiên bản tiền nhiệm tới 325kg, và với trọng lượng khô chỉ 1,995 kg đây cũng là mẫu xe nhẹ nhất trong phân khúc. Yếu tố này vô cùng quan trọng góp phần giúp động cơ V6 3.0L TFSI đạt được hiệu suất tốt và giảm thiểu mức tiêu hao nhiên liệu xuống còn 8,3L/100km – ít hơn 28% so với thế hệ trước. Hộp số tự động 8 cấp Tiptronic phát triển hoàn toàn mới kết hợp cùng hệ dẫn động 4 bánh quattro danh tiếng đem lại cảm giác lái sắc bén và mạnh mẽ.
Các trang bị an toàn trên Audi Q7 thế hệ mới gồm nhiều tính năng nổi bật, có thể kể đến hệ thống tự đánh lái khi phát hiện có chướng ngại; ACC stop & go hỗ trợ di chuyển tự động khi kẹt xe (tương tự như trên chiếc Volvo XC90) với vận tốc tối đa giới hạn ở 65km/h; cảnh báo khi mở cửa, đề phòng va chạm với các phương tiện đang di chuyển đến từ phía sau; hệ thống Predictive Efficiency Assistant nhắc nhở lái xe giảm tốc độ khi phát hiện khu dân cư hay biển báo hạn chế tốc độ…
Tại Việt Nam, mức giá tham khảo cho phiên bản Q7 3.0 TFSI là 3 tỉ 450 triệu đồng.
Bảng so sánh thông số cơ bản:
Theo Car and Driver