Thị Trường, - 18/07/2019 12:10 AM
Lotus – hãng xe thể thao có nguồn gốc Anh Quốc mới đây đã trình làng siêu xe Evija. Nó được tuyên bố là chiếc xe sản xuất hàng loạt mạnh nhất ở thời điểm hiện tại.

Trước kia, khi nhắc đến những ông vua về sức mạnh trong thế giới xe hơi, người ta thường nghĩ ngay đến những siêu phẩm của Bugatti, Koenigsegg hay Hennessy Performance.Tuy nhiên, sự bùng nổ của công nghệ xe điện trong những năm gần đây đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của ngành công nghiệp này. Với sự nhỏ gọn của động cơ điện, các nhà sản xuất có thể lắp đặt đồng thời nhiều mô-tơ trên một chiếc EV và tạo nên những con quái vật sức mạnh. Mở màn cho trào lưu này chính là Rimac Concept One – siêu xe điện thuộc đẳng cấp hypercar đầu tiên trên thế giới.

Sau đó, thương hiệu xe hơi đến từ Croatia đã ra mắt siêu phẩm tiếp theo với tên gọi C_Two dưới dạng concept tại triển lãm Geneva 2018. Không những vậy, Rimac còn bán các công nghệ lõi của mình cho Pininfarina Automobili – công ty sản xuất những chiếc xe mang thương hiệu của studio thiết kế danh tiếng nước Ý (Pininfarina SpA). Từ đó, tuyệt phẩm Pininfarina Battista đã ra đời, sở hữu công suất lên tới 1900 mã lực. Và Battista chỉ duy trì được vị trí số 1 của mình được 4 tháng trước khi bị Lotus Evija soán ngôi.

Lotus Evija có rất nhiều điểm chung với Rimac C_Two hay Pininfarina Battista. Cụ thể, siêu xe này cũng được đặt trên bệ khung gầm liền khối bằng sợi các-bon nhằm tối ưu trọng lượng, đi kèm với đó là hệ thống 4 mô-tơ điện được cung cấp năng lượng từ khối pin lithium-ion dung lượng lớn. Ngoài ra, bao phủ bên ngoài cũng là một bộ cánh hoàn mỹ được tối ưu khí động học ở mức cao nhất. Dù có chung công thức nhưng sự khác biệt là điều không thể tránh khỏi.

Nhà sản xuất cho biết hệ thống mô-tơ điện của Evija sản sinh công suất lên tới 1973 mã lực và 1700 Nm mô-men xoắn. Với nguồn năng lượng này, chiếc xe cần chưa tới 3 giây để tăng tốc từ 0-100km/h. Tốc độ tối đa hơn 320km/h. Không rõ là Lotus có ‘sai sót’ gì không khi đưa ra những thông số khá khiêm tốn như trên. Nhưng nếu nhìn sang Rimac C_Two hay với Rimac C_Two hay Pininfarina Battista, bộ đôi này cần chưa đến 2 giây để đạt vận tốc 100km/h từ vị trí xuất phát  trong khi tốc độ tối đa đều trên 350km/h, thậm chí là hơn 400km/h với C_Two.

Bệ khung gầm cũng như hệ thống treo của Lotus Evija đều có nguồn gốc từ xe đua. Và để đảm bảo nhu cầu hoạt động cường độ cao trên đường đua, Lotus đã trang bị cho Evija bốn bộ tản nhiệt nhằm duy trì mức nhiệt độ tối ưu cho khối pin của xe. Nhờ đó, Evija có thể duy trì chế độ Track trong ít nhất 7 phút. Ngoài Track Mode, người lái có thể lựa chọn 4 chế độ khác là Range, City, Tour và Sport với những khác biệt nhất định về khả năng vận hành.

Được biết, khối pin trên Lotus Evija có dung lượng 70kWh, cho phép nó chạy liên tục 400km (theo chuẩn WLTP). Con số này thua kém ít nhiều so với Rimac C_Two và Pininfarina Battista (450 và 650km). Nhưng bù lại, Evija được trang bị một thứ vũ khí cực kỳ lợi hại, đó là hệ thống sạc có công suất 800kW, biến nó trở thành chiếc xe không chỉ mạnh mà còn có khả năng tái nạp năng lượng nhanh nhất. Đáng tiếc là hệ thống này chưa sẵn sàng ở thời điểm hiện tại, chỉ biết rằng chiếc xe chỉ cần 9 phút để sạc đầy pin với siêu bộ sạc nói trên. Còn bây giờ, khách hàng mới chỉ được dùng loại sạc 350kW, có thể sạc từ 0-80% pin chỉ sau 12 phút và sạc đầy hoàn toàn sau 18 phút.

Cuối cùng, chúng ta cũng nên đảo qua phần thiết kế của Lotus Evija. Phần ngoại thất của Evija mang tính điển hình của siêu xe, đó là thiết kế góc cạnh, hầm hố được tối ưu khí động học. Dù vậy, các nhà thiết kế của Lotus vẫn tạo nên được không ít chi tiết đặc sắc, ví dụ như bộ cửa cảnh bướm được cắt xẻ táo bạo, cụm đèn hậu hay bộ khuếch tán gió sau. Một số thành phần khí động học chủ động bao gồm cánh đuôi hay hệ thống giảm lực cản DRS có nguồn gốc xe đua F1.

Nhưng có lẽ, nội thất của Lotus Evija là nơi thể hiện được nhiều sự khác biệt hơn. Khu vực này cũng toát lên chất hiện đại, viễn tưởng như nhiều siêu EV đã từng được giới thiệu nhưng có nhiều dấu ấn hơn. Đó là bảng đồng hồ kỹ thuật số hình đa giác, vô-lăng hình chữ nhật và đặc biệt là bảng điều khiển trung tâm được thiết kế theo phong cách con dốc với chi chít nút bấm cảm ứng tích hợp công nghệ phản hồi xúc giác tiên tiến. Dĩ nhiên, các chất liệu cao cấp như sợi các-bon, da hay Alcantara là không thể thiếu, cùng với đó là khả năng tùy biến đa dạng theo nhu cầu của khách hàng.

Theo công bố, sẽ chỉ có 130 chiếc Lotus Evija được sản xuất với đơn giá 1,7 triệu Bảng. Hiện Lotus đã bắt đầu tiếp nhận các đơn đặt hàng với số tiền đặt cọc 250.000 Bảng.

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.