Chính quyền địa phương và quốc gia ở nhiều nước châu Âu đang cân nhắc, một số đã áp dụng, lệnh cấm đối với xe dùng động cơ diesel ở các khu vực đô thị. Đáng chú ý, Đức, thủ phủ của nền công nghiệp ôtô, cũng đã bắt đầu thực hiện lệnh cấm này.
Hôm thứ 5, Hamburg trở thành thành phố đầu tiên tại Đức ban hành lệnh cấm đối với mọi loại phương tiện sử dụng động cơ diesel. Lệnh cấm này được đưa ra nhằm giảm thiểu mức ô nhiễm khí thải. Tuy nhiên, giới chức Hamburg chỉ cấm loại phương tiện này tại 2 trục đường chính của thành phố, trước sự phản ứng của những nhà đấu tranh môi trường địa phương.
Biển cấm đối với phương tiện dùng động cơ diesel được đặt tại hai trục đường chính của Hamburg. Ảnh: NewYorktimes.
“Chúng tôi tin rằng việc này sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền tích cực tại Đức”, Ugo Taddei, luật sư của ClientEarth, một trong hai tổ chức môi trường phi lợi nhuận cho biết. “Rất nhiều thành phố đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, do đó cần có những điều luật hạn chế nghiêm ngặt”.Đức là đất nước phát triển về động cơ đốt trong, nhưng vấn đề môi trường khiến loại động cơ này cũng bắt đầu bị chỉ trích. Sự lo ngại về tình trạng ô nhiễm của động cơ diesel bắt nguồn từ bê bối gian lận khí thải của Volkswagen và những nghiên cứu cho thấy tác hại của loại động cơ này đối với sức khoẻ, môi trường.
Hamburg, thành phố cảng tại phía bắc nước Đức, đã phải chỉ ra họ sẽ cải thiện vấn đề môi trường như thế nào sau khi bị kiện bởi người dân và các tổ chức môi trường. Toàn bộ phương tiện dùng động cơ diesel không đáp ứng chuẩn khí thải Euro 6 sẽ bị cấm lưu thông qua đại lộ ở vùng Altona và những chiếc xe tải công nghệ cũ sẽ không được lưu thông gần khu vực đại lộ Stresemannstrasse. Hai khu vực này được lựa chọn để cấm phương tiện dùng động cơ diesel bởi khí thải có xu hướng dày đặc và theo gió phát tán từ đây ra các vùng lân cận.
Trong những tuần đầu áp dụng lệnh cấm, cảnh sát lên kế hoạch đưa ra cảnh báo đối với tài xế. Họ sẽ kiểm tra giấy đăng kiểm phương tiện và đưa ra mức phạt 20 euro hoặc 23 USD đối với xe con và 75 euro đối với xe tải cố tình không tuân thủ luật.
Một phần ba lượng xe cá nhân tại Đức sử dụng động cơ diesel. Ảnh: Technews.
“Nhiều thành phố sẽ nhìn vào hành động của Hamburg và tất nhiên chúng ta sẽ có dữ liệu để chứng minh tính hiệu quả”, Peter Wells giáo sư chuyên ngành ôtô của trường Cardiff xứ Wales cho biết. Lệnh cấm, dù trong phạm vi giới hạn, được coi là bước khởi đầu quan trọng để nhân rộng ra toàn châu Âu, nơi có sự hiện diện của ngành công nghiệp ôtô khổng lồ. Nếu động thái của Hamburg chứng minh được tính hiệu quả về môi trường, nhiều thành phố khác sẽ có cơ sở để áp dụng các chính sách riêng.
Tuy nhiên, việc giới hạn tại Hamburg nhận được khá nhiều ý kiến không tích cực, khi cho rằng thành phố chỉ cố gắng đẩy mức ô nhiễm sang những nơi khác để có kết quả tích cực tại 2 con đường chính của Hamburg.
Phát biểu về vấn đề này, Jan Duke, người đại diện của phòng môi trường và năng lượng thành phố cho biết lệnh cấm sẽ không làm tăng mức ô nhiễm ở đâu đó tại liên minh châu Âu. Thành phố đang đồng thời phát triển thêm hệ thống giao thông công cộng để giảm bớt phương tiện cá nhân, cải thiện ô nhiễm không khí.
Lệnh cấm động cơ diesel tại Đức có thể sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền nếu có kết quả tích cực. Ảnh: Telegraph.
Đại diện cho ngành công nghiệp ôtô Đức nêu ý kiến rằng cần có phương pháp khác để giảm thiểu ô nhiễm không khí, lệnh cấm sử dụng loại động cơ diesel không phải cách hiệu quả nhất để chống lại tình trạng ô nhiễm. “Sự cải tiến của các loại động cơ diesel sẽ nâng cao chất lượng không khí trong tương lai”, vị đại diện này cho biết thêm.
Khoảng một phần ba lượng phương tiện cá nhân tại Đức sử dụng động cơ diesel và các nhà sản xuất cũng đã bỏ ra nhiều thập kỷ để phát triển các công nghệ liên quan. Tuy nhiên, một loạt bê bối khí thải trong thời gian gần đây khiến doanh số của các dòng xe dùng loại động cơ này đã giảm đáng kể.
Có thể coi đây là khởi đầu cho việc loại bỏ động cơ diesel và động cơ đốt trong tại châu Âu. Bên cạnh việc cấm, hạn chế phương tiện dùng động cơ diesel, nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Na Uy lên kế hoạch loại bỏ hoàn toàn phương tiện dùng nhiên liệu hoá thạch.
Quy định hạn chế phương tiện của Hamburg là thách thức mới nhất mà các nhà sản xuất ôtô phải đối mặt. Ngoài ra, những chính sách thuế khắc nghiệt đối với xe dùng động cơ đốt trong là cơ hội cho công nghệ xe điện và các loại xe thân thiện môi trường định hình lại ngành công nghiệp ôtô thế giới.
Theo Vnexpress
Hãng xe Toyota có thể sẽ tung ra mẫu xe Fortuner thế hệ thứ 3 hoàn toàn mới với động cơ diesel-hybrid và được ra mắt tại Thái Lan.
Mẫu xe Ford Everest thế hệ mới sẽ ra mắt toàn cầu tuy nhiên trong số đó sẽ có một số thị trường sẽ có những phiên bản phù hợp với chiến lược của hãng xe Mỹ.
Một phán quyết của Toà án Liên bang Australia đã được đưa ra và tiền lệ này có thể kéo theo nhiều vụ kiện khác đối với Toyota và khiến hãng này mất hàng tỉ USD.
Theo Quyết định 49/2011 của Thủ tướng Chính phủ, các loại xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 (Euro 5) từ ngày 1/1/2022 nhưng đến nay nguồn nhiên liệu đáp ứng vẫn còn hạn chế, đặc biệt là xăng đủ tiêu chuẩn.
Khái niệm về động cơ lai đã không còn xa lạ khi công nghệ này được áp dụng từ khá lâu và dẫn đầu là nhà sản xuất hàng đầu của Nhật Bản – Toyota. Gần đây, hãng này được cho là không muốn từ bỏ động cơ diesel mà muốn nâng lên tầm cao mới.