Khám Phá, - 07/11/2015 12:23 AM
Với những đóng góp to lớn cho ngành công nghiệp ô tô thế giới nói chung và của nước Pháp nói riêng, Louis Renault xứng đáng là nhà đại cách mạng của nền công nghiệp ô tô hiện đại.

Dù thương hiệu ô tô lâu đời nhất của Pháp đã trải qua chiều dài lịch sử hơn trăm năm với bao thăng trầm, nhưng những giá trị và tinh hoa do người sáng lập Louis Renault vẫn đứng vững, tồn tại xuyên thế kỷ.

Con người, sự nghiệp và niềm kiêu hãnh của người đàn ông Paris, Louis Renault sẽ là điều không phải ai cũng biết đến. Hãy cùng nhìn lại cuộc đời của nhà cách mạng ô tô đại tài của nước Pháp.

Phát minh đầu đời

Louis Renault sinh ngày 12/02/1877 trong một gia đình có 6 anh chị em tại Paris. Khi còn học ở trường Lycée Condorcet, ông đã bộc lộ niềm yêu thích và đam mê máy móc, giành nhiều thời gian trong phòng thực hành để mày mò ô tô hơi nước của Serpollet hoặc chiếc động cơ Panhard đã cũ kĩ.

Louis Renault khi mới 21 tuổi.

Vào năm 1898, chính Louis Renault đã tự tạo ra chiếc ô tô đầu tiên cho riêng mình. Mẫu xe có tên Voiturette này dựa trên nguyên lý chuyển động theo chu kỳ của De Dion-Bouton có công suất chưa tới 1 mã lực, sử dụng trục truyền động của các khớp nối và bộ hộp số 3 cấp có khả năng trả số lùi cũng như lên cấp thứ ba để xe chạy tịnh tiến.

Renault Voiturette Type A năm 1898.

Cũng trong năm đó, Louis Renault đã giành được những đơn đặt hàng xe đầu tiên sau khi chiến thắng trong một cuộc cá cược về khả năng vận hành của chiếc xe do ông tạo ra với một chiếc xe sử dụng phương thức truyền động khác.   

Tạo lập hãng xe Renault

Nhận thấy được tiềm năng của thị trường lúc bấy giờ, Louis Renault không ngần ngại mời hai người anh của mình về để thành lập Renault Frères – tiền thân của Renault Auto Motors sau này vào năm 1899.

Ban đầu, công việc quản lý và kinh doanh đều do hai người anh của Louis Renault nắm giữ, ông phụ trách việc thiết kế và chế tạo ra các sản phẩm. Tuy nhiên, 10 năm sau đó, Louis Renault cũng phải một mình tự trèo lái “con thuyền” Renault sau khi hai người anh trai qua đời.

Ba anh em nhà Renault.

Công việc điều hành các nhà máy của Louis Renault gặp nhiều thuận lợi khi đã áp dụng kỹ thuật sản xuất hàng loạt từ năm 1905 cho đến trước thế chiến thứ nhất, đồng thời “chủ nghĩa Taylor” – một hình thức quản lý khoa học logic cũng được đưa vào thí điểm từ năm 1913.

Chống chọi với chiến tranh và bệnh tật

Vào năm 1914, khi thế chiến thứ nhất diễn ra, nước Pháp cũng là phe tham chiến nên Louis Renault đành phải tạm gác việc sản xuất ô tô dân dụng mà bắt tay vào phục vụ cho chiến tranh như xe tải, xe cáng thương, xe cứu thương và ngay cả những chiếc xe tăng FT17 nổi tiếng.

 Xe tăng FT17.

Sau những đóng góp rất đáng ghi nhận của Louis Renault trong thế chiến, Hội Chữ thập Quốc tế đã dành tặng huân chương danh dự cho ông vào năm 1918 khi phân xưởng của Renault liên tiếp cung cấp những mẫu xe tăng, xe chuyên dụng phục vụ hiệu quả cho chiến trường để giành được thắng lợi cuối cùng. Cũng trong năm 1918, ông kết hôn với bà Christiane Boullaire và có chung một người con trai tên Jean Louis hai năm sau đó.

Renault đang trên đường khôi phục công cuộc sản xuất ô tô thì lại vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ thế lực mới trỗi dậy của André Citroën – nhà sáng lập của hãng xe Citroën lúc bấy giờ. Điều này khiến Louis Renault cảm thấy áp lực và ông phải ở ẩn một thời gian.

Louis Renault (trái) và André Citroën (phải) lúc sinh thời. 

Trong giai đoạn 1920 – 1937, dưới sự điều hành của Louis Renault thì các nhà máy sản xuất đã hiện đại hóa trang thiết bị, công nghệ phụ trợ và bắt đầu lên dây chuyền sản xuất đầu tiên tại Billancourt vào năm 1929. Bên cạnh đó, Renault cũng đã cố gắng kiểm soát chi phí để vượt qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế sau chiến tranh.

Tuy nhiên, thế chiến lần thứ 2 nổ ra vào năm 1938, một lần nữa Louis Renault lại trở thành “nạn nhân” của chiến tranh khi ông bị buộc phải sản xuất vũ khí cho quân phát-xít Đức. Louis Renault đã sản xuất tổng cộng 34.232 xe các loại cho người Đức, nhưng động thái này thực tế lại giúp cho hàng ngàn công nhân Pháp không phải trở thành nô lệ trên đất của Đức quốc xã.

Louis Renault cùng các quan chức Đức quốc xã

Vào năm 1942, các nhà máy của Renault trở thành mục tiêu tàn phá của quân đội Anh, sau đó sức khoẻ của Louis Renault trở nên tệ hơn và ông mắc chứng rối loạn ngôn ngữ. Mặc cho những lời biện minh về việc không muốn trở thành nơi cung cấp vũ khí cho quân phát-xít Đức, Louis Renault vẫn bị bắt và tạm giam vào ngày 22/9/1944.

Trong thời gian tạm giam, sức khoẻ của Louis Renault ngày càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng để cuối cùng phải trút hơi thở cuối cùng vào ngày 24/10/1944 sau hơn 4 tuần chống chọi với bệnh tật và nỗi oan ức của chiến tranh. Ông được chôn cất tại quê nhà Chateau Herqueville.      

Những thành tựu và đóng góp

Trong suốt cuộc đời cống hiến cho ngành công nghiệp ô tô, Louis Renault đã có những phát minh vẫn được áp dụng và phát triển cho đến ngày nay như phuộc giảm xóc thuỷ lực, phanh/thắng đùm hay hệ thống đánh lửa khí nén…đã làm thay đổi bộ mặt ngành công nghiệp ô tô hiện đại.

Mẫu xe Renault 4CV kinh điển

Với những ảnh hưởng và hậu quả nghiêm trọng của hai cuộc thế chiến, thương hiệu và các phân xưởng của Renault chủ yếu dùng để sản xuất vũ khí, để cuối cùng bị quốc hữu hoá vào năm 1945. Mặc dù việc đặt nhà máy ở Vichy (Pháp) vào thời điểm chiến tranh của Louis Renault nhằm mục đích tạo ra công việc làm cho hàng ngàn công nhân và hạn chế số người nhập ngũ phục vụ cho quân đội Đức quốc xã.

Dù có hay không tội án phản quốc thì những giá trị mà Louis Renault đã tạo ra thực sự đáng để người đời sau học hỏi và kế thừa thành công, phát triển Renault trở thành thương hiệu xe có uy tín trên toàn cầu.    

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.