Xe phổ thông nhập khẩu nguyên chiếc từ Châu Âu gặp khó
Mới nhất là hãng Renault của Pháp lại rút khỏi Việt Nam khi đại diện nhà phân phối CT Wearnes Việt Nam cho biết, xe của hãng này sẽ không còn bán tại Việt Nam, dịch vụ hậu bán hàng như sửa chữa, bảo dưỡng cũng không còn được duy trì.
Đây là lần thứ 2 Renault rút khỏi Việt Nam phân phối tại Việt Nam. Lần đầu gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2010 thông qua nhà phân phối Auto Motors nhưng doanh số bết bát do giá sản phẩm khá cao so với mặt bằng chung của thị trường dù là hãng xe phổ thông, năm 2017 Renault đã rút khỏi Việt Nam.
Renault thông báo dừng bán sản phẩm và dịch vụ lần thứ 2 tại Việt Nam
Đến cuối năm 2020 Renault quay trở lại với 2 mẫu xe Kaptur và Arkana nhập khẩu nguyên chiếc từ Nga với giá 799 triệu và 919 triệu đồng. Hai mẫu xe thuộc dòng CUV đưa vào thị trường ở phân khúc CUV hạng B và CUV hạng C cạnh tranh với Kona, Honda HR-V và Tucson, Honda CR-V, Mazda CX-5 nhưng không thể đấu lại các đối thủ đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc dẫn đến quyết định rút khỏi thị trường lần thứ 2.
Thêm vào đó, Renault Group đang trong quá trình tái cơ cấu hoạt động kinh doanh trên toàn cầu và tất nhiên những chi nhánh nào kinh doanh yếu kém sẽ phải bị loại bỏ, dịch vụ bảo hành sửa chữa chính hãng cũng không còn được duy trì theo hệ thống này.
Một trường hợp khác về xe phổ thông nhập khẩu nguyên chiếc là Fiat. Hãng xe Ý được phân phối chính hãng tại Việt Nam từ năm 1995 thông qua Mekong Auto và Fiat Spa. Một số sản phẩm của Fiat đưa ra tiếp cận thị trường là sedan Fiat Siena Fiat 500, Grande Punto và Bravo.
Fiat Siena với thiết kế cũ, xấu nhanh chóng bật bãi tại Việt Nam.
Tuy nhiên Fiat không có gì nổi bật trên thị trường với thiết kế không phù hợp thị hiếu khách hàng Việt Nam, xe định giá cao. Từ khoảng năm 2012, thương hiệu Fiat âm thầm biến mất khỏi thị trường Việt Nam và chưa hẹn ngày quay trở lại.
Không riêng gì Renault hay Fiat, một loạt các cái tên khác cũng gặp khó với mô hình kinh doanh kiểu này tại Việt Nam như: Chrysler, Dodge và Jeep được phân phối qua Indochina Auto năm 2009, Luxgen của Đài Loan qua nhà phân phối Luxgen Motors năm 2010, SsangYong phân phối độc quyền qua Deahan Motors năm 2017, Infiniti phân phối qua qua Nissan Việt Nam từ năm 2014…Tất cả các thương hiệu này đều đã phải thông báo ngừng kinh doanh khi doanh số quá ít.
Vấn đề đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc
Tiếp cận với một thị trường mới, đa phần các hãng chọn cách an toàn đó là liên kết mở một nhà phân phối chính hãng và nhập khẩu nguyên chiếc. Sẽ chẳng có hãng xe nào mới chân ướt chân ráo vào thị trường mới nhưng ngay lập tức đổ dồn hàng triệu USD đầu tư nhà xưởng, dây chuyền lắp ráp, phủ sóng hệ thống đại lý ngay lập tức. Khi hoạt động kinh doanh không tiến triển tốt, các hãng xe đơn giản chỉ là thông báo dừng hoạt động và đóng cửa một vài xưởng dịch vụ, chi phí không đáng kể.
Nhưng chính cách làm thăm dò thị trường này cũng khiến các hãng xe gặp khó với thị trường Việt Nam.
Dịch vụ bảo hành, sửa chữa và thay thế linh kiện một hãng xe tại Việt Nam.
Trao đổi với anh Trần Toàn, từng làm nhân viên bán hàng đại lý cho nhiều hãng ô tô cho biết, xe nhập khẩu nguyên chiếc kiểu như Renault hay Fiat có một điểm yếu đó là hệ thống dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng khá hạn chế. Đa phần họ chỉ mở showroom tại 2 thành phố lớn với ý định thăm dò nhu cầu thị trường, cách làm nửa vời này khiến các đối tượng khách hàng tỉnh khác không có cơ hội tiếp cận do chi phí đi lại khi đến kỳ bảo dưỡng tốn kém.
Bên cạnh đó, việc xe nhập khẩu nguyên chiếc định giá cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường cũng khiến các hãng xe gặp khó.
Thêm nữa là linh kiện, phụ tùng thay thế chính hãng gặp khó khăn với nguồn cung hạn chế. Đối với một mẫu xe định hình phổ thông mà gặp nhiều khó khăn như thế thì thất bại là tất yếu, anh Toàn kết luận.
Một số khách hàng đến tìm hiểu và khá an tâm với chất lượng xe đối với các thương hiệu lâu đời và phổ thông tại Châu Âu. Điểm yếu lớn nhất là dịch vụ sử chữa, bảo dưỡng và linh kiện thay thế không thuận lợi là nguyên nhân khiến khách hàng không mấy mặn mà mua sản phẩm.
Khác với Renault hay Fiat, các thương hiệu như Mercedes-Benz hay Audi tiếp cận thị trường Việt Nam cũng thông qua nhập khẩu nguyên chiếc nhưng họ lại có đối tượng khách hàng riêng với định hình là các mẫu xe sang, Mercedes hay Audi đặt chất lượng khách hàng lên trên nên doanh số bán ra ít nhưng doanh thu và lợi nhuận vẫn đảm bảo được tốt hoạt động của hãng tại Việt Nam.
Mercedes-Benz duy trì hoạt động lâu dài ở Việt Nam nhờ đối tượng khách hàng khác biệt.
Cách làm của Mercedes hay Audi hiện tại đang được Jeep học tập khi sau một lần thất bại cách đây hơn 10 năm, Jeep trở lại Việt Nam và theo đuổi đối tượng khách hàng được cho là có phong cách.
Hy vọng trong những năm tiếp theo, các hãng xe khác có cách tiếp cận thị trường Việt Nam tốt hơn nhằm giúp khách hàng được hưởng lợi nhờ sự đa dạng sản phẩm trên thị trường.