Tiện ích, - 05/03/2020 08:09 PM
Người ta thường nói của bền tại người. Điều đó có nghĩa là tuổi thọ của một món đồ phụ thuộc rất nhiều vào người sử dụng. Và ô tô cũng không phải là ngoại lệ.

Là một phương tiện di chuyển, ô tô nhìn chung là có tốc độ xuống cấp khá nhanh, nhất là ở các bộ phận chuyển động hoặc những bề mặt phơi sương gió nhiều. Bản thân việc vận hành cũng đã khiến chiếc xe trở nên già nua. Nhưng nếu người dùng không biết chăm sóc hoặc chăm sai cách thì chúng càng nhanh xập xệ và dễ hỏng hóc hơn. Vì vậy, nếu không muốn xe sớm bị bỏ xó thì bạn không nên bỏ qua những lưu ý sau.

1. Đèn báo dầu

Báo đèn là một phương thức giao tiếp thường thấy của chiếc xe với chủ nhân của nó. Nếu như một vài thông báo chỉ giống như những lời chào hỏi thì một số khác lại mang tính răn đe thực sự. Một trong số đó chính là đèn báo dầu. Tốt hơn hết là bạn không nên lái xe khi đèn báo này bật sáng liên tục mà hãy tiến hành kiểm tra.

2. Hết nhiên liệu

Nhiều người, vì một lý do nào đó, luôn cố gắng chạy xe dù cho nhiên liệu trong bình bắt đầu chạm đáy. Tuy nhiên, hành vi này có thể khiến cặn xăng, dầu lọt vào trong hệ thống dẫn nhiên liệu và có thể gây ra những hỏng hóc. Nhẹ thì chỉ thay bộ lọc còn nặng hơn là phá hủy hệ thống phun nhiên liệu.

3. Phủ kín xe

Phủ kín xe bằng bạt là một phương pháp thường được sử dụng để bảo vệ những chiếc xe. Nhưng nếu cứ duy trì tình trạng đó từ ngày này sang ngày khác, nguy cơ bị hỏng hóc của xe lại tăng lên do lượng hơi ẩm được tích tụ có thể thúc đẩy quá trình ăn mòn, nhất là với những chiếc xe cũ.

4. Rỉ sét

Dù được bảo vệ tốt đến mấy thì một chiếc xe rồi cũng sẽ bị rỉ sét tấn công. Ban đầu chỉ là một vài chấm nhỏ nhưng sau một thời gian đủ lâu, chúng sẽ lan rộng ra và có thể ăn sâu hơn bên dưới bề mặt. Thế nên, bạn đừng bao giờ xem thường những vết rỉ sét bé li ti. Bởi nếu cho chúng thời gian, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều.

5. Đổ nhiên liệu

Dù công nghệ đã có những bước tiến rất xa nhưng nhìn chung động cơ nào thì dùng nhiên liệu đó. Máy xăng thì ăn xăng mà máy dầu thì dùng dầu diesel. Nếu vì vô tình hay cố tình mà đổ xăng cho xe máy dầu hoặc ngược lại, hậu quả mà bạn phải hứng chịu có thể sẽ không chỉ là chi phí đắt đỏ để tu sửa lại chiếc xe.

6. Bảo dưỡng

Bảo dưỡng định kỳ là một phần không thể bỏ qua đối với bất kỳ phương tiện nào chứ không chỉ riêng ô tô. Lười hoặc quên bảo dưỡng có thể khiến một số bộ phận của xe bị hư hỏng nặng và dẫn tới những phí tổn không đáng có. Không những vậy, điều đó có thể dẫn tới những tai nạn không mong muốn.

7. Rò rỉ

Đừng bao giờ coi thường những vết loang ở nơi mà chiếc xe của bạn xuất hiện. Bởi đó có thể là dấu hiệu cho những vết rò rỉ từ chiếc xe. Để tránh những phí tổn hoặc những sự vụ không đáng, bạn hãy kiểm tra thật kỹ càng để xem có phải chiếc xe của mình bị rò rỉ hay không và rò rỉ từ đâu. Trong số các trường hợp, rò rỉ dầu và dung dịch làm mát là phổ biến hơn cả. Trong khi đó, rò rỉ dầu phanh lại được coi là nguy hiểm bậc nhất.

8. Chân côn

Dù xe số tự động đang ngày càng trở nên phổ biến nhưng xe số sàn vẫn chiếm một tỷ lệ đáng kể. Và một trong những cách đơn giản nhất để tàn phá xe số sàn chính là liên tục nhấn côn hoặc để chân lên bàn đạp côn trong khi lái xe.

9. Cất giữ xe

Một chiếc xe bị để không quá lâu mà không được khởi động cũng có thể xuống cấp và thậm chí là hỏng hóc nặng. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng rò rỉ hoặc nghiêm trọng hơn là khiến động cơ không thể hoạt động.

10. Chọn dầu

Chọn dầu là một lưu ý tối quan trọng đối với người dùng các phương tiện giao thông. Bởi nếu dùng sai loại dầu được quy định, động cơ của xe có thể bị ăn mòn nghiêm trọng và nhanh tã hơn. Vì thế, bạn hãy ghi nhớ loại dầu được nhà sản xuất quy định cho chiếc xe của mình.

11. Điểm đặt kích

Xe hơi thường có các điểm chuyên dụng được thiết kế để đặt kích, nằm ở sau bánh trước và ở phía trước bánh sau. Đây là các điểm có khả năng chống đỡ toàn bộ trọng lượng của xe. Khi muốn kích xe lên, bạn hãy cố gắng đặt kích đúng vào các điểm này nếu không sẽ gây hư hại tới một số thành phần kết cấu của xe.

12. Dung dịch làm mát

Nước có tác dụng làm mát nhưng nếu chỉ đổ mỗi nước không, bạn có thể gặp một số tình huống khá oái oăm. Đó là két nước làm mát bị đông cứng hoàn toàn khi trời giá lạnh. Ngoài ra, nó còn dễ gây nên tình trạng rỉ sét. Vì vậy, hãy cố gắng sử dụng các dung dịch làm mát được nhà sản xuất khuyến cáo.

13. Nhiệt độ của động cơ

Khi động cơ trở nên quá nóng, tốt nhất là bạn nên tạm dừng di chuyển và tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra. Có thể là không có vấn đề gì nhưng cẩn thận là không thừa. Bởi nếu hiện tượng động cơ tăng nhiệt bất thường là do một vấn đề kỹ thuật nào đó và bạn cố tình bỏ qua, nguy cơ xảy ra những sự cố nghiêm trọng là không hề nhỏ.

14. Đường ngập nước

Tại nhiều nơi, hiện tượng ngập lụt sau khi mưa to là điều khá phổ biến. Với nhiều người, họ sẵn sàng cho chiếc xe của mình lội nước. Nhưng nếu nước ngập quá sâu, quyết định trên có thể là một sai lầm tai hại bởi nước có thể tràn vào động cơ thông qua cửa hút khí. Điều đó chẳng khác nào một thảm họa. Tốt nhất là bạn đừng nên liều lĩnh mà cho xe lội nước. Thay vào đó, hãy tìm một tuyến đường khô ráo hoặc không bị ngập nặng.

15. Chọn phụ tùng

Chi phí thay thế phụ tùng là một trong những cơn đau đầu với rất nhiều chủ xe. Cũng chính vì không muốn quá tốn kém nên nhiều người đã quyết định nhắm mắt làm bừa, chọn mua đồ rẻ để lắp cho xe. Nếu vớ được đồ tốt thì họ quả là những người may mắn. Còn nếu kém may, những món đồ rẻ tiền đó có thể dẫn đến những thiệt hại nặng nề hơn do chất lượng không đảm bảo. Và đáng nói hơn, chúng sẽ đặt bạn và những hành khách khác vào tình trạng nguy hiểm do không đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về mặt kỹ thuật.

 

  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: bichhang82@gmail.com; Đường dây nóng: 0903.762.768.