Tại cuộc họp của ban soạn thảo dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt chiều 11-3 do Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chủ trì, có nhiều ý kiến trái ngược nhau về quy định xử phạt xe không chính chủ và mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng.
Trước những nghi ngờ về tính thực thi của quy định này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị chưa đưa quy định phạt hành vi sử dụng xe không chính chủ vào dự thảo nghị định lần 3 và không phạt người đội mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng. Theo ông Thăng, phải tập trung phạt cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ dỏm thay vì phạt người dân.
Bộ trưởng ĐIinh La Thăng. Ảnh: Việt Dũng
Do mức phạt tăng, dân mới phản ứng
Theo bà Lê Minh Châu - phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT), sau khi lấy ý kiến lần 2 về dự thảo nghị định, nhiều ý kiến bày tỏ không đồng thuận về xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu xe. Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, vụ trưởng Vụ Hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp),đề xuất nên quy định một số trường hợp phạt hành vi không sang tên.
Bà Thoa cho rằng hành vi không sang tên đổi chủ thì có quy định pháp lý nhưng tính khả thi khó. Để xác minh mượn xe của ai, giấy tờ như thế nào là cả một vấn đề, cần tính cho hợp lý và khả thi. Vì vậy, phải tính làm thế nào để đảm bảo tính khả thi như khi giải quyết tai nạn giao thông thì phải tìm đúng chủ xe thật sự. Còn xử phạt không chính chủ khi các xe bị tạm giữ thì theo quy định diện tạm giữ rất rộng.
Trong khi đó, đại tá Trần Sơn Hà - phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) - cho biết hành vi không chuyển quyền sở hữu với phương tiện cơ giới đường bộ đã được quy định trong Luật giao thông đường bộ. Chính phủ giao Bộ Công an làm nhiệm vụ cấp đăng ký sở hữu phương tiện cơ giới đường bộ. Việc xử phạt xe không chính chủ được thực hiện từ trước, nhưng khi triển khai nghị định 71 có mức phạt tăng hơn thì người dân mới phản ứng. Thủ tướng đã yêu cầu xem lại mức phạt và giảm lệ phí chuyển nhượng, chuyển chủ và Bộ Tài chính đang chỉnh sửa mức phí.
“Đề nghị vẫn đưa nội dung phạt người không chuyển quyền sở hữu phương tiện vào dự thảo nghị định. Bởi vì quy định trong Luật giao thông đường bộ, thông tư 36 của Bộ Công an và thông tư 12 (chưa có hiệu lực) vẫn quy định xử phạt hành vi này. Người trong cùng gia đình mượn xe không phạt nhưng mượn mà gây thiệt hại, gây hậu quả vẫn phải xử phạt chủ phương tiện. Còn trong quy định điều tra hình sự, việc liên quan đến sử dụng phương tiện gây tai nạn chết người cần quy định chính chủ” - ông Hà đề xuất.
Giải thích thêm nội dung này, ông Đỗ Văn Cương - Vụ Pháp chế (Bộ Công an) - cho biết hiện Bộ Công an có hai thông tư hướng dẫn về đăng ký phương tiện là thông tư 36 và thông tư 12 mới ban hành (khi có hiệu lực sẽ thực hiện song song hai thông tư). Thông tư 36 quy định đăng ký phương tiện đối với xe đăng ký lần đầu. Còn thông tư 12 hướng dẫn đăng ký phương tiện đã qua nhiều chủ và thực hiện hết năm 2014. Sau năm 2014 mới tiến hành xử phạt nếu không thực hiện đúng theo quy định. Theo ông Cương, Luật giao thông đường bộ quy định phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu thì đưa vào dự thảo nghị định là chính xác.
Khó phạt người đội mũ bảo hiểm dỏm
Đại tá Trần Sơn Hà cho biết trong nghị định 34 và 71 quy định phạt người không đội, đội không cài quai. Vì vậy muốn xử phạt mũ giả, kém chất lượng phải quy định rõ các tiêu chí. “Chúng tôi không thể lập một biên bản vi phạm mà không có hành vi vi phạm. Phải xem lại thông tư liên tịch về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm một lần nữa, tránh các ngành chồng lấn sang nhau. Việc xử lý phải làm từ gốc. Công an không thể rải quân ra làm hết được” - ông Hà nói.
Ông Nguyễn Văn Quyền, phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, băn khoăn: “Cả nước có hơn 30 triệu người đi môtô, xe máy, hơn 90% người đi xe máy đội mũ bảo hiểm. Và số mũ có nhiều xuất xứ, trước khi quy định dán tem hợp quy đã có cả chục triệu mũ chưa dán tem và nhiều mũ đảm bảo chất lượng do nước ngoài sản xuất không dán tem được viện trợ hoặc nhập khẩu vào Việt Nam. Nếu quy định phạt mũ không dán tem thì phải có lộ trình giải quyết số mũ còn lại, nếu không tìm ra nơi sản xuất để dán tem thì phải vứt hết đi, như vậy cũng không hợp lý”.
Ông Đỗ Văn Cương cho rằng thông tư về mũ bảo hiểm của bốn bộ chỉ có tính chất chỉ dẫn, còn quy định hành vi thì Chính phủ trở lên mới có quyền quy định để xử phạt. “Không đội mũ bảo hiểm hoặc đội cài quai không đúng quy cách đương nhiên bị xử phạt theo nghị định 34. Còn đội mũ đúng tiêu chuẩn mà Bộ Khoa học - công nghệ đưa ra hay không thì phải chẻ nhỏ hành vi ra để người dân và cơ quan có thẩm quyền xử phạt nhận biết hành vi nào là vi phạm. Nếu mũ là hàng giả thì xử phạt theo quy định về hàng giả hay đưa vào xử phạt vi phạm giao thông?”.
Cũng băn khoăn việc xử phạt người sử dụng, bà Nguyễn Thị Kim Thoa cho rằng đã bán mũ bảo hiểm thì phải đảm bảo chất lượng. Vậy cần tập trung phạt hành vi sản xuất mũ không bảo đảm chất lượng vì người đội khó phân biệt mũ dỏm - thật. “Người mua thấy rẻ thì mua và tin vào giới thiệu của người bán. Phạt người đội thì khó, vì nếu bán rẻ tôi vẫn đội vì không biết gì cả về việc phân biệt” - bà Thoa ví dụ.
Đừng để quyền hiểu thuộc về người thực thi công vụ
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, sau cuộc họp này, ban soạn thảo phải tiếp thu cũng như giải trình những góp ý của người dân. “Chúng ta thống nhất quan điểm là quy định dễ hiểu, dễ thực hiện, tránh hiểu kiểu gì cũng được. Không được tù mù, đừng để quyền hiểu thuộc về người thực thi công vụ thì chết dân khi áp đặt cách hiểu của người thực thi công vụ dẫn đến tranh cãi. Người thực thi công vụ phải chứng minh vi phạm chứ không để người dân làm việc này” - ông Thăng yêu cầu.
Về quy định xử phạt chủ xe không chuyển quyền sở hữu phương tiện, ông Thăng đề nghị đưa ra khỏi nội dung dự thảo để Bộ GTVT cùng các bộ ngành liên quan tiếp tục xem xét nghiên cứu có những văn bản pháp luật đồng bộ, tính khả thi cao thì mới đề nghị bổ sung vào các văn bản quy phạm pháp luật khác. “Quy định pháp luật chưa rõ mà áp dụng thì rất dễ dẫn đến trường hợp người vi phạm một hành vi nhưng kéo theo quá trình xác minh xe có chính chủ hay không dù người dân không có trách nhiệm phải chứng minh. Xe chỉ vi phạm hành vi này, cần nộp phạt để đi mà giữ lại để xác minh chính chủ thì rất phiền hà. Cái này không phải là Bộ GTVT chùn tay mà rất quyết tâm, nhưng phải lắng nghe góp ý của người dân để đưa quy định rõ ràng, dễ thực thi hơn”.
Việc xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng, ông Thăng cho rằng phải cân nhắc, hết sức thận trọng. “Bốn bộ đã ký thông tư về mũ bảo hiểm, dự thảo nghị định cần đưa vào các nội dung: xử phạt người ngồi trên xe không đội mũ, đội mũ không cài quai theo nghị định 34 và thứ ba là không đủ ba bộ phận gồm vỏ mũ, đệm hấp thụ xung lực và quai đeo được quan sát thấy bằng mắt thường. Như vậy người dân không phải chứng minh mũ dỏm, kém chất lượng mà cứ đội mũ có đủ ba lớp và có tem là được. Trách nhiệm xử phạt mũ dỏm, kém chất lượng thuộc về quản lý thị trường với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phải đảm bảo sản xuất, lưu thông hàng hóa đảm bảo chất lượng” - ông Thăng nói.
Xe đã mua bán không có chứng từ vẫn được đăng ký
Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi người sử dụng xe không có chứng từ chuyển nhượng xe nộp đầy đủ hồ sơ xin sang tên đổi chủ theo quy định, cơ quan đăng ký xe sẽ trả kết quả, cấp giấy đăng ký mới. Đó là quy định tại thông tư 12/2013/TT-BCA (sửa đổi, bổ sung khoản 3 điều 20 thông tư 36/2010/TT-BCA quy định về đăng ký xe) do Bộ Công an vừa ban hành. Thông tư này quy định rõ việc giải quyết đăng ký xe đối với các trường hợp xe đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều người, được thực hiện từ 15-4-2013 đến hết 31-12-2014.
Theo quy định tại thông tư, trường hợp đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển nhượng phải có giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe có cam kết của người sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe do công an cấp xã nơi người đang sử dụng xe thường trú; chứng từ nộp lệ phí trước bạ; giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe.
Trường hợp mất giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc biển số xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký xe. Đối với trường hợp có chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng phải có thêm chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và người bán cuối cùng.
Đối với trường hợp đăng ký sang tên, di chuyển xe từ tỉnh này sang tỉnh khác, hồ sơ sang tên, di chuyển xe không yêu cầu nộp chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng nếu người đang sử dụng xe không có loại chứng từ này.
Trường hợp người đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển nhượng xe, cơ quan đăng ký tiếp nhận hồ sơ đăng ký sang tên xe, kiểm tra đủ thủ tục quy định, thu giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe; viết giấy hẹn cho người sử dụng xe.
Đối với trường hợp làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe từ tỉnh này sang tỉnh khác, cơ quan đăng ký xe nơi làm thủ tục sang tên, di chuyển xe tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục trong vòng hai ngày đối với người có chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng.
Với mức phạt lên gần triệu đồng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, câu chuyện “xe chính chủ” trở thành nỗi lo của nhiều người nhất là trong đợt cao điểm kiểm tra hành chính dù không vi phạm.
Theo điểm a khoản 4, điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì lỗi "xe không chính chủ" là hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe khi mua, được cho, được tặng,..
Kevin Freedman - một người đàn ông đến từ Canada đang cố gắng tìm lại nạn nhân không may đã bị anh vô tình lấy mất xe cách đây 21 năm.
Honda Dream Thái cổ biển số khủng “đắp chăn” ít sử dụng được một cửa hàng chuyên mua bán xe ở quận Tân Bình rao bán với mức giá trên 100 triệu đồng.
Câu hỏi từ bạn đọc cafeAuto có nội dung như sau: Cách đây hơn 1 tháng em có mua 1 chiếc xe Exciter đời 2009 biển Hà Nội tại Thái Bình. Do xe không chính chủ và em cũng chưa có điều kiện đi sang tên đổi chủ. Nên khi mua xe em đã yêu cầu bên bán viết tay giấy mua bán. Khai rõ lý lịch xe và bên bán sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm nếu xe không hợp pháp.