Dịp cuối năm là thời điểm nhìn lại một năm đầy biến động của thị trường ô tô Việt Nam với những diễn biến mới.

Bãi bỏ các quy định về tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô, nhiều mẫu xe ngừng bán tại thị trường Việt, thí điểm đấu giá biển số ô tô và đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy có lẽ là một trong những sự kiện nổi bật trong thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2022.

Bãi bỏ các quy định về tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô

Cụ thể, Thông tư 11/2022/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 01/10/2022 đã bãi bỏ toàn bộ 3 văn bản quy phạm pháp luật sau:

Thứ nhất, Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.

Thứ hai, Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/05/2005 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.

Thứ ba, Thông tư số 05/2012/TT-BKHCN ngày 12/03/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/05/2005 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.

Như vậy, sau gần 20 năm, quy định liên quan tới tỷ lệ nội địa hóa và mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu được Bộ này ban hành chính thức được bãi bỏ. Bởi các quy định nêu trên không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của công nghệ sản xuất ôtô.

Nhiều mẫu xe ô tô bị “khai tử” tại Việt Nam

Trong năm 2022, nhiều hãng xe trong nước phải thông báo ngừng bán một số mẫu xe với nhiều lý do như: Doanh số thấp, thiếu nguồn cung, không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 5.

Điển hình là 3 mẫu xe của nhà Toyota là Rush, Wigo và Hilux đều lần lượt bị khai tử, ngừng bán từ đầu 2022. Theo như CafeAuto tìm hiểu thì trường hợp của Toyota Rush là thay đổi chiến lược của hãng. Còn với Toyota Hilux và Wigo bị ngừng phân phối do liên quan đến tiêu chuẩn khí thải Euro 5. Tuy nhiên, cũng có nhiều thông tin cho rằng các mẫu xe này cũng sẽ quay trở lại trong năm sau với một phiên bản nâng cấp mới hơn về hiệu suất.

Chưa hết, sự việc xảy ra tương tự với hãng xe ô tô của thương hiệu Việt, vào cuối tháng 07/2022, VinFast đã làm người tiêu dùng trong nước bất ngờ về việc thông báo chính thức ngừng bán đối với 3 mẫu xe chạy xăng của mình là Lux A2.0, Lux SA2.0 và Fadil, với lý do tập trung vào việc sản xuất xe điện.

Theo đó, trong thời gian tới, VinFast sẽ tung ra thị trường một loạt sản phẩm ô tô điện mới của mình là VF 5, VF 6, VF 7, VF 8, VF 9, lấp đầy các phân khúc A-B-C-D-E.

Tương tự Wigo, mẫu xe cỡ nhỏ giá rẻ nhất của Honda tại Việt Nam là Brio cũng không thoát khỏi cũng vì liên quan đến việc động cơ không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới nhất.

Tiếp đến, Ford Việt Nam thông báo ngừng phân phối dòng xe EcoSport vào cuối tháng 02/2022. Đại diện của Ford từng chia sẻ, do Tập đoàn Ford tái cơ cấu ở thị trường Ấn Độ từ năm 2021 dẫn đến việc thay đổi các nhà máy sản xuất xe và linh kiện tại đó, điều này gây ảnh hưởng đến một số dòng xe, trong đó có EcoSport đang lăn bánh tại Việt Nam.

Chung hoàn cảnh, do gặp khó khăn về việc cung ứng nguồn cung linh kiện, TC Motor cũng dừng lắp ráp và phân phối đối với mẫu xe Kona. Cũng không có thông tin về việc hãng sẽ mở bán trở lại của mẫu xe này.

Thí điểm đấu giá biển số ô tô

Ngày 15/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số ô tô. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ 01/07/2023 và thực hiện trong 3 năm.

Theo nghị quyết được Quốc hội thông qua, biển số ô tô đưa ra đấu giá là biển xe nền màu trắng, chữ và số màu đen (trừ biển số cấp cho ôtô của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế; ôtô của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài, ô tô của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, đại diện lãnh sự... hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam).

Nghị quyết quy định giá khởi điểm của một biển số ô tô đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng, tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của một biển số xe đưa ra đấu giá với bước giá là 5 triệu đồng.

Số tiền thu được từ đấu giá biển số ô tô sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá được nộp vào ngân sách Trung ương. Việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ đấu giá biển số xe sẽ do Chính phủ quy định cụ thể.

Trong trường hợp khi hết thời hạn mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc có nhiều người đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người tham gia đấu giá, biển số ô tô đưa ra đấu giá được chuyển nhượng cho người đó.

Người trúng đấu giá biển số ô tô được giữ lại biển số ô tô trúng đấu giá trong trường hợp xe bị mất, hư hỏng không thể sử dụng được hoặc được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình, được cấp lại biển số xe trúng đấu giá, văn bản xác nhận biển khi bị mất, mờ, hỏng.

Nhưng người trúng đấu giá không được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế biển số xe trúng đấu giá, trừ trường hợp chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế xe gắn biển số trúng đấu giá.

Đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy

Mới đây, một trong những nội dung đáng chú ý khác của ngành ô tô Việt Nam trong năm 2022 đó là đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy. Theo đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng việc thực hiện các loại bảo hiểm bắt buộc đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích xã hội nhưng với bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy thì không.

Sau hơn 10 năm triển khai Nghị định 103/2008/NĐ-CP, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp, gần 6% năm 2019 (45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm). Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều các loại bảo hiểm bắt buộc khác, cụ thể, tỷ lệ chi trả của bảo hiểm trách nhiệm dân sự của xe ô tô là khoảng 33%, bảo hiểm cháy nổ là 31%.

VCCI cho rằng so với biện pháp bồi đòi bồi thường khác, bảo hiểm có ưu điểm là chi trả nhanh hơn đối với người bị tai nạn và giảm áp lực tài chính đối với người phải bồi thường, từ đó tạo ra giá trị thặng dư cao hơn cho cùng một số tiền bồi thường.

Tuy nhiên, với số tiền chi trả hạn hẹp là khoảng 45 tỷ đồng thì rất khó có thể thuyết phục rằng lợi ích mang lại từ khoản tiền bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy lớn hơn chi phí xã hội phải bỏ ra là 765 tỷ đồng. Như vậy, nhìn về mặt tổng lợi ích cho xã hội, bảo hiểm bắt buộc với xe máy không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí.

Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ trường hợp xe máy.

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.