Nội dung này được đề cập trong dự thảo thông tư quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến. Như vậy, mức đền bù thiệt hại 150 triệu đồng một người trong một vụ tai nạn tăng 50 triệu so với thông tư 22/2016 của Bộ Tài chính.
Mức đền bù thiệt hại về tài sản vẫn được giữ nguyên. Cụ thể, đối với trường hợp thiệt hại tài sản do môtô hai bánh, môtô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự gây ra, mức đền bù là 50 triệu đồng một vụ tai nạn. Còn mức đền bù thiệt hại tài sản do ôtô, máy kéo, rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng gây ra là 100 triệu đồng một vụ.
Bộ Tài chính cũng giữ nguyên biểu phí bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc của chủ xe cơ giới hàng năm, trong đó xe máy trên trên 50 cc là 60.000 đồng (chưa VAT), ôtô dưới 6 chỗ không kinh doanh vận tải là 437.000 đồng(chưa gồm VAT). Trong dự thảo này, Bộ bổ sung biểu phí tham gia bảo hiểm cho xe máy điện là 55.000 đồng (chưa gồm VAT).
Bảo hiểm xe cơ giới bắt buộc không chi trả thiệt hại về người và phương tiện cho người mua bảo hiểm hay được hiểu là chủ xe. Đây là loại bảo hiểm mà công ty bảo hiểm sẽ thay chủ xe để bồi thường cho quyền lợi của nạn nhân (bên thứ ba) nếu chủ xe không may gây tai nạn.
Hồi tháng 5, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết, mức trách nhiệm bồi thường hiện nay chưa theo kịp với chi phí gia tăng của dịch vụ y tế, sửa chữa phương tiện. Đồng thời, phí bảo hiểm được niêm yết nhưng chưa phản ánh đúng rủi ro của từng người, không dựa trên lịch sử tai nạn, chủ xe.
Theo thông tư 22/2016/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành, các trường hợp tai nạn do ô tô gây ra có thể được nhận bồi thường bảo hiểm tối đa lên đến 100 triệu đồng/vụ, tăng 30 triệu đồng so với quy định trước đây kể từ 01/4 sắp tới.