Chỉ đạo này được đưa ra trong bối cảnh thị trường xe trong nước ảm đạm, doanh số sụt giảm. Từ đầu năm đến nay, các đại lý tung nhiều ưu đãi nhưng nhu cầu mua sắm xe con của người dân vẫn đi xuống.
Ôtô lắp ráp trong nước có cơ hội giảm giá
Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho rằng siết tín dụng, lãi suất tăng khiến thanh khoản thị trường bị thu hẹp. Các doanh nghiệp ôtô đang gồng mình đối mặt tình trạng hàng tồn kho tăng cao, sức mua giảm mạnh.
Mới đây, các hiệp hội, địa phương đã kiến nghị Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt năm nay và giảm 50% lệ phí trước bạ với xe CKD để kích cầu. Hai chính sách hỗ trợ này được đề nghị ban hành ngay trong quý I hoặc đầu quý II.
Với đề xuất chính sách kích cầu lần này, theo các hiệp hội, sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước giảm bớt áp lực dòng tiền và có thêm thời gian, nguồn lực cân đối chi phí duy trì sản xuất.
Đây là một cơ hội tốt để ôtô lắp ráp trong nước có cơ hội giảm giá, rẻ hơn xe nhập khẩu, qua đó hút khách hàng hơn.
Xe lắp ráp và nhập khẩu Việt Nam trong năm 2022 đạt 616.190 xe
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính trong cả năm 2022, tổng số ô tô xuất xưởng tại Việt Nam đạt 439.600 xe, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng xe nhập khẩu đạt 176.590 xe với tổng kim ngạch 3,87 tỷ USD, tăng 10,5% về lượng và 6,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Do đó, tổng lượng ô tô mới có mặt tại thị trường Việt Nam năm 2022 ước đạt 616.190 xe, tăng trưởng mạnh so với năm 2021 và mỗi ngày thị trường tiếp nhận thêm trung bình hơn 1.688 chiếc ô tô mới. Năm 2022 ghi nhận nhiều mẫu xe bán chạy tại Việt Nam được nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt từ thị trường Indonesia như: Toyota Veloz Cross, Mitsubishi Xpander, Hyundai Creta,... cùng với một số mẫu được nhập khẩu từ Thái Lan như: Toyota Corolla Cross, Ford Everest....
Trong khi đó, lượng xe lắp ráp trong nước cũng được bổ sung nhiều gương mặt mới như: Ford Ranger thế hệ mới, Ford Territory, Hyundai Tucson thế hệ mới...
Tuy nhiên, trong năm 2023, dự kiến một số mẫu xe "hot" sẽ được chuyển sang lắp ráp thay vì nhập khẩu như hiện nay, giúp tăng sản lượng xe lắp ráp, điển hình như: Toyota Veloz Cross, Hyundai Creta, Hyundai Stargazer, các mẫu BMW....
Vì sao xe lắp ráp chưa rẻ hơn xe nhập khẩu?
Hiện nay, ô tô lắp ráp trong nước có giá bán cao một phần bởi chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với nước ngoài, theo số liệu của các chuyên gia trong ngành.
Thị trường ô tô Việt Nam hiện nay còn nhỏ, lại có tới vài chục thương hiệu xe và mỗi đơn vị lại có hàng chục mẫu. Do đó, mỗi dòng ô tô bán ra có số lượng hạn chế, dẫn đến chi phí sản xuất bị đội lên.
Trong khi đó, quy mô ngành và thị trường xe hơi của Việt Nam bằng khoảng một nửa Malaysia, bằng 1/3 so với Indonesia và còn khoảng cách rất xa so với Thái Lan.
Một sản phẩm để tiến tới hạ giá thành cần đạt hiệu quả kinh tế nhờ quy mô sản xuất lớn, đòi hỏi số lượng tiêu thụ cũng phải cao. Một dây chuyền sản xuất ô tô trị giá hàng chục triệu USD cần thời gian để khấu hao vào sản lượng.
Thuế nhập khẩu linh kiện ô tô vào Việt Nam hiện nay khoảng 7-9% cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giá thành xe lắp ráp trong nước. Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa xe con chỉ đạt 7-10%, thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra và cách xa con số trung bình 55-60% của ASEAN.
Thực tế tại Việt Nam, quá trình làm xe chủ yếu là lắp ráp các linh kiện nhập khẩu có sẵn. Do đó, kể cả khi nhập linh kiện về với giá ngang với nước sản xuất, các chi phí vận chuyển, lưu kho,... cũng làm giá thành xe bị đội lên.
Không chỉ xe phổ thông mà nhiều xe sang được lắp ráp trong nước sẽ có mức giá bán thực tế khá tốt và dễ tiếp cận hơn khi kết hợp với các chương trình của đại lý, nhà phân phối/ sản xuất.
Mercedes-AMG C 43 4Matic sẽ là mẫu AMG đầu tiên được lắp ráp và bán ra tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới với mức giá dưới 3 tỷ đồng.
Lần thứ 3 Chính phủ từ chối hỗ trợ với xe nhập khẩu đã buộc các doanh nghiệp phân phối tăng mức ưu đãi, giảm giá để tạo sức hút, cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước.
Các mẫu xe thuộc các thương hiệu như Kia, Mazda, Peugeot và BMW vẫn giữ các ưu đãi trước đó kết hợp với việc hỗ trợ lệ phí trước bạ giảm 50% giúp người mua được hưởng lợi khá nhiều.
Những mẫu xe ô tô lắp ráp được ưa chuộng nhất đang đứng trước cơ hội gia tăng doanh số khi chính thức được giảm 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ.