Thị Trường, - 19/12/2011 06:10 PM
Sau những vụ cháy, nổ xe máy liên tiếp xảy ra, nhà sản xuất cần xem xét lại quy trình kỹ thuật, nếu nguyên nhân từ lỗi kỹ thuật thì phải bồi thường cả về tài sản, tính mạng cho người tiêu dùng.

Đây là quan điểm của luật sư Nguyễn Đăng Quang, Trưởng Văn phòng Luật sư Đăng Quang (Hà Nội), khi đề cập tới những vụ cháy, nổ xe máy liên tiếp xảy ra gần đây. Luật sư Quang nói:

Luật sư Nguyễn Đăng Quang

 

“Nhà sản xuất phải có trách nhiệm đối với tai nạn do kỹ thuật của họ không bảo đảm. Nếu chứng minh được nguyên nhân vụ tai nạn nổ, cháy xe máy ở Bắc Ninh là do lỗi kỹ thuật của xe thì rõ ràng nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm kể cả về vật chất và tính mạng của người tiêu dùng. Nhưng hiện họ chưa nhận trách nhiệm vì cơ quan điều tra chưa đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân vụ việc. Vấn đề là cơ quan giám định, cơ quan điều tra phải chứng minh được do lỗi kỹ thuật của xe thì mới có cơ sở để buộc nhà sản xuất phải bồi thường”.

- Trở lại với vụ việc tố cáo lỗi trong sản phẩm của Toyota Việt Nam, dường như các nhà sản xuất ở Việt Nam không có thói quen nhận lỗi, nhận trách nhiệm và luôn có lý do để né tránh?

- Điều đó quá bất công. Chúng ta từng chứng kiến nhiều vụ việc ở nước ngoài, khi xảy ra sự cố liên quan đến sản phẩm của mình, nhà sản xuất luôn đứng ra tổ chức sự kiện, trước sự chứng kiến của báo chí để xin lỗi người tiêu dùng và triệu hồi xe bị lỗi để khắc phục. Điều đó thể hiện trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm do họ làm ra. Đó là điều chúng ta phải học hỏi. Nhưng ở Việt Nam, thói quen đó không tồn tại.

- Trong quan hệ cung cầu, dường như người tiêu dùng ở Việt Nam luôn ở thế thua thiệt so với nhà sản xuất? Quan điểm của ông như thế nào?

- Cái đó là do luật quy định chưa chặt chẽ. Lỗi của các nhà làm luật là chưa dự liệu hết được những tình huống thực tế để có lợi nhất người tiêu dùng, buộc đơn vị sản xuất phải nâng cao trách nhiệm đối với sản phẩm. Chẳng hạn như Luật Bảo vệ người tiêu dùng mới được ban hành, một số quy định trong luật đưa ra những quy định chung chung, chưa cụ thể, chưa hẳn có lợi cho người tiêu dùng và khó thực hiện, thời gian giải quyết kéo dài. Điều đó dẫn đến tình trạng nhiều người tiêu dùng ngại đến cơ quan Tòa án. Trên thực tế khi phát sinh tranh chấp, thường là hai bên tự giải quyết với nhau, nếu không thống nhất được, thì người tiêu dùng cũng chỉ sử dụng biện pháp tiêu cực là không mua hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ sử dụng nữa. Vô hình trung, người tiêu dùng khác lại bị “dính” chính hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng. Điều này có thể do người tiêu dùng thiếu thông tin, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, không biết tìm kiếm sự trợ giúp từ đâu và như thế nào, hoặc không tin tưởng vào năng lực giải quyết của các cơ quan quản lý… Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cảm thấy rất khó khăn để khiếu nại như muốn khiếu nại phải có vật chứng, chứng từ, nhưng hai thứ này bây giờ người tiêu dùng hầu như không có.

- Nhưng trong khi tiếng nói của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng còn yếu ớt và chưa được cơ quan chức năng giải quyết, người tiêu dùng phải làm gì để bớt bị thua thiệt?

- Theo tôi, Nhà nước phải ban hành những quy định chặt chẽ, ràng buộc trách nhiệm của nhà sản xuất, của người kinh doanh đối với sản phẩm. Bên cạnh đó, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là rất quan trọng. Theo đó, cần phải tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước để kiểm tra, giám sát các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ người tiêu dùng... Thực tế, những vụ khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chiếm tỷ lệ quá ít so với các vi phạm. Điều này một phần bắt nguồn từ việc thiếu giám sát của cơ quan nhà nước trong quá trình thực thi Luật Bảo vệ người tiêu dùng …

Đến lượt ô tô Mercedes bốc cháy

Vào 14h ngày 18/12, chiếc Mercedes E300 đang chạy trên đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội) bỗng bốc khói và cháy dữ dội. Khoảng 30 phút sau, lực lượng cứu hỏa có mặt, nhưng chiếc xe đã bị cháy rụi. Phần kính ở đầu và đuôi xe vỡ, rơi vãi trên mặt đường... Khi dập được lửa, chiếc xế hộp chỉ còn trơ khung sắt. Anh Ngô Văn Ninh (Q.Hoàng Mai, Hà Nội), chủ nhân chiếc xe, cho biết, chiếc xe được mua lại từ năm 2006. Trước khi xảy ra cháy, xe mới khởi hành được 15 km. (H.Vỹ)

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.