Tiện ích, - 28/07/2014 02:47 PM
Cơn bão số 2 mang tên “Thần Sấm” sau khi đi vào nước ta đã tạo nên áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn cho Bắc Bộ. Với các chủ xe ôtô, việc đi lại sẽ cần phải lưu ý nếu đi qua những con đường ngập nước, nhất là xe gầm thấp.

Một chiếc sedan bị ngập nước trong mùa mưa bão năm ngoái, phải nhờ người đẩy đến chỗ cao

Dưới đây là những lưu ý giúp chủ xe tránh được phải chi khoản tiền lớn khắc phục xe ngập nước trong mùa mưa lũ:

Lượng sức xe

Khi đi vào vùng ngập nước, sẽ chẳng còn phân biệt xe xịn với xe cỏ. Tiêu chí vượt qua thử thách này là khoảng sáng gầm xe, tức gầm xe cao/thấp ra sao. Thường dòng sedan có khoảng sáng dao động từ 16-18cm, dòng SUV từ 20-25cm. Ngoài ra, họng hút gió (cổ hút) của động cơ là vị trí quan trọng nhất để ước mức nước mà xe có thể lội qua. Thường mép dưới họng hút gió là điểm ngập tối đa mà xe có thể lội được.

Hầu hết các xe du lịch có ống hút gió đặt phía trước mũi xe như trong hình

Chiều dài cơ sở cũng tác động đến khả năng lội nước của xe. Xe có chiều dài ngắn dễ lội nước hơn do lượng choán nước ít hơn xe có chiều dài cơ sở lớn. Ở vùng ngập sâu, không nên liều lĩnh lội nước khi xe chưa có bảo hiểm kèm điều khoản chống thuỷ kích (được bảo hiểm bồi thường khi máy xe bị nước vào làm hỏng).

Lưu ý khi lội nước

Khi buộc phải lội nước, bước đầu tiên là dừng lại quan sát, phỏng đoán hoặc xuống xe trực tiếp đo mức nước. Nếu có thể, hãy hình dung vệt bánh xe sẽ lăn qua (thường đường Việt Nam làm cao ở giữa và thấp về 2 bên khá nhiều).

Trước khi tiến hành lội với khu vực mép nước đã gần đến cổ hút, nên tắt điều hòa, hạ kính xuống một chút, tháo dây cua roa quạt gió/điều hòa (để tránh nước tràn vào khi cánh quạt quay làm gãy cánh quạt và tăng công suất động cơ cho các xe dung tích nhỏ).

Lái xe quá nhanh, dễ tạo sóng tràn qua mép ca-pô, gây nguy cơ nước lọt vào cổ hút

Sử dụng số 2 với xe MT và số chỉnh tay (hoặc S) với xe AT. Khi lội không nên đi quá nhanh làm nước nổi sóng nhưng cũng không chạy chậm quá làm nước có thể tràn ngược vào theo đường ống xả. Với xe MT, cần tránh đạp côn khi đang lội nước, ga đều và chạy qua chỗ ngập theo vệt bánh xe đã định sẵn. Nếu có thể, có thể lội nước kiểu đi lùi xe với ga lớn để tranh sóng nước từ xe khác dội mạnh vào nắp ca-pô.

Qua chỗ lội nước

Khi đi qua chỗ lội nên tiếp tục đi bình thường ít nhất thêm 5 phút nếu muốn dừng xe tắt máy để kiểm tra. Sau một ngày lội nước nên rửa xe (cả xịt gầm) để tránh bùn đất đọng lại gây nguy hiểm về sau.

Nếu xe của bạn chết máy khi đang lội nước. Tuyệt đối không khởi động lại, bởi có thể nước đã lọt vào buồng đốt động cơ, thao tác khởi động lại đễ gây ra hiện tượng thủy kích, dẫn đến cong/gẫy tay biên, thậm chí đục thủng vách động cơ. Cần gọi cứu hộ, thao bình ắc-quy và đẩy xe lên chỗ cao.

Theo kinh nghiệm của Công ty cứu hộ ôtô, mỗi mùa mưa lũ thì các xe hay bị nạn nhất là loại 5 chỗ, gầm thấp. Nguyên nhân hầu hết do bị nước tràn qua cổ hút, một số bị chập điện, một số do đỗ chỗ trũng bị nước ngập vào xe, cá biệt có chiếc bị hỏng do thùng xăng chứa đầy…nước! Nguy hiểm hơn, có những chiếc không hỏng ngay mà vài hôm sau mới có hiện tượng hỏng; có chiếc nước lọt vào trong cầu xe, lái xe không biết cứ chạy hoài trong khi dầu bôi trơn đã bị thoái hóa.

  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: bichhang82@gmail.com; Đường dây nóng: 0903.762.768.