Tiện ích, - 15/05/2020 12:44 AM
Khoảng 30,000 là số chi tiết để cấu thành nên một chiếc xe ô tô. Trong quá trình sử dụng hàng ngày, có những chi tiết chúng ta biết do một lần nào đó cần đến, nhưng thậm chí lại có những chi tiết không ai biết đến sự tồn tại của nó ngay cả khi dùng cho tới lúc xe hỏng. Là một chủ xe, đôi khi chúng ta sử dụng theo thói quen mà không để ý đến công dụng thực sự của những thứ đang có trên chiếc xe của mình.

Chấm nhỏ trên kính lái

Chỉ cần một lần ngồi ở hàng ghế trước hay chịu khó để ý thì không ít người sẽ thắc mắc về sự xuất hiện của những chấm nhỏ trên kính lái. Nhiều ý kiến cho rằng “Chắc là để cho đẹp”. Điều này đúng nhưng không phải là công dụng chính của những chấm nhỏ này.

Do kính chắn gió được gắn với khung xe bằng loại keo urethane; nên về mặt thẩm mỹ, những chấm nhỏ sẽ có tác dụng che đi lớp keo có thể vô tình lộ ra giúp tăng vẻ đẹp của tổng thể chiếc xe. Nhưng, hai công dụng chính của chúng là giúp bảo về kính chắn gió và người ngồi trong xe. Thực chất, những chấm nhỏ này là một loại sơn gốm (được gọi là Frit) có tác dụng cân bằng và phân bổ nhiệt độ trên kính chắn gió khi nhiệt độ tăng cao nhằm giúp tránh làm kính bị biến dạng cơ học và quang học. Ngoài ra, đối với kính lái, có những vị trí mà tấm chắn nắng không vươn tới được, nên dải Frit sẽ có tác dụng phần nào trong việc làm giảm ánh nắng chói và ảnh hưởng của tia UV đối với người lái và hành khách ngồi ở hàng ghế trước.

Chấm tròn trên bu-lông

Không chỉ ô tô, mà ở những chiếc xe máy mới, sau khi đập hộp chúng ta thường hay bắt gặp những chấm sơn (đỏ, vàng hoặc xanh…) ở trên một số bu-lông, và chắc chắn đây không phải là vết sơn mà các anh kỹ thuật của hãng vô tình bôi lên.

Theo chia sẻ của một chuyên gia, trên mỗi chiếc xe đều có một số vị trí mà lực xiết của bu-lông phải tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quy định để tránh làm ảnh hưởng xấu đến an toàn và tính năng của xe. Do đó, sau khi xiết và cân lực, nhân viên kỹ thuật sẽ sử dụng bút sơn để đánh dấu những con ốc hay bu-lông đã được lắp vào theo đúng tiêu chuẩn và tránh bỏ xót. Vì vậy, sau khi nhận xe mà thấy mấy vết sơn này, khách hàng nên cảm thấy vui mừng thay vì gai mắt. Còn nếu không có, rõ ràng là chúng ta có lí do để lo lắng về chất lượng của chiếc xe.

Chấm tròn trên lốp xe

Cũng giống như bu-lông, rất dễ bắt gặp những chấm sơn trên thành lốp của một chiếc xe hay bộ lớp mới. Tuy nhiên, đây không phải là cách để đánh dấu xem lốp xe đã được lắp hay chưa mà nó lại mang một ý nghĩa khác.

Thông thường, lốp xe được sản xuất theo dạng hình tròn nhưng sẽ không đạt được sự hoàn hảo. Do đó, chuyên gia của các hãng lốp tiến hành quay bánh xe để xem nảy lên ở vị trí nào thì đó là điểm xa tâm bánh xe nhất (hay còn gọi là điểm cao) và sẽ đánh dấu bằng chấm đỏ. Điểm cao trên lốp xe sẽ được đặt thẳng hàng với điểm thấp trên vành xe để đảm bảo xe hoạt động ổn định. Tương tự, chấm vàng được dùng để đánh dấu điểm có trọng lượng nhẹ nhất trên lốp xe và sẽ được đặt thẳng hàng với van xe (vị trí được cho là nặng nhất của vành xe).

Nếu trên lốp xe có cả chấm đỏ và vàng thì sẽ ưu tiên vị trí của chấm đỏ, còn trọng lượng bánh xe sẽ được phân bổ lại bằng cách dán thêm đối trọng cân bằng mâm.

Tay nắm/vịn

Khi xe vào cua gắt, chúng ta cần một điểm để bám vào giúp cân bằng cơ thể. Khi xe chạy với tốc độ cao, chúng ta cần một vật để cầm nắm cho đỡ sợ. Thứ đồ vật đang được nhắc đến ở đây là Tay nắm, và gần như tất cả người dùng đều mặc định công dụng của nó là vậy.

Nhưng nghĩ vậy mà không phải vậy. Nguyên nhân sâu xa cho sự ra đời của chi tiết này là dành cho những người có khả năng di chuyển bị hạn chế dễ dàng ra vào xe. Ngoài ra, Tay nắm giúp cho người gặp khiếm khuyết ở chân có thể bám vào và tìm được vị trí, tư thế ngồi thoải mái trong quá trình xe di chuyển.

Tựa đầu

Tựa đầu có tác dụng đỡ mỏi cổ. Nghe cái tên là biết. Ấy vậy mà đây lại là một trong những chi tiết an toàn bị động trên xe. Bất ngờ chưa.

Trong trường hợp chiếc xe gặp phải va chạm từ phía sau, sẽ có hiện tượng đầu của người ngồi trong bị giật ngược về sau ở giai đoạn đầu, sau đó bị đẩy mạnh về phía trước khi xe dừng lại. Tác động này hoàn toàn có thể làm gãy đốt sống cổ và để lại những hậu quả nặng nề.

Và thế là tựa đầu có tác dụng ngăn chặn và hạn chế khả năng đầu bị kéo về sau khi có va chạm xảy ra. Nhưng để có tác dụng tối đa thì người dùng cần điều chỉnh chiều cao của chi tiết này ngang với trọng tâm của đầu và càng gần gáy càng tốt.

Hệ thống chống ồn trên xe

“Tiếng hát át tiếng bom” được coi là bí kíp đối phó với tiếng ồn vọng vào khoang cabin mà các anh em lái xe truyền nhau qua bao đời nay. Dù là xe sang hay xe cỏ, 4 loa hay 12 hoa, loa tàu hay hàng hiệu; chỉ cần bật nhạc lên và chỉnh max volume thì mọi tiếng ồn dường như biến mất hết. Nhưng rõ ràng là chưa đau đầu do tiếng ồn thì đã thủng màng nhĩ do nhạc.

Vẫn với dàn âm thanh này, hiện nay các hãng xe đang dần biến nó không chỉ là công cụ giải trí mà còn trở thành hệ thống chống ồn chủ động. Kết hợp cùng với micro cảm nhận âm thanh trong khoang xe, các loa sẽ phát ra lại cùng một âm thanh (cùng tần số) nhưng ngược pha và giúp người ngồi trong xe cảm thấy yên tĩnh do các tiếng ồn đã bị triệt tiêu hoàn toàn. Tuy nhiên, do tính chất của hai dải âm, thực tế là chúng ta vẫn nghe thấy nhưng không nhận thấy sự hiện diện của chúng. Điều này rất giống lừa tình, bị bịp mà vẫn thoải mái.

 

  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: bichhang82@gmail.com; Đường dây nóng: 0903.762.768.