Tiện ích, - 29/12/2011 05:50 PM
Chiều 28/12, các chuyên gia về phòng cháy chữa cháy, chuyên gia về ôtô và chuyên gia về xe máy đã tham gia cuộc tọa đàm trực tuyến "Đối mặt hiểm họa cháy nổ xe" do VnMedia tổ chức.

Khách mời của chương trình gồm: Tiến sỹ Nguyễn Minh Khương, Phó trưởng khoa Chữa cháy, Đại học Phòng cháy chữa cháy, một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy; Kỹ sư Lê Văn Tạch, chuyên gia kỹ thuật về ôtô với kinh nghiệm gần 10 năm, hiện đang công tác tại một công ty ôtô lớn tại Việt Nam; Ông Lê Thanh Tùng, chuyên gia kỹ thuật về xe máy, hiện đang phụ trách kỹ thuật tại một đại lý xe máy lớn tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà báo Võ Quốc Trường, Tổng biên tập Báo điện tử VnMedia cho biết, hàng loạt các vụ cháy xe máy ôtô dồn dập xảy ra trong thời gian gần đây khiến dư luận hết sức lo lắng. Theo thống kê chưa đầy đủ của VnMedia, đã có hơn 20 vụ cháy xe máy trong năm 2011 này, chủ yếu tập trung vào các loại xe tay ga, kể cả nhập khẩu và sản xuất trong nước mang nhãn hiệu nổi tiếng. Các vụ cháy xảy ra cả với xe đang lưu hành cũng như xe đang dừng đỗ, để trong nhà. Cùng với các vụ cháy xe máy còn cháy ôtô mà số lượng vụ cháy xảy ra cũng không kém. Sức tàn phá của hỏa hoạn rất lớn đã, đang là mối quan tâm lớn của người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý và đây chính là lý do VnMedia tổ chức tọa đàm nhằm giúp làm rõ thêm nguyên nhân và đặc biệt là tư vấn các cách phòng chống cháy nổ với ôtô, xe máy.

Chia sẻ thông tin về vấn đề này, Tiến sỹ Nguyễn Minh Khương khẳng định xe máy là một trong những phương tiện có nguy cơ cháy nổ cao vì luôn chứa xăng là những chất rất dễ cháy. Thời gian gần đây, hàng loạt vụ cháy nổ xe máy xảy ra, không chỉ gây tổn thất về tài sản mà còn đe dọa tính mạng người điều khiển và những người xung quanh.

"Người sử dụng hiện nay đang hoang mang do nguyên nhân của các vụ cháy này vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, để kết luận chính xác nguyên nhân của các vụ cháy rất cần sự phối hợp của người điều khiển phương tiện, chỉ có họ mới có thể cung cấp các thông tin liên quan tới phương tiện, về những triệu chứng, hiện tượng gặp phải trong quá trình sử dụng trước khi xảy ra cháy nổ" - TS Khương chia sẻ.

TS Khương cho rằng, những triệu chứng này cùng với các dấu hiệu khác ở hiện trường vụ việc sẽ giúp cơ quan chức năng phần nào xác định được nguyên nhân gây cháy nổ. Thực tế cho thấy rằng, nhiều chủ xe thường có tâm lý ngại trình báo vì nghĩ đằng nào cũng không lấy lại được đồ đã cháy. Điều này khiến công tác điều tra gặp nhiều khó khăn.

Vì sao xe cháy ?

Theo kỹ sư Lê Văn Tạch, về nguyên lý chung thì để xảy ra bất ký một vụ cháy nào thì đều phải thỏa mãn các điều kiện bao gồm:

1. Phải có vật liệu có thể cháy
2. Phải có nguồn nhiệt đủ lớn để có thể đốt cháy được các vật liệu xung quanh có thể cháy
3. Phải có ô-xy.

Các chuyên gia tham gia tọa đàm


Trong khi trên ô tô ở trạng thái bình thường thì luôn luôn có nhiều các chi tiết có khả năng cháy như vỏ dây điện, vỏ ghế, thảm sàn, xăng/dầu…Còn ô-xy thì không thiếu. Vậy chỉ cần có nguồn nhiệt đủ lớn đủ để có thể đốt cháy được các vật liệu xung quanh là sẽ xảy ra một vụ cháy xe ô tô.

"Như vậy theo tôi thì với những chiếc xe tự cháy trong khi xe đang đỗ hoặc vừa khởi động khi đó cổ xả chưa đủ nóng để có thể đốt cháy các vật liệu dễ cháy thì nguyên nhân gây cháy chủ yếu do hiện tượng chập điện làm cháy vỏ dây điện hoặc do tiếp xúc không tốt tại các đầu dây điện gây ra hiện tượng đánh tia lửa điện tại các điểm tiếp xúc. Hiện tượng chập điện có thể xảy ra bất cứ lúc nào miễn là ắcquy vẫn nối với hệ thống điện. Còn với những trường hợp xe đang lưu hành mà cháy thì nguyên nhân gây cháy có thể là ngoài do điện như trên còn có nguyên nhân nữa là do có vật dễ cháy tiếp xúc với cổ xả đang rất nóng như xăng, dầu, vải sợi…" - kỹ sư Tạch chia sẻ.

Theo ông Lê Thanh Tùng, có 3 nguyên nhân chính dẫn tới cháy xe thời gian gần đây là do tác động bên ngoài, từ con người và do chất lượng xăng.

"Ví dụ, chuột thường tha giẻ khô vào gần các bộ phận thường xuyên ở tình trạng nhiệt độ lên cao như ống bô, dễ dẫn đến bắt lửa vào giẻ. Hay có trường hợp chuột cắn dây điện gây ra chập điện, cắn vào đường ống xăng khiến xăng bị rò rỉ dẫn đến cháy, nổ. Mới đây, khi kiểm tra chiếc xe bị cháy ở gần đại lý, chúng tôi đã thấy có một miếng giẻ đang cháy dở mắc ở cổ xả"- ông Tùng nói

Chia sẻ với độc giả VnMedia về vấn đề này, TS Nguyễn Minh Khương cho biết, trong xe máy luôn luôn tồn tại một loại nhiên liệu là xăng. Cháy xe máy chính là cháy xăng bị rò rỉ ra từ các hệ thống như hệ thống dẫn nhiên liệu, bộ chế hòa khí, có thể rò rỉ ra từ bình chứa… Hoặc không phải rò rỉ xăng mà là rò rỉ hơi xăng thoát ra từ bình chứa nhiên liệu khi chúng ta quên không đóng nắp bình xăng hoặc đóng hời hợt.

Khi rò rỉ như vậy, nếu gặp những nguồn nhiệt thích hợp thì có thể bốc cháy. Xin cung cấp thông tin về nồng độ bốc cháy của xăng dầu: nếu xăng dầu bị rò rỉ ra ngoài môi trường và bốc hơi hoặc nồng độ của nó đạt từ 0,79 đến khoảng 5,76% thể tích trong môi trường không khí thì có thể gây cháy và đôi khi có thể gây nổ.

TS Khương: Cần bình tĩnh khi phát hiện cháy để hành động
hợp lý.

Tại sao lại rò rỉ? Tại sao lại xuất hiện nguồn nhiệt như vậy?

Nguyên nhân thứ nhất, có thể rò rỉ do đường ống dẫn nhiên liệu bị thủng, bị vỡ, bị đứt, có thể do nhiều nguyên nhân khác như bị chuột cắn, do quá trình bảo quản, do nhà nhiều chuột quá hoặc do quá trình sử dụng lâu dài dẫn đến bị ải mục, cũng có thể dẫn đến đứt, vỡ và bị rò rỉ nhiên liệu.

Nếu như rò rỉ nhiên liệu như vậy, nếu ta không khởi động xe và không vận hành xe thì nhiên liệu chỉ nhỏ giọt và nếu cháy cũng chỉ trong thời gian rất ngắn là tắt, hoặc có thể bay hơi và nồng độ hơi đó không đủ bốc cháy. Nhưng nếu như ta vận hành nó hoặc ta đi trên đường, tức là khi đó nhiên liệu phun liên tục thì lượng xăng xuất ra nhiều và đủ đảm bảo nồng độ để bốc cháy. Và khi cháy, dẫn đến cháy các vật dụng khác trên xe như yếm xe bằng nhựa và các vật dụng khác, dẫn đến cháy toàn bộ xe. Đấy là nguyên nhân dẫn đến cháy xe máy và nguyên nhân dẫn đến rò rỉ xăng dầu từ xe máy ra.

Còn nguyên nhân xuất hiện nguồn nhiệt? Vì để cháy được phải có nhiên liệu, có không khí (mà môi trường không khí thì chúng ta không hạn chế được) và điều kiện thứ 3 là nguồn nhiệt.

Nguồn nhiệt ở đây có thể do ma sát tạo tia lửa, có thể do tĩnh điện, có thể do bị chập hệ thống điện trong xe máy. Có thể tạo tia lửa điện trong mô men, tức là những bị trí tiếp xúc không đảm bảo, ở vị trí ác quy, vị trí đấu nối đèn và đặc biệt là những phụ kiện mà người tiêu dùng lắp thêm vào không đúng định hướng, không đúng quy định, quá tải cũng dẫn đến xuất hiện nguồn nhiệt. Đó là 3 yếu tố, 3 nguyên nhân dẫn đến cháy xe máy: xuất hiện xăng dầu rò rỉ, không khí chúng ta không hạn chế được và thứ 3 là nguồn nhiệt. Ngoài ra, nguồn nhiệt có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân nữa nhưng sau đây khi có câu hỏi tôi sẽ phân tích thêm.

Vì sao xe nổ ?

Trả lời câu hỏi của báo chí tại cuộc tọa đàm về nguyên nhân nổ xe máy và về trường hợp cụ thể vụ nổ xe máy ở Bắc Ninh, TS Khương cho biết, có 2 trường hợp xe máy nổ là cháy rồi phát nổ hoặc nổ rồi cháy.

Trường hợp thứ nhất là trường hợp ở Bắc Giang, là nổ sau đó cháy. Để xảy ra trường hợp này cần các kèm theo các điều kiện: 1- Bình xăng không đầy, nhiên liệu còn trong bình ít; 2- Bình xăng hở. Sau khi loại trừ yếu tố thuốc nổ như kết luận ban đầu của Viện Khoa học kỹ thuật hình sự thì TS Khương cho rằng, khi xe máy nổ có sức công phá mạnh như vậy chỉ có nổ bình xăng chứ không nổ vị trí nào khác, đặc điểm xe Super Dreams không có cốp lớn. Vị trí phát nổ được xác định là ắc quy gần bình xăng. Chính nguồn phát điện này đốt cháy hỗn hợp hơi xăng gây nổ xe - tức là cháy với tốc độ cực nhanh, làm giãn nở đột ngột không khí xung quanh. Vụ nổ này gây ra cháy và văng lượng xăng trong bình ra xung quanh, lên người các nạn nhân mà theo những người chứng kiến kể lại là như những ngọn đuốc sống.


Trường hợp thứ hai cháy rồi nổ. "Thời gian gần đây chúng ta nghe nhiều đến các hiện tượng xe cháy rồi có tiếng nổ. Việc cháy này xuất phát từ những nguyên liệu dễ cháy như xăng, nhựa, hoặc các chất khác. Khi cháy như vậy thì bình xăng bị nóng lên nhanh, hơi xăng bốc mạnh, nắp bình xăng rơi ra nếu nắp không kỹ dẫn tới nổ sau khi cháy" - TS Khương nói.

Giải pháp phòng ngừa cháy nổ

Ông Tùng: "Không tự tiện lắp linh kiện bên ngoài cho xe"


Để phòng ngừa hiện tượng cháy, thậm chí nổ xe, ông Lê Thanh Tùng cho rằng, khi muốn lắp

thêm thiết bị cho xe, phải sử dụng sản phẩm chính hãng theo đúng quy chuẩn. Và tốt nhất là không nên lắp thêm các bộ phận không đi kèm theo xe. Đặc biệt là tránh mua đồ của các công ty không có tên tuổi, không đảm bảo tương thích với xe, gây mất an toàn.

Về nhiên liệu, ông Tùng cho rằng nên mua xăng từ các cây xăng có uy tín, hạn chế tối đa việc mua xăng từ các hàng bán lẻ hoặc đại lý nhỏ bên ngoài. Đặc biệt, người sử dụng cần kiểm tra kỹ càng trước khi sử dụng (xe có mùi xăng không, có điều gì bất thường không…)

Khi xe cháy, cần làm gì và không được làm gì ?

Về câu hỏi của độc giả Hải Nam (Hà Nội): K
hi xe máy cháy, chủ xe cần làm gì và không được làm gì ?, TS Khương đưa ra một số giả định.

Nếu xe máy đặt trong nhà mà phát hiện ra cháy chúng ta phải sử dụng các phương tiện thô sơ như vải mềm và phải được thấm nước. Nếu cháy ở bình xăng thì có thể trùm khăn. Quan trọng nhất là chúng ta phải thật sự bình tĩnh.

Trong trường hợp cháy ở các vị trí khác thì có thể sử dụng các phương tiện khác, thì có thể dùng cát hắt vào xe máy. Nếu trong gia đình có bình chữa cháy thì có thể tận dụng rất tốt. nếu có phương tiện này chúng ta sẽ dập rất nhanh. Nhưng chúng ta phải biết sử dụng đúng cách bình chữa cháy này, nếu không sử dụng đúng thì còn gây hại hơn.

Vậy không nên làm gì trong trường hợp xe máy đang cháy? Đó là không được dùng nước hắt vào xe máy đang cháy, vì nếu đang cháy xăng mà hắt nước thì chỉ khiến đám cháy to hơn mà thôi.

 

  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: bichhang82@gmail.com; Đường dây nóng: 0903.762.768.