Tiện ích, - 14/07/2016 03:03 PM
Các trường hợp điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông không mang theo giấy tờ xe sẽ bị xử phạt theo quy định từ 80 nghìn đến 120 nghìn đồng.

Tại Khoản 2 Điều 58 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:

Đăng ký xe.

Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này.

Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này.

Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Đối với các trường hợp người lái xe điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông không mang theo giấy tờ của xe sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt như sau:

Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Người điều khiển xe môtô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.

Người điều khiển xe môtô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe.

Người điều khiển xe môtô không mang theo Giấy phép lái xe.

Như vậy, tại thời điểm CSGT kiểm tra bạn không xuất trình được giấy tờ theo quy định trên là đã vi phạm quy định và bị xử phạt theo mức phạt nêu trên.

Mặt khác theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Nghị định 171/2013/NĐ-CP về tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm có quy định như sau:

Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi quy định tại Nghị định này theo quy định tại Khoản 6, Khoản 8 Điều 125 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Khi bị tạm giữ giấy tờ theo quy định tại Khoản 6 Điều 125 của Luật xử lý vi phạm hành chính, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ.

Mặt khác tại khoản 1 Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về xử phạt hành chính không lập biên bản như sau:

Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ. Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.

Theo quy định nêu trên thì chỉ quy định trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập Biên bản chứ không bắt buộc phải ban hành Quyết định xử phạt tại chỗ khi vi phạm các quy định cụ thể khi tham gia giao thông đường bộ.

Tư vấn bởi Luật sư Đặng Thành Chung
Công ty Luật An Ninh ( Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Gửi thông tin

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến MXH ô tô - xe máy và golf tại Việt Nam xin gửi về địa chỉ email: bichhang82@gmail.com; Đường dây nóng: 0903.762.768.