Tiện ích, - 17/12/2011 03:00 PM
Theo thống kê, tại Việt Nam đã có không dưới 10 vụ cháy nổ xe máy khi đang lưu thông trong năm 2011.

Trong phần lớn các trường hợp cháy nổ xe, nhà sản xuất hoặc phân phối phương tiện thường chờ cơ quan điều tra tìm ra nguyên nhân rồi mới tính chuyện bồi thường, nếu có lỗi. Mà trên thực tế, việc tìm ra nguyên nhân cháy từ đống tro tàn còn lại còn khó hơn “mò kim đáy bể”. Từ trước đến nay, tại Việt Nam cũng chưa ghi nhận được vụ cháy xe nào (không liên quan đến thuốc nổ) tìm được nguyên nhân một cách rõ ràng.

Cũng có ý kiến cho rằng, khi chiếc xe có mua bảo hiểm lỡ bị cháy thì đã có bảo hiểm đứng ra lo liệu. Tuy nhiên, loại bảo hiểm bắt buộc mà người sở hữu xe nào cũng phải có trước khi đưa xe vào sử dụng là bảo hiểm dân sự và không bao gồm cháy nổ. Một số trường hợp có mua bảo hiểm cháy nổ cho phương tiện của mình nhưng để được bảo hiểm khi gặp rủi ro cũng thực sự khó khăn bởi nguyên nhân cháy không rõ ràng và các thủ tục pháp lý về chi trả bảo hiểm thì cực kỳ phức tạp và tốn thời gian.

Hiện cũng chưa thể khẳng định xe cháy hàng loạt thời gian gần đây là do lỗi kỹ thuật - trong quá trình sản xuất hoặc thiết kế - hay do thói quen sử dụng bất cẩn của chủ sở hữu. Do vậy, trong khi chờ các cơ quan chức năng và nhà sản xuất tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục cháy nổ, thì phòng ngừa vẫn là lựa chọn tối ưu nhất để bảo vệ bản thân cũng như tài sản.

Một chiếc xe bị bắt lửa gây cháy lớn phải hội tụ đủ hai thành phần cơ bản là chất dẫn cháy và nguồn cháy, tiếp xúc trực tiếp với nhau tạo thành đám cháy và lan ra chất cháy sẵn có trên thân xe.

Trong đó, chất cháy bao gồm xăng (cũng là chất dẫn cháy), vỏ nhựa, cao su, dây điện, mút… Còn nguồn cháy đa số là từ lửa và hy hữu xuất phát từ nhiệt.

Nếu như chất dẫn cháy thường xuất hiện khi chiếc xe bị rò rì ở một bộ phận nào đó thì nguồn cháy có phát sinh khá đa đạng, từ chập điện, nổ ắc quy, lỗi cuộn cao áp, côn xe bị bó khi vận hành sinh quá nhiệt, xe đổ mài xuống đường và lửa từ bên ngoài…

Tuy nhiên, nếu hai yếu tố trên không xảy ra đồng thời thì chiếc xe không thể tự cháy. Do vậy, bạn đừng tiếc thời gian và nên tập thói quen kiểm tra xe trước khi vận hành cũng như tiến hành bảo dưỡng xe thường xuyên hơn tại những cơ sở sửa chữa đáng tin cậy.

Nguyên nhân xảy ra rò rỉ xăng có thế khó xác định nhưng yếu tố này lại dễ được phát hiện nhất từ đặc trưng của mùi xăng sống. Thông thường, xăng có thể bị chảy ra ngoài từ hệ thống ống dẫn và bộ chế hòa khí lắp không khít.

Với ống dẫn xăng, chi tiết này hoàn toàn có thế thủng do bị xuống cấp và ăn mòn theo thời gian sử dụng hoặc bị tác động từ loài gặm nhấm như chuột. Cũng có trường hợp do bị mắc vào đâu đó khiến đầu cắm bị lỏng ra ngoài mặc dù ống dẫn không bị hư tổn.

Đối với xe tay ga, vị trí các ống dẫn và bộ chế khí khá kín và khó bị tác động từ bên ngoài. Thế nhưng, dòng xe này lại dễ bị rò rỉ xăng và hở dây điện do chuột cắn, đặc biệt là vào mùa đông. Do đó, ngoài biện pháp “ngửi xe” trước mỗi lần lưu hành, cũng nên có ý thức đặt bẫy bắt chuột ở những nơi lưu giữ xe.

Cũng với dòng xe tay ga, hiện tượng nóng và lưu nhiệt phía trong cốp xe thường rất cao nên khi lưu hành tuyệt đối không để những vật dụng và chất liệu dễ cháy, nổ trong đó, đề phòng trường hợp kích nổ do nhiệt cao.

Trong khi đó, với hệ thống điện, nếu chiếc xe thường xuyên được kiểm tra định kỳ thì những chi tiết xuống cấp, bị ăn mòn, các đầu dây bị hở gây hiện tượng đánh lửa sẽ dễ dàng được phát hiện và thay thế kịp thời. Mỗi khi xe khó nổ, cũng nên tiến hành mang đi kiểm tra vì rất có thể hiện tượng này xuất phát từ một chi tiết nào đó trong hệ thống điện bị tuột, bị đứt hoặc dứt nhưng chưa tách rời. Chỉ vậy, mới có thể loại trừ được khả năng chập điện xảy ra bất kỳ lúc nào.

Mỗi lần bảo dưỡng, bạn cũng nên vệ sinh sạch sẽ hệ thống điện nhất là các đầu nối để tránh tạp chất dẫn đến ôxy hóa làm hỏng các chi tiết, nguồn gốc làm tăng khả năng bị cập và ngắn mạch ở bộ phận quan trọng này.

Cần quan tâm nhiều hơn tới ắc quy bởi chi tiết này tương đối dễ hỏng và cũng dễ gặp sự cố dẫn đến phát nổ cho dù nếu không gặp chất dễ cháy thì cũng không quá nguy hiểm.

So với nhiều dòng xe máy sản xuất trước năm 2005, những dòng xe sản xuất gần đây có giá thành rẻ hơn nên cũng không thể kỳ vọng nhiều về độ bền cũng như chất liệu cấu thành nên sản phẩm. Một thực tế là các hãng xe máy ở Việt Nam luôn chạy đua với nhau để chế tạo ra những mẫu xe ngày càng tiết kiệm nhiên liệu trong khi phải hạ giá thành...

Bởi vậy, người tiêu dùng cần chú ý kiểm tra thêm những chi tiết có thể gây nguy hiểm mà trước đây hầu như không phải quan tâm, như bình xăng và nắp bình xăng. Không ít người tiêu dùng trong nước đã lên tiếng về sự xuống cấp nhanh và độ bất tiện ở những chi tiết này, dẫn đến khả năng rò rỉ nhiên liệu ngoài tầm kiểm soát.

Trong trường hợp muốn nâng cấp cho chiếc xe bằng còi, đèn có công suất lớn hơn và "đồ chơi" phải sử dụng đến điện, bạn cũng nên chú ý khả năng chịu tải của hệ thống điện trong xe. Tốt hơn hết là nên tham khảo kỹ những kỹ thuật viên có kinh nghiệm trước khi đi đến quyết định có nâng cấp hay không. Hạn chế thực hiện theo ý thích và đừng đưa ra kết luận cảm tính với câu hỏi, sao xe trước đây mình lắp được mà xe bây giờ lắp vào lại dễ bị cháy? 

Với mọi chiếc xe, thay dầu máy đúng định kỳ là hành động cần thiết. Nếu quá hạn thay dầu máy, dầu sẽ không còn tác dụng bôi trơn và làm mát cho động cơ xe. Khi đó, trong quá trình vận hành máy xe sẽ nóng hơn thậm chí quá nóng. Hiện tượng này không chỉ làm cho chiếc xe bị hỏng nhanh hơn mà đôi khi còn làm cháy xe nếu xăng bị rò rỉ nhiều bên ngoài máy.

Tuy việc thay dầu máy là rất cần thiết, nhưng với nhiều chị em thì đó lại là công việc rất khó nhớ. Trong khi đó, đa phần phụ nữ lại thường sử dụng xe tay ga, trong khi hiện tượng tăng nhiệt ở dòng xe này lại cao hơn nhiều so với xe số tự động và xe côn. Vì thế, chị em cũng nên chú ý đồng hồ công-tơ-mét để nhớ thời điểm thay dầu xe cho phù hợp, và tập thói quen cảm nhận sự bất thường của chiếc xe để phòng tránh những rủi ro không đáng có.

Ngoài ra, bạn cũng nên rửa xe thường xuyên hơn nhất là sau khi đi trời mưa về. Có như vậy, các chất bẩn bám vào xe mới không có điều kiện phát tác gây hỏng xe cục bộ, giúp dễ dàng phát hiện những sự cố liên quan đến rò rỉ xăng hơn.

  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: bichhang82@gmail.com; Đường dây nóng: 0903.762.768.