Thị Trường, - 10/01/2012 02:57 PM
Việc thu phí xe máy có nhiều điều mâu thuẫn lẫn sự nghi ngại của dư luận chưa giải quyết hết được.

Đầu năm 2011, Tổng cục đường bộ đã đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thu 80.000 đồng/xe máy/năm. Cuối năm, Bộ GTVT lại đề xuất với Chính phủ thu 500.000 - 1.000.000 đồng/xe máy/năm. Nói chung: Đề xuất càng "vượt bậc", mức phí càng "gia tăng". Cứ đà này, không hiểu phí xe máy sẽ leo đến đâu, trong khi giá trị đồng tiền thì cứ tụt....

Không đóng "phí" thì khỏi... lưu thông

Ngày 3/1/2012, trả lời các cơ quan báo chí, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định nếu xe máy chưa đóng phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ trong năm thì không thể tham gia giao thông vào năm tiếp theo. Và nếu vi phạm có thể bị phạt đến... 5 triệu đồng.

Trước đó, ngày 30/12/2011, tờ trình số 8868 - GTVT của Bộ Trưởng Thăng gửi Thủ tướng Chính phủ cũng đã khiến dư luận đồng loạt lên tiếng.

Việc thu phí xe máy không phải là chuyện đơn giản đối với nước ta. Bởi theo thống kê, lượng xe máy của nước ta năm 2011 đã là 26 triệu chiếc. Và năm 2012 sẽ là 28 triệu xe máy. Nghĩa là hiện nay cứ bốn người dân có một người sử dụng xe máy. Và tỉ lệ này sẽ tăng nhanh và đạt tỉ lệ 3/1 vào năm 2015 như dự đoán của Hội thảo quốc tế "Phát triển và quản lý xe máy tại Việt Nam" do Diễn đàn phát triển Việt Nam tổ chức vào năm 2007.

Nếu việc thu phí xem máy được áp dụng trên cả nước thì với mức thu "trung bình" là 500.000 đồng/xe máy/năm, Nhà nước ta sẽ có được một khoản ngân sách rất lớn.

Cụ thể, số tiền đó ước khoảng 1 ngàn 400 tỉ đồng/năm nếu áp dụng ngay trong năm 2012 và cộng dồn 85 tỉ đồng vào những năm tiếp theo, theo mức tăng 1,7 triệu chiếc xe máy/năm.

Còn nhiều mâu thuẫn

Việc thu phí xe máy có nhiều điều mâu thuẫn lẫn sự nghi ngại của dư luận chưa giải quyết hết được.

Trước hết, đó là mâu thuẫn với nguyên tắc thu phí được quy định trong Chương III của Pháp lệnh số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28-8-2001.

Điều 12 và 13 của chương này, xác định mức thu phí phải căn cứ vào nhiều nguyên tắc. Trong đó có hai nguyên tắc là: "Phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp" và "không nhằm mục đích bù đắp chi phí".

Bộ trưởng Thăng đã cho rằng: Với mức đóng xe máy là 500.000 đồng/ năm thì mỗi tháng người dân phải nộp chưa đến 50.000 đồng là hợp lý". Nhưng theo nhiều chuyên gia giao thông, số tiền như trên vẫn chưa thật hợp lý.

Bởi theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, việc thu một khoản tiền lớn như thế, đã biến xe máy trở thành đối tượng chịu khá nhiều loại phí.

Bởi theo ông, chưa kể phí đăng ký, biển số, trước bạ (cả ô tô và xe máy) đều đã tăng rất cao so với trước đây, kể từ ngày 1-1-2012, hai phương tiện này còn tiếp tục chịu thuế bảo vệ môi trường được tính vào giá xăng dầu và có thể cả phí bảo trì đường bộ đã được Bộ GTVT trình Chính phủ phê duyệt.

Thực tế, việc sở hữu một chiếc xe máy không phải là điều đơn giản đối với một người lao động Việt Nam.

Ngoài tiền mua xe, và nhiều khoản phí như ông Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ ra, người dân còn phải tốn tiền để sửa xe, phải đổ xăng trong thời bão giá và phải âu lo với nạn "đinh tặc", trộm cướp xe máy diễn ra cả ban ngày.

Rồi với các khoản chi cá nhân như ăn, mặc, ở, sinh hoạt đã dốc cạn túi tiền thì người dân với thu nhập bình quân là 1.200 USD/năm (theo GDP/người của năm 2011) lấy đâu ra 25 USD để đóng phí xe máy khi Nhà nước yêu cầu?

Chẳng lẽ cứ đến cuối năm người dân phải đi cầm cố và vay mượn khắp nơi để lo cho cái xe máy được lưu thông, luân chuyển trong năm mới?

Đối với nguyên tắc "không nhằm mục đích bù đắp chi phí", việc đề xuất thu phí xe máy của Bộ trưởng Thăng cũng đã có sự vi phạm.

Chẳng hạn, đối chiếu với danh mục phí thuộc lĩnh vực giao thông vận tải (được Pháp lệnh nói trên quy định) thì phí xe máy "hình như" đã nằm trong danh mục "phí sử dụng đường bộ" và  "phí kiểm định phương tiện vận tải".

Người viết bài tự hỏi: Việc Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị có phí xe máy có phải là đã lặp lại các loại phí nói trên với "tên gọi" khác không?

Nếu đúng là như thế thì Bộ trưởng nên xem lại kĩ càng đề nghị của mình.

Một số kiến nghị với Bộ trưởng Đinh La Thăng

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Tục ngữ có câu "Dân vĩ thực như thiên", nghĩa là dân lấy ăn làm trời, nếu không có ăn là không có trời. Lại có câu: "Có thực mới vực được đạo", nghĩa là không có ăn thì chẳng làm được việc gì cả. Vì vậy chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân.

Do đó, xin kiến nghị Bộ trưởng Đinh La Thăng nên có sự điều chỉnh  mức phí xe máy cho hợp tình hợp lý đối với toàn thể xã hội. Cụ thể:

Một là, mức phí đối với xe máy có dung tích xi-lanh dưới 173 cm3 chỉ nên là 200.000 đồng/năm.

Hai là, với đối tượng là người nghèo, cận nghèo hoặc hoàn cảnh khó khăn có sở hữu xe máy, chính quyền nên có chính sách miễn giảm hoặc khuyến khích họ sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Nếu Chính phủ và Bộ GTVT thực hiện những điều nói trên thì chắc hẳn người dân Việt Nam ai ai cũng sẽ ủng hộ.

Riêng đối với Nhà nước, số tiền thu vào khi điều chỉnh lại mức phí cũng sẽ không hề nhỏ. Và việc thu - chi sẽ dần trở nên cân bằng hơn khi các khoản thuế và phí được Chính phủ đề ra một cách hợp lý, công bằng và minh bạch.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, việc thu một khoản tiền lớn như thế, đã biến xe máy trở thành đối tượng chịu khá nhiều loại phí.

Bởi theo ông, chưa kể phí đăng ký, biển số, trước bạ (cả ô tô và xe máy) đều đã tăng rất cao so với trước đây, kể từ ngày 1-1-2012, hai phương tiện này còn tiếp tục chịu thuế bảo vệ môi trường được tính vào giá xăng dầu và có thể cả phí bảo trì đường bộ đã được Bộ GTVT trình Chính phủ phê duyệt.

 

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.