Giá xe tăng, đại lý hủy cọc
Chị Thu Hương (Thái Bình) đã đặt cọc mua chiếc Hyundai Kona phiên bản đặc biệt từ cuối tháng 5 và được đại lý chốt giá 655 triệu đồng. Tuy nhiên sang tháng 6, chị định lấy xe thì showroom báo giá tăng, phải cộng thêm 10 triệu đồng.
Nhiều mẫu ô tô rục rịch cắt khuyến mại, tăng giá từ cuối tháng 5
Theo chị Hương, đại lý cho biết giá xe trong tháng mới không còn được ưu đãi nhiều như tháng trước nên giá bán phải điều chỉnh. Không đồng ý với việc này, chị nhận lại số tiền đặt cọc là 20 triệu đồng.
Cũng rơi vào tình huống bị tăng giá nhưng trường hợp của anh Minh Sơn (Ba Vì, Hà Nội) lại được xử lý thuận lợi hơn. Nếu như chị Hương chỉ đặt một khoảng tiền không lớn so với tổng giá trị xe thì anh Sơn lại thanh toán 100% tiền tại thời điểm đặt cọc.
"Ban đầu, đại lý nói sẽ chi trả 70% số tiền chênh lệch do giá biến động, khách hàng chịu 30%, nhưng tôi không chấp nhận", anh Sơn cho biết. "Sau khi nói qua lại rất nhiều, đại lý mới chịu bán xe với giá mà tôi đã trả theo hợp đồng ban đầu".
Từ cuối tháng 5, nhiều hãng xe đã rục rịch tăng giá, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 84, trong đó giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước. Thực tế, đây là động thái cắt bớt khuyến mại chứ mức giá mới vẫn thấp hơn giá đề xuất.
Chẳng hạn Toyota Vios 1.5G CVT có giá bán đợt đầu tháng 5 là 540 triệu đồng. Xe hiện nay đang được một số đại lý chốt ở mức 548 - 550 triệu đồng, tùy nơi và các chính sách quà tặng khác nhau. Trong khi đó giá đề xuất của Toyota cho model này là 570 triệu đồng.
Khách hàng bức xúc, người bán khó xử
Trong khi Chính phủ vừa ra các biện pháp nhằm kích cầu kinh tế, giúp người mua xe tiết kiệm từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu để lăn bánh ô tô, thì các hãng xe lại lập tức cắt bớt khuyến mại. Việc này đã khiến không ít khách hàng bức xúc.
Không ít khách hàng bức xúc khi giá xe tăng trong tháng 6, dù thực tế vẫn bán dưới đề xuất
"Phí trước bạ giảm thì giá xe lại tăng, vậy thì còn gì gọi là thúc đẩy bán hàng được", Trần Văn Hoàng, một người định mua ô tô, chia sẻ. "Thậm chí đến giờ vẫn chưa biết khi nào mới được áp dụng phí trước bạ mới, giá ô tô đã tăng rõ rệt".
Chộp giật, làm ăn không uy tín hay chỉ biết móc túi khách hàng là một trong số những bức xúc của người dùng dành cho đại lý, nhân viên kinh doanh ô tô trước những biến động mới của thị trường xe.
Tuy nhiên, các showroom ô tô cho biết việc tăng giá là do nhiều yếu tố chi phối. "Cần hiểu rõ, trước đây xe được giảm giá sâu theo chương trình khuyến mại trong tháng 5, giá hiện tại tăng lên nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với giá công bố", Minh Hiếu, trưởng phòng kinh doanh một đại lý ô tô trên đường Giải Phóng (Hà Nội) nói.
Theo người này, một số nhân viên kinh doanh đã sai khi không thông báo rõ cho khách về thời gian áp dụng khuyến mại, dẫn đến tình huống khách cọc một giá nhưng đến khi nhận xe lại giá khác. Cũng có trường hợp khách biết giá sắp tăng nhưng không chịu chốt hợp đồng, đến lúc mua lại vẫn muốn được áp dụng giá cũ.
"Chính sách bán hàng thay đổi liên tục và các đại lý phải tuân theo quy định chung của hãng", anh Hiếu cho hay. "Tôi mong khách có thể hiểu rằng giá xe hiện nay dù có tăng nhưng vẫn bán dưới giá đề xuất, tức là hãng và đại lý vẫn đang chia sẻ với khách hàng trong giai đoạn này".
Về trách nhiệm của các bên với vấn đề đặt cọc, anh Lê Văn Thanh, một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh ô tô, cho rằng cần phải căn cứ theo hợp đồng mới biết bên nào đúng, bên nào sai.
Theo anh Thanh, hợp đồng thường có hai loại. Hợp đồng thỏa thuận, tức thời gian giao xe, giá xe và các chương trình khuyến mại sẽ chịu biến động của thị trường tại thời điểm mua bán. Khách hàng cũng chỉ phải đặt một khoảng tiền tượng trưng, bằng vài % giá trị xe.
Trong khi đó, hợp đồng mua bán sẽ thể hiện chính xác giá xe, thời gian giao xe, các khuyến mại cụ thể là gì. Thông thường, khách sẽ phải thanh toán trên 50% giá trị xe. Tùy theo điều khoản ghi trong hợp đồng mà sẽ có mức phạt nếu một trong hai bên vi phạm.
"Các loại hợp đồng thường dài cả chục trang, kèm theo rất nhiều điều khoản mà không ít khách hàng đặt bút ký dù chưa đọc và hiểu toàn bộ nội dung", anh Thanh chia sẻ. "Điều này dẫn đến những khúc mắc cho cả khách hàng và đại lý nhưng phần lớn các trường hợp, người mua sẽ là bên chịu thiệt, có thể là thời gian, công sức chứ không chỉ tiền bạc".
Theo Dân trí
Lần thứ 3 Chính phủ từ chối hỗ trợ với xe nhập khẩu đã buộc các doanh nghiệp phân phối tăng mức ưu đãi, giảm giá để tạo sức hút, cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước.
Mới đây, VinFast vừa đưa ra thông báo điều chỉnh chi phí sạc xe điện tại các trạm sạc công cộng của hãng, bao gồm cho ô tô lẫn xe máy.
Nhiều hãng xe đã tung ra hàng loạt ưu đãi, giảm giá cho các dòng xe với giá trị khuyến mại tối đa cả trăm triệu đồng.
Từ ngày 8/10/2022, phí dịch vụ đăng kiểm xe ô tô theo hướng tăng 10.000 đồng/xe so với hiện nay.
Một số hãng xe tại Thái Lan và Indonesia đã thông báo sẽ có sự điều chỉnh tăng giá bán trong thời gian sắp tới trước áp lực chi phí sản xuất ngày càng cao và nhiều khả năng cũng sẽ ảnh hưởng tới thị trường trong nước.