Xe nhập khan hiếm, muốn mua phải chi thêm tiền
Tháng đầu tiên của năm 2018 đã đi qua hơn nữa chặng đường nhưng ô tô sản xuất từ các nước ASEAN nằm trong diện hưởng thuế nhập khẩu 0% vẫn đang “bất lực” trong việc tiếp cận thị trường Việt.
Những vướng mắc xoay quanh Nghị định 116 đang tạo ra những rào cản, hạn chế ô tô nhập khẩu vào Việt Nam từ năm 2018. Ngoài một số doanh nghiệp (DN) nhập khẩu xe từ châu Âu, các DN còn lại hiện đang gặp khó trong việc đáp ứng các thủ tục giấy tờ theo quy định tại Nghị định 116.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 1.2018 chỉ có 60 xe ô tô được nhập về VN, trong đó chỉ có vỏn vẹn 6 xe du lịch, dưới 9 chỗ ngồi và hầu hết nhập theo đường ngoại giao. “Tính từ đầu năm 2018 đến nay, chưa có hãng ô tô nào nhập được xe về VN do chưa đáp ứng đầy đủ thủ tục theo quy định của Nghị định 116” - đại diện một hãng xe thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết.
Mới đây, theo thông tin từ nhật báo Nikkei Asian Review, hai “ông lớn” Toyota và Honda đã tuyên bố tạm ngưng nhập khẩu xe vào VN từ đầu năm 2018 do những rào cản từ Nghị định 116. Trước đó, mẫu KIA Rio nhập khẩu bất ngờ ngưng phân phối tại VN nhưng chưa được Trường Hải (THACO) đưa ra lý do. Hyundai Thành Công cũng hé lộ ngừng nhập khẩu một số mẫu xe để tập trung nguồn lực lắp ráp xe trong nước… Điều này, khiến ô tô nhập khẩu rơi vào cảnh khan hàng trong tháng đầu tiên của năm 2018. Một số dòng xe đội giá bán khiến khách hàng mua xe phải chi thêm cả trăm triệu đồng.
Mẫu Honda CR-V thế hệ mới trước đó ước tính giá bán cao nhất 1,1 tỉ đồng nhưng khi bán ra thị trường vào đầu tháng 1.2018, các phiên bản CR-V niêm yết giá lên tới 1,136 - 1,256 triệu đồng. Nguyên nhân được Honda VN lý giải, do lô xe đang phân phối được DN này nhập khẩu, thông quan vào tháng 12.2017 nên phải chịu mức thuế nhập khẩu 30%.
Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, khách hàng đăng ký mua Honda CR-V tại thời điểm này, nếu muốn nhận xe sớm phải chi thêm từ 30 - 50 triệu đồng cho gói phụ kiện được đại lý lắp sẵn trên xe. Điều này khiến mỗi chiếc CR-V bản L sau khi tính cả chi phí lăn bánh có giá lên đến gần 1,5 tỉ đồng.
Không chỉ Honda CR-V, một số mẫu xe nhập khẩu vốn bán chạy như Toyota Fortuner, Ford Ranger hay Ford Everest, Ford Explorer… cũng rơi vào cảnh khan hàng, đội giá bán. Một số đại lý còn vài xe để bán cũng làm giá khách hàng theo kiểu mua thêm gói phụ kiện, bảo hiểm. Thậm chí, điều này còn tạo hiệu ứng tác động đến thị trường xe cũ, khi một số dòng xe như Fortuner đã qua sử dụng, có giá rao bán cao hơn giá xe mới mà hãng công bố.
Ô tô “nội” hút khách mùa cận Tết
Ô tô nhập khẩu rơi vào cảnh khan hàng, lại còn bị đại lý “làm giá” đúng thời điểm nhu cầu mua sắm gia tăng dịp cận Tết Nguyên đán 2018, nên một số khách hàng đã chuyển sang phương án mua xe lắp ráp trong nước.
Vừa nhận chiếc Mazda CX-5 mới từ đại lý Mazda, quận 7, TP.HCM, anh Hoài Thanh cho biết: “Trước đó đã đặt cọc mua Honda CR-V, tuy nhiên sau khi đại lý báo xe tăng giá lại còn phải mua thêm gói phụ kiện nên đã hủy hợp đồng và chuyển sang mua Mazda CX-5, để có xe hơi cả gia đình đi lại trong dịp Tết”.
Tương tự trường hợp anh Hoài Thanh, gia đình anh Tuấn Thành, kinh doanh tại quận 3, TP.HCM cũng quyết định chồng tiền cho đại lý Hyundai để lấy chiếc SantaFe bản máy dầu 2.2L sau khi “bất lực” tìm mua Toyota Fortuner. “Ngay cả đại lý Toyota cũng chưa biết rõ đến khi nào có xe, hỏi một vài đơn vị kinh doanh xe cũ thì hét giá chênh gần cả trăm triệu so với giá xe mới. Nên thôi, chuyển sang mua SantaFe lắp ráp, vì dù sao cũng không còn lựa chọn nào khả quan hơn”.
Ở phân khúc xe cỡ nhỏ, KIA Morning cùng Hyundai Grand i10 lắp ráp trong nước vẫn đang hút khách sau nhiều lần giảm giá bán. Trong khi các tân binh như Toyota Wigo vẫn chưa thể về VN, Celerio dù đã được Suzuki công bố giá bán nhưng lượng hàng khá khan hiếm.
Phân khúc Crossover đang khá sôi động sau khi rất nhiều khách hàng “vỡ mộng” vì Honda CR-V đội giá bán hơn 150 triệu đồng so với giá đề xuất. Theo khảo sát của phóng viên Thanh Niên, một số đại lý Mazda khu vực TP.HCM đã không còn mẫu Mazda CX-5 thế hệ mới, đặc biệt là phiên bản 2.5L FWD để giao cho khách đặt mua. Theo đại diện THACO: “Nhu cầu tăng cao vào dịp cận Tết khiến nhà máy không kịp đáp ứng đủ nguồn cung cho các đại lý. Ngoài Mazda CX-5 hai mẫu mẫu xe Peugeot 3008 và 5008 ra mắt đầu tháng 12.2017 cũng đang cháy hàng”. Khách hàng đặt mua Mazda CX-5 thế hệ mới tại thời điểm này phải chờ đợi ít nhất 1 - 2 tuần mới mong nhận được xe.
Trong khi đó, liên hệ với một đại lý Hyundai trên đường Trường Chinh, TP.HCM, nhân viên bán hàng cho biết: “Hiện tại, khách muốn mua Hyundai Tucson phải đặt cọc và chờ đến khi có xe từ nhà máy. Tuy nhiên, đại lý sẽ đảm bảo giao xe trước Tết Nguyên đán 2018”.
Có thể thấy những thay đổi từ chính sách đang góp phần tác động sâu rộng đến thị trường ô tô tại Việt Nam. Xe nhập khẩu từ ASEAN, từng được cho sẽ nắm nhiều lợi thế cạnh tranh khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0% từ 2018, tuy nhiên giờ đây đang phải đối mặt với không ít rào cản xuất phát từ Nghị định 116. Trong khi đó, chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô nội địa đang mở ra nhiều cơ hội cho các DN lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước.
Theo Thanhnien
Nghị định 116 đang tạo ra những rào cản khiến việc nhập khẩu ô tô về VN của các hãng xe bị gián đoạn, một số dòng xe vốn hút khách rơi vào cảnh “khan” hàng đến quý I.2018.
Nhiều mẫu xe nhập khẩu đang khan hiếm, hết hàng, do các DN giảm lượng nhập về trong những tháng cuối năm 2017 và huỷ đơn hàng những tháng đầu năm 2018. Xe nhập khan hiếm, nhiều người quay sang mua xe lắp ráp trong nước hoặc xe cũ nhập khẩu, khiến giá xe chững lại thậm chí còn nhích lên với những mẫu xe cũ ăn khách.