Các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu cho biết giá xăng dầu thành phẩm trung bình tại thị trường Singapore hiện cao hơn giá bán lẻ xăng trong nước khoảng 500 đồng/lít và giá dầu cao hơn khoảng 1.100 đồng/lít. Do đó, nhiều khả năng giá xăng dầu sẽ phải tăng giá vào chiều nay 21-6.

Vì sao giá dầu thô thế giới có dấu hiệu giảm song giá xăng dầu trong nước vẫn đối diện với kỳ tăng giá mới?

Lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía Nam cho biết hiện giá dầu thô và giá sản phẩm sau lọc dầu chênh lệch quá lớn.

Cụ thể, vị này cho biết hiện giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore dao động từ 150-160 USD/thùng, trong khi giá dầu có thời điểm 178 USD/thùng, thậm chí giá dầu thô giảm nhưng giá thành phẩm vẫn tăng.

Đổ lệ khi đổ xăng

Quay lại chuyện trong nước, theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP HCM, giá xăng có thể tăng 200-400 đồng, còn dầu tăng 400-600 đồng một lít.

Liệu xăng có bớt tăng khi Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 2.000 đồng về 1.000 đồng?

Rất khó và kể cả nếu đề xuất này được thông qua, thuế môi trường với xăng chỉ có thể giảm từ đầu tháng 8 khi Nghị quyết đề xuất này có hiệu lực. Như vậy, giá xăng ở vài kỳ hành tới vẫn chưa thể hạ nhiệt nếu giá quốc tế không giảm đáng kể.

Mức thuế bảo vệ môi trường được đề nghị giảm thêm 1.000 đồng/lít với xăng và 500 đồng/lít với dầu mà Bộ Tài chính đưa ra được các chuyên gia đánh giá là không thấm vào đâu so với sức nóng của giá xăng dầu thời gian qua.

Bởi ngoài thuế đó, trong cơ cấu tính thuế xăng dầu hiện nay còn có thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu... vốn đã chiếm tới 13.000 - 15.000 đồng/lít.

Tình hình giá xăng khiến nhiều người đổ lệ khi đổ xăng. Chiếc Vision thần thánh mỗi lần đổ đầy giờ tốn trên 130.000 đồng tiền xăng, so với trước đây chưa đầy một năm chỉ khoảng hơn 80.000 đồng.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân, cho hay tại kỳ họp thứ 3 vừa qua, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ có giải pháp để hỗ trợ người có thu nhập thấp, người yếu thế khi giá cả mặt hàng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu.

Thực tế, ngoài một số nước đang có trợ giá rất lớn cho người dân trong tiêu dùng xăng dầu như Malaysia, nhiều nước như Hàn Quốc vừa tiếp tục giảm thêm thuế nhiên liệu để kéo giảm áp lực lạm phát.

Một chuyên gia khác cũng khuyến nghị rằng trong điều hành giá xăng dầu, cần thực hiện nghiêm việc công khai minh bạch như quỹ bình ổn, công thức và cơ cấu tính thuế, phí trong giá xăng dầu ở mỗi kỳ điều hành để "rõ ràng, rành mạch" hơn với người dân.

Giá xăng nhiều nơi trên thế giới tăng tốc

Giá dầu tăng kỷ lục khiến giá xăng cũng trở thành chủ đề nóng trên toàn cầu. Từ Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, giá xăng liên tiếp lập đỉnh khiến cuộc sống của người dân đảo lộn.

Theo Global Petrol Prices, nơi có giá xăng đắt nhất thế giới là Hong Kong, với hơn 11 USD một lít xăng. Đổ đầy bình xăng một chiếc xe hơi nhỏ ở đây cũng có thể tốn hơn 100 USD.

Các nước châu Âu thống trị nhóm có giá xăng cao nhất hành tinh. Phần lớn người dân các nước Tây Âu đều đang phải mua xăng với giá từ 6 USD một gallon (3,78 lít) trở lên. Các nước dẫn đầu là Iceland, Phần Lan, Hy Lạp, Đan Mạch và Na Uy.

Đông Á là nơi có giá xăng đắt đỏ thứ nhì thế giới, sau châu Âu. Giá tại Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan – những nước tiêu thụ dầu lớn, nhưng không sản xuất được nhiều dầu – dao động từ 1,4 đến 1,6 USD một lít.

Giá xăng tăng sẽ tác động lớn lên tâm lý người tiêu dùng. Một số nước chọn cách bình ổn thị trường bằng trợ giá, như Iran, Saudi Arabia, Malaysia,...

Ví dụ, giá xăng tại Malaysia hiện vào khoảng 13.000 đồng một lít, nhờ được Chính phủ nước này trợ giá. Nước này không đánh thuế với xăng dầu tiêu thụ nội địa, bán cho người bản địa.

Trong khi đó, nhiều nước chọn cách xả kho dự trữ hoặc giảm thuế để hạ nhiệt giá nhiên liệu. Mỹ đã xả kho dự trữ dầu từ tháng 4, với tốc độ một triệu thùng mỗi ngày.

Hàn Quốc thì kéo dài thời gian giảm thuế nhiên liệu, đồng thời liên tục nâng mức giảm thuế trong vài tháng qua, từ 20% lên 30% hồi tháng 5 và lên 37% hôm 19/6. Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch hỗ trợ cho những người bị tăng chi phí sinh hoạt do giá nhiên liệu cao.

Giữa tháng 5, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha thông báo gia hạn việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel thêm 2 tháng. Bên cạnh đó, từ ngày 21/5 đến 20/7, thuế tiêu thụ với dầu diesel B5 sẽ giảm 5 baht một lít, tăng so với mức cũ là 3 baht. Mức thuế trước đây là 5,99 baht một lít.

Ngoài giảm thuế, chính phủ Thái Lan cũng đang cân nhắc hỗ trợ cho các nhóm sử dụng nhiên liệu chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Đổ lệ còn kéo dài khi giá dầu thô còn căng thẳng 

Nửa đầu năm nay, giá dầu thô thế giới liên tục chịu nhiều biến động lớn, từ việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ và châu Âu áp lệnh trừng phạt lên Moskva đến Trung Quốc phong tỏa các thành phố lớn để chống dịch.

Giá dầu đã đi lên từ cuối năm ngoái, do nhu cầu hồi phục về gần mức tiền đại dịch, trong khi nguồn cung không theo kịp. Những đồn đoán về khả năng Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine cũng xuất hiện từ giữa tháng 1, càng góp phần kéo giá lên cao.

Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent trung bình trong quý III năm nay sẽ lên 140 USD. Còn giá trung bình trong nửa cuối năm và quý đầu năm sau là 135 USD một thùng. Nguyên nhân là dự trữ dầu toàn cầu, sản xuất của OPEC và năng lực lọc dầu hiện rất thấp.

Nhu cầu tăng trở lại sau đại dịch, trong khi nguồn cung không theo kịp là lý do giá dầu bắt đầu tăng từ cuối năm ngoái. Tình trạng này vẫn đang tiếp diễn. Việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine đã khiến vấn đề an ninh năng lượng quay trở lại chương trình nghị sự của các quốc gia, trong bối cảnh giá nhiên liệu liên tiếp lập kỷ lục.

 

  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.