Khám Phá, - 30/12/2019 11:24 PM
Tờ Nikkei mới đây đã đăng tải những thông tin về việc Mitsubishi sẽ ngừng phát triển động cơ diesel trong khi những model máy dầu hiện tại của hãng này cũng sẽ bị khai tử kể từ cuối năm 2021.

Trên thực tế, Mitsubishi không phải là thương hiệu đầu tiên đoạn tuyệt với động cơ dầu. Trước đó, những ông lớn cũng đến từ Nhật Bản là Toyota, Honda và Nissan đều cho thấy động thái tương tự. Vào năm ngoái, Porsche cũng đã tuyên bố dừng phát triển loại công nghệ này sau hàng loạt biến cố liên quan đến bê bối gian lận khí thải động cơ diesel tại tập đoàn VW AG.

Cái chết của những chiếc xe máy dầu đã được dự báo từ trước, nhất là khi các tiêu chuẩn khí thải trên toàn cầu không ngừng được thắt chặt. Đồng thời, chính phủ nhiều nước cũng không giấu giếm kế hoạch sẽ cấm lưu hành loại xe này trong tương lai gần. Thực chất, đã có một vài thành phố tại châu Âu ban hành lệnh cấm đối với xe chạy dầu diesel. Đây được coi là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc nhiều nhà sản xuất xe hơi đã và đang cân nhắc việc ngừng phát triển động cơ diesel, trong đó các tên tuổi đến từ xứ sở mặt trời mọc tỏ ra sốt sắng hơn cả.

Như chúng ta đã biết, ưu điểm lớn nhất của động cơ dầu so với động cơ xăng nằm ở hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu. Nhờ đó, những chiếc xe máy dầu thuờng tiết kiệm hơn so với xe chạy xăng. Cộng với giá dầu diesel tại một số quốc gia rẻ hơn so với giá xăng, chi phí vận hành cho những chiếc xe máy dầu cũng vì thế mà thấp hơn. Nếu đặt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hay giá dầu mỏ leo thang, rõ ràng là động cơ dầu chiếm một ưu thế cực kỳ to lớn. Đấy là chưa kể đến việc động cơ dầu cũng an toàn và ít hỏng vặt hơn.

Nhưng trên thực tế, những chiếc xe của người Nhật từ lâu đã được đề cao ở tính kinh tế, tiết kiệm, dù chạy xăng hay diesel. Đặc biệt, với những sản phẩm sử dụng công nghệ hybrid, mức tiêu thụ nhiên liệu của chúng thậm chí còn được tối ưu hơn nữa. Vì thế, các thương hiệu Nhật Bản phát triển động cơ diesel dường như chỉ để sản xuất các dòng xe thương mại cũng như thâm nhập vào thị trường châu Âu – thánh địa của xe máy dầu.

Ở một khía cạnh khác, động cơ xăng luôn được đánh giá cao hơn động cơ diesel ở khả năng thân thiện hơn với môi trường. Nếu là vài chục năm trước đây thì lợi thế này không quá rõ ràng. Nhưng khi các tiêu chuẩn khí thải được thắt chặt theo thời gian, điều đó ngày càng được khẳng định và nhấn mạnh. Bởi động cơ xăng sẽ thích nghi dễ hơn với các tiêu chuẩn khí thải mới trong khi động cơ dầu đòi hỏi nhiều cải tiến tốn kém và phức tạp hơn.

Với các mục tiêu khí thải mới nhất, động cơ xăng còn gặp khó chứ đừng nói đến động cơ dầu. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng để đáp ứng những quy định đó, các nhà sản xuất xe hơi bắt buộc phải dựa vào công nghệ điện hóa. Với mức phát thải siêu thấp hoặc thậm chí là không phát thải (xe điện), các dòng xe xanh sẽ bù trừ cho xe ICE truyền thống.

Nếu chỉ loay hoay với những công nghệ động lực cũ, họ khó có thể đạt được mức phát thải bình quân do EU đề ra. Còn trong trường hợp không đáp ứng được hạn mức của mình, các nhà sản xuất sẽ hứng chịu những án phạt cực nặng. So với động cơ diesel, động cơ xâng nhìn chung là có nhiều cơ hội hơn để tiếp tục tồn tại thêm 20, 30 năm nữa.

Các thống kê cũng đã chỉ ra rằng doanh số xe máy dầu tại châu Âu trong thời gian qua đang có dấu hiệu sụt giảm và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới. Đó được cho là kết quả của việc người tiêu dùng tại đây ngày càng lo ngại hơn tới các vấn đề môi trường cũng như các quy định pháp lý. Trong khi đó, các dòng xe xanh lại tăng trưởng thần tốc.

Thế nên, các hãng xe đến từ Nhật Bản nhìn chung là chẳng còn lý do đáng kể nào để tiếp tục theo đuổi động cơ dầu. Loại động cơ này thường có chi phí phát triển, sản xuất cao hơn do nhiều thành phần ở bên trong phải hoạt động dưới điều kiện áp suất và nhiệt độ cao. Điều đó có nghĩa là chúng phải được chế tạo với độ bền và chất lượng tốt hơn so với các bộ phận tương tự của động cơ xăng. Hơn nữa, lợi thế về mặt hiệu suất đã không còn, nhất là với sự xuất hiện của công nghệ hybrid.

Đồng thời, động cơ dầu quá ô nhiễm và bị cho là không thể đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải mới. Để tránh bị dính đòn, các thương hiệu bắt buộc phải hướng tới các công nghệ xanh nhằm bù đắp cho sự ‘vượt rào’ của những chiếc xe diesel. Và kể cả có thoát được các án phạt thì họ lại tiếp tục đối mặt với vấn đề doanh thu do nhu cầu đối với xe chạy dầu đang giảm mạnh tại châu Âu. Như vậy, xét về nhiều khía cạnh, động cơ dầu đã trở thành một gánh nặng chứ không còn là công cụ hái ra tiền như trước nữa.

Tất nhiên, những nhà sản xuất tầm cỡ của châu Âu như PSA, Volkswagen, Daimler hay BMW vẫn duy trì chỗ đứng nhất định cho các model máy dầu. Nhưng trước sau gì thì họ cũng sẽ phải tính đến phương án loại bỏ công nghệ do kỹ sư người Đức Rudolf Diesel phát minh ra. Mà đâu chỉ riêng động cơ diesel, những kế hoạch khai tử hoàn toàn động cơ đốt trong đã được xây dựng và có thể triển khai sau vài thập kỷ nữa.

Với tình hình hiện tại, cái chết của động cơ xăng và dầu là điều tất yếu, trừ phi là các nhà nghiên cứu có thể tìm ra những giải pháp tiên tiến giúp làm sạch ICE nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả về mặt chi phí. Có một sự thật là dù phần lớn các đơn vị trong ngành công nghiệp ô tô đang chủ yếu tập trung vào công nghệ điện hóa nhưng vẫn có một số công ty cố gắng thực hiện những đột phá để kéo dài cuộc đời cho ICE nói chung và động cơ diesel nói riêng.

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.