Ô tô điện được coi là tâm điểm của năm 2020 với sự tăng trưởng vượt trội của Tesla tại Mỹ. Năm 2021, Trung Quốc muốn thâm nhập và thậm chí là thống trị thị trường này.

Ô tô đang ngày càng được thế giới đón nhận nồng nhiệt hơn và đang trở thành một xu thế mới trong thị trường ô tô toàn cầu.

Năm 2020, doanh số ôtô chạy điện ở châu Âu tăng 137% đạt 1,4 triệu xe, so với mức tăng 12% đạt 1,3 triệu xe ở Trung Quốc.

Tại Mỹ, doanh số ôtô điện trong năm ngoái tăng 4%, đạt 328.000 xe, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu EV-Volumes.com.

o-to-dien-cuoc-dua-khoc-liet-my-trung

Xu hướng người dùng chuyển sang ô tô điện được dự báo sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn trước, do các chính phủ trên thế giới tiếp tục đưa ra các gói hỗ trợ người dân mua ô tô điện chỉ vì một lý do đơn giản, nỗ lực giảm thiểu lượng khí thải nhà kính nhằm bảo vệ môi trường. Không có trợ cấp, giá ô tô điện đắt hơn đáng kể so với những mẫu xe tương đương chạy bằng động cơ đốt trong.

Theo nghiên cứu năm 2017 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Đại học Georgetown, đến năm 2040, 90% phương tiện tại các quốc gia giàu có như Mỹ, Canada và châu Âu sẽ chạy bằng điện. Chính vì vậy, ngành công nghiệp ôtô thế giới đang tăng tốc và đổ dồn sang thị trường béo bở này, tạo nên một cuộc đua gay cấn. Và ở trung tâm của cuộc đua đó chính là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới: Mỹ và Trung Quốc.

Tesla - con bài chủ lực của Mỹ

Tesla Inc, công ty xe điện của tỷ phú Elon Musk, được coi là “người tiên phong” trong việc thúc đẩy xe điện thông minh. Tesla đang ngày một phát triển mạnh mẽ và trở thành công ty sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới, vượt qua nhiều tên tuổi lớn có lịch sử lâu đời như Ford hay Daimler.

Năm 2004, Elon Musk xây dựng công ty sản xuất xe điện Tesla với mục đích cách mạng hóa ngành công nghiệp ô tô trên toàn thế giới bằng cách đẩy nhanh sự hình thành của một thế giới chủ yếu sử dụng xe điện.

Trong năm 2020, Tesla đã chứng kiến sự thăng hoa của mình khi giao tổng cộng 499.550 chiếc ô tô điện tới tay khách hàng, doanh số đạt ngưỡng cao kỷ lục vào quý IV khi đạt 180.570 chiếc, theo Bloomberg.

Sự vượt trội của Tesla có thể được giải thích một phần nhờ vào sự khởi đầu tiên phong. Công ty có trụ sở ở California từ lâu đã đưa vào những công nghệ mới, trong khi các hãng khác chỉ cố gắng để bắt kịp, chẳng hạn như chức năng cập nhật phần mềm hoặc sửa lỗi qua mạng không dây, giúp chủ xe không cần đến đại lý.

Ngoài ra, các mẫu xe của Tesla thu hút người dùng ở việc có hiệu năng hoạt động vượt trội. Hầu hết những mẫu xe của Tesla đều có tầm di chuyển trên 400 km sau một lần sạc đầy.

Do đó, Tesla đang độc chiếm thị trường xe điện tại nhiều nơi, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, trong khi các hãng xe khác chỉ có thể ngán ngẩm đuổi theo mà không biết bao giờ có thể đuổi kịp.

Trung Quốc - thế lực đáng nể

Tuy thâm nhập thị trường muộn hơn, nhưng thị trường xe điện của Trung Quốc cũng đang có những bước phát triển vượt bậc. Năm 2019, nước này tiêu thụ gần 1,2 triệu xe điện, đến năm 2020 là hơn 1,3 triệu chiếc, chỉ đứng sau thị trường châu Âu.

Trong khi đó, tại Mỹ, trong hai năm 2019 và 2020, doanh số xe điện vẫn loanh quanh ở mức hơn 310.000-330.000 chiếc/năm. Còn ở Nhật Bản, thủ phủ của các hãng xe hơi nổi tiếng, trong hai năm qua, số xe điện bán ra cũng chỉ đạt 30.000 đến 43.000 chiếc.

Với số dân 1,4 tỷ người, là thị trường cũng là nước sản xuất xe hàng đầu thế giới, Trung Quốc có thể sẽ dẫn đầu xe điện trong nay mai.

Việc hai nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới là Tesla và Volkswagen đầu tư hàng tỷ USD để lắp ráp và duy trì các chuỗi cung ứng xe điện tại Trung Quốc vô hình trung kích thích các startup xe điện tại nước này trở thành những “gã khổng lồ”.

Không những vậy, chính phủ Trung Quốc cũng đã đẩy mạnh đầu tư (khoảng 60 tỷ USD) và hỗ trợ hết lòng vào các công ty sản xuất xe điện, theo CNBC. Ngoài ra, quốc gia tỷ dân cũng đã thúc đẩy một kế hoạch đầy tham vọng, đó là vào năm 2035, cả nước sẽ sử dụng ô tô điện hoặc xe hybrid.

Ngoài ra, Trung Quốc lôi kéo Tesla và Volkswagen sản xuất xe hơi tại thị trường này, đi kèm với cam kết chuyển giao, hợp tác với doanh nghiệp nội địa. Động thái này đem lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc và hình thành các tập đoàn xe hơi lớn của quốc gia này, với những cái tên tiêu biểu như SAIC, BYD, WM Motor, Li Auto, Xpeng Motors và Byton.

Những thương hiệu này đã cho ra đời các mẫu xe điện chất lượng và đang sẵn sàng cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ đến từ Nhật, Hàn Quốc, thậm chí cả Tesla không chỉ tại thị trường nội địa, mà còn tại các thị trường lớn khác như Mỹ, châu Âu và châu Úc.

Một nền tảng quan trọng khác cho tham vọng về xe điện của Trung Quốc là lĩnh vực sản xuất pin xe đang phát triển nhanh chóng ở nước này. Hai công ty Trung Quốc là Contemporary Amperex Technology (CATL) và BYD hiện chiếm khoảng hai phần ba thị trường pin xe điện toàn cầu, theo dữ liệu từ UBS. Toàn bộ sáu hãng sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới mà UBS liệt kê đều là các công ty châu Á, không có một cái tên Mỹ nào.

Trong bối cảnh đó, khi Mỹ chỉ có một cái tên nổi bật trong “làng” xe điện sẽ khiến việc cạnh tranh với một Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ, với nhiều công ty đang “làm mưa làm gió” trên thị trường, rất có thể Trung Quốc sẽ sớm giành vị thế thống trị ngành ô tô điện toàn cầu trong những năm tới, theo nhận định của CNBC.

Theo: Thế giới & Việt Nam

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.