Chính từ đây, các tiêu chuẩn khí thải đã ra đời và không ngừng được thắt chặt theo thời gian. Hệ quả là các nhà sản xuất ô tô buộc phải tìm tới các công nghệ mới nhằm thay thế cho động cơ đốt trong cũ nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn ngày một khắt khe. Tất cả là để hướng đến mục tiêu không phát thải, bảo vệ môi trường khỏi ô nhiễm từ xe cộ. Nhưng liệu chúng ta đã bắt đúng bệnh hay chưa?
Câu hỏi trên đã phần nào được giải đáp bởi nghiên cứu do Emissions Analytics thực hiện. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã có một kết luận đầy bất ngờ. Cụ thể, họ cho rằng sự ăn mòn lốp xe còn gây ô nhiễm gấp 1000 lần so với khí thải của một chiếc xe ô tô. Đây chắc chắn là một phát hiện gây chấn động, có thể dẫn đến những thay đổi căn bản trong thời gian tới.
Emissions Analytics khẳng định các hạt bụi từ lốp và cả phanh đang nổi lên như là một tác nhân gây ô nhiễm hàng đầu. Chúng cực kỳ nguy hại và đang gia tăng đáng kể về mật độ. Bởi lẽ, tốc độ bào mòn lốp đang tăng lên do sự gia tăng về trọng lượng trung bình của xe. Mà điều này xuất phát từ chính sự bùng nổ của SUV vốn có kích thước và cân nặng lớn hơn so với các sản phẩm truyền thống. Bên cạnh đó là sự nở rộ của các dòng xe điện hóa luôn bị ‘độn cân’ do mang trên mình hệ thống pin vừa to vừa nặng.
Nhưng đó không phải là vấn đề duy nhất. Emissions Analytics còn cho biết sự phát thải bụi lốp do ăn mòn không hề được quy định, trái với hàm lượng phát thải từ động cơ. Nhờ có các tiêu chuẩn đó, lượng khí thải của những chiếc xe ngày nay đã giảm đi đáng kể so với trước đây. Thế nhưng, lượng phát thải không liên quan đến khí xả (NEE) lại đang trở thành một vấn đề rất đáng quan ngại.
Theo định nghĩa, NEE là sự phát thải các loại hạt vào không khí từ quá trình ăn mòn phanh, lốp và bề mặt đường cũng như sự lưu giữ bụi đường khi vận hành phương tiện. Dù NEE đang có những tác động nghiêm trọng tới chất lượng môi trường song nó vẫn chưa bị kiểm soát bởi các văn bản pháp quy.
Theo thống kê, NEE hiện được coi là nguồn phát sinh bụi mịn chủ đạo trong giao thông. Cụ thể, NEE đóng góp tới 60% lượng bụi mịn PM2.5 và 73% lượng bụi mịn PM10. Trong một báo cáo năm 2019 của Ủy ban chuyên gia về chất lượng không khí thuộc chính phủ Vương quốc Anh AQEG, NEE là một nguồn phát sinh rất dễ nhận thấy của bụi mịn trong không khí, kể cả là với những phương tiện không phát thải như xe điện.
Để hiểu rõ hơn về tầm ảnh hưởng của NEE, Emissions Analytics đã tiến hành các thử nghiệm sơ bộ đối với sự ăn mòn lốp xe. Với một chiếc hatchback phổ thông cùng bộ lốp mới tinh, nhóm nghiên cứu đã tìm được kết quả. Đó là chiếc xe thải ra bình quân 5,8g bụi lốp trên mỗi km di chuyển. Trong khi đó, giới hạn phát thải bụi trong khí xả dành cho loại xe này chỉ là 4,5mg/km. Chỉ với một phép tính, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra là bụi mịn từ quá trình ăn mòn lốp cao hơn 1000 lần so với khí xả từ động cơ.
Đặc biệt, nhóm thử nghiệm còn cho biết kết quả còn có thể cao hơn nếu lốp xe được bơm không đủ hơi hoặc mặt đường xấu hơn. Ngoài ra, chất lượng lốp cũng được coi là một tác nhân có thể làm thay đổi kết quả thử nghiệm. Nói như vậy, có thể khẳng định là kết quả trong điều kiện thực tế sẽ còn đáng báo động hơn nữa.
Theo tìm hiểu, Emissions Analytics là một công ty đến từ Anh, chuyên hoạt động trong lĩnh vực thu thập dữ liệu và phân tích hàm lượng phát thải cũng như mức tiêu thụ nhiên liệu của các phương tiện giao thông và máy móc, dựa trên đo đạc và thực nghiệm khoa học.
Lốp dự phòng vốn là thứ ít sử dụng nhưng rất quan trọng trên các dòng xe, tuy nhiên ở phân khúc phổ thông không ít người thắc mắc vì sao loại lốp phụ này lại khác hoàn toàn so với lốp chính.
Không phải tất cả các loại lốp xe đều hoạt động ổn định trong mọi điều kiện thời tiết và địa hình, có loại chạy bám đường khi khô ráo nhưng lại không tốt để đi trong mùa mưa và ngược lại.
Bánh trước của một số xe nhỏ và đa số các xe có phân khối lớn sẽ dùng lốp có chiều rãnh gai bị ngược.
Nếu chiếc xe máy của bạn đang sử dụng lốp không săm, bạn cần lưu ý một vài điểm dưới đây để giữ lốp được bền và vận hành an toàn hơn.
Hiện tượng nổ lốp xe máy rất nguy hiểm, đặc biệt khi xe đang lưu thông trên đường. Để đảm bảo an toàn khi sử dụng, người dùng cần biết nguyên nhân và cách khắc phục sự cố này.