1. Phạm vi bảo hiểm
a. UIC chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ xe cơ giới những thiệt hại vật chất do thiên tai, tai nạn bất ngờ, không lường trước được trong những trường hợp sau:
- Đâm, va (bao gồm cả va chạm với vật thể khác ngoài xe cơ giới), lật, đổ, chìm, rơi toàn bộ xe, bị các vật thể khác rơi vào;
- Hỏa hoạn, cháy, nổ;
- Những tai họa bất khả kháng do thiên nhiên;
- Mất toàn bộ xe do trộm, cướp.
b. Ngoài số tiền bồi thường, UIC còn hoàn trả cho chủ xe cơ giới những chi phí cần thiết và hợp lý theo thỏa thuận tại Hợp đồng bảo hiểm để thực hiện các công việc theo yêu cầu và chỉ dẫn của UIC khi xảy ra tổn thất (thuộc phạm vi bảo hiểm), bao gồm các chi phí:
- Chi phí ngăn ngừa hạn chế tổn thất phát sinh thêm;
- Chi phí cứu hộ và vận chuyển xe bị thiệt hại tới nơi sửa chữa gần nhất.
Trong mọi trường hợp, chi phí này không vượt hạn mức quy định trong hợp đồng bảo hiểm.
2. Loại trừ bảo hiểm
UIC không chịu trách nhiệm bồi thường bảo hiểm trong các trường hợp sau:
- Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, người điều khiển xe và những người có quyền lợi liên quan đến sở hữu, khai thác và sử dụng xe.
Tại thời điểm xe tham gia giao thông xảy ra tổn thất, thiệt hại, xe không có Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hợp lệ theo quy định của pháp luật hiện hành;
- Người điều khiển xe không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe. Trường hợp người điều khiển xe bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc không thời hạn thì được coi là không có Giấy phép lái xe.
- Người điều khiển xe trong tình trạng có nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở, sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật.
- Xe đi vào đường cấm, khu vực cấm, đường ngược chiều, rẽ, quay đầu tại nơi bị cấm, vượt đèn đỏ hoặc không chấp hành theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, xe đi đêm không có thiết bị chiếu sáng theo quy định.
- Đua xe (hợp pháp hoặc trái phép); xe được bảo hiểm dùng để kéo xe khác không tuân thủ quy định của pháp luật.
- Xe chở hàng trái phép theo quy định của pháp luật hoặc không thực hiện đầy đủ các quy định về vận chuyển, xếp dỡ hàng theo quy định của pháp luật.
- Tổn thất, tai nạn xảy ra ngoài lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam (trừ khi có thỏa thuận khác);
- Tổn thất xảy ra trong những trường hợp: Chiến tranh, khủng bố;
- Tổn thất do hao mòn tự nhiên hoặc do bản chất vốn có của tài sản, giảm giá trị thương mại, hỏng hóc do khuyết tật hoặc hỏng hóc thêm do sửa chữa, trong quá trình sửa chữa (bao gồm cả chạy thử);
- Xe chở quá tải, quá số lượng người quy định 50% trở lên theo giấy chứng nhận kiểm định;
- Thiệt hại đối với tài sản đặt biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý (dạng nguyên thủy hoặc đã tinh chế); tiền, các loại ấn chỉ, hoá đơn có giá trị như tiền, các loại giấy tờ có giá trị như tiền; đồ cổ, tranh ảnh nghệ thuật quý hiếm; thi hài, hài cốt; súc vật; tài sản cá nhân của người điều khiển xe, phụ xe và người ngồi trên xe.
- Tổn thất của động cơ khi xe hoạt động trong khu vực bị ngập nước(trừ khi có thỏa thuận khác);
- Tổn thất đối với săm lốp, bạt thùng xe, nhãn mác trừ trường hợp tổn thất xảy ra do cùng một nguyên nhân và đồng thời với các bộ phận khác của xe trong cùng một vụ tai nạn;
- Mất bộ phận của xe do bị trộm hoặc bị cướp (trừ khi có thỏa thuận khác);
- Mất toàn bộ xe trong trường hợp lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt xe (xe cho thuê hoặc xe cho mượn hoặc siết nợ hoặc tranh chấp), trừ khi có thỏa thuận khác;
- Thiệt hại xảy ra đối với máy móc, dụng cụ điện hay các bộ phận của thiết bị điện do chạy quá tải, quá áp lực, đoản mạch, tự đốt nóng, hồ quang điện hay rò điện do bất kỳ nguyên nhân nào (kể cả sét);
- Tổn thất về các thiết bị chuyên dùng trên xe cơ giới và tổn thất về xe cơ giới do hoạt động (trong mọi trường hợp) của các thiết bị chuyên dùng của chính xe cơ giới gây ra;
- Tổn thất các thiết bị lắp thêm trên xe ngoài các thiết bị của nhà sản xuất đã lắp ráp (không bao gồm các thiết bị mang tính chất bảo vệ cho xe: hệ thống báo động, cản trước, cản sau, camera cảm biến lùi) và tổn thất về xe cơ giới do các thiết bị lắp thêm trên xe ngoài các thiết bị của nhà sản xuất đã lắp ráp gây ra (trừ khi có thỏa thuận khác).
3. Số tiền bảo hiểm và giá trị bảo hiểm (giá thị trường)
- Số tiền bảo hiểm là số tiền mà chủ xe cơ giới yêu cầu UIC bảo hiểm cho xe của mình và được ghi trên Hợp đồng bảo hiểm/Giấy chứng nhận bảo hiểm.
- Chủ xe cơ giới có thể thỏa thuận tham gia bảo hiểm bằng hoặc thấp hơn giá trị thị trường của xe.
- UIC xác định giá trị của xe tham gia bảo hiểm theo cơ sở dữ liệu giá trị xe của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam công bố hoặc do UIC xây dựng. Nếu cơ sở dữ liệu giá trị xe của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam/UIC không có giá trị xe cho loại xe có yêu cầu bảo hiểm thì xác định như sau:
-
Đối với xe mới (100%), giá trị của xe là giá bán xe do các hãng sản xuất trong nước công bố tại thị trường Việt Nam, hoặc giá xe nhập khẩu đã bao gồm tất cả các loại thuế theo quy định của Nhà nước.
-
Đối với xe ô tô đã qua sử dụng, giá trị của xe là giá xe mới (100%) nhân (x) tỷ lệ (%) tối thiểu chất lượng còn lại của xe. Đối với xe nhập khẩu đã qua sử dụng, giá trị của xe là giá xe mới (100%) nhân (x) với tỷ lệ (%) chất lượng còn lại được xác định trong tờ khai hải quan nhập khẩu.
a. Tỷ lệ (%) tối thiểu chất lượng còn lại của xe tham gia bảo hiểm được xác định như sau:
- Thời gian đã sử dụng từ 01 năm trở xuống: 100%;
- Thời gian đã sử dụng từ trên 01 năm đến dưới 03 năm: 85%;
- Thời gian đã sử dụng từ 03 năm đến dưới 06 năm: 70%;
- Thời gian đã sử dụng từ 6 năm đến dưới 10 năm: 55%;
- Thời gian đã sử dụng từ 10 năm trở lên: 40%.
b. Thời gian đã sử dụng của xe được tính như sau:
Từ năm đăng ký lần đầu đến năm tham gia bảo hiểm (đối với xe sản xuất tại Việt Nam) hoặc số năm tính theo năm sản xuất đối với xe nhập khẩu đã qua sử dụng.
4. Bồi thường
a. Bồi thường tổn thất bộ phận
- UIC chịu trách nhiệm thanh toán chi phí thực tế hợp lý để sửa chữa, thay thế (trường hợp không thể sửa chữa được) bộ phận hoặc trả bằng tiền cho chủ xe cơ giới để bù đắp tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm trên cơ sở xác định được chi phí hợp lý để sửa chữa, khắc phục tổn thất có thể phải trả sau khi áp dụng mức khấu trừ (nếu có).
Cách xác định số tiền bồi thường:
- Trường hợp xe được bảo hiểm dưới giá trị, số tiền bồi thường sẽ được tính theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm và giá trị thực tế của xe tại thời điểm tham gia bảo hiểm;
- Trường hợp xe được bảo hiểm bằng hoặc trên giá trị, số tiền bồi thường bằng chi phí hợp lý để phục hồi, sửa chữa xe bị tổn thất.
- Trường hợp hợp đồng bảo hiểm không quy định xe được bảo hiểm theo Điều khoản bổ sung thay thế mới, UIC sẽ xác định chi phí hợp lý để thay thế mới bộ phận hư hỏng bằng chi phí thay thế thực tế trừ đi số tiền khấu hao tính theo tỷ lệ khấu hao theo tỷ lệ khấu hao được quy định tại Phụ lục 1 của Quy tắc này.
- UIC bồi thường chi phí sơn lại toàn bộ xe nếu trên 50% diện tích sơn của xe bị hư hỏng do tổn thất.
b. Bồi thường tổn thất toàn bộ
- UIC bồi thường tổn thất toàn bộ trong trường hợp xe bị thiệt hại trên 75% giá trị thực tế; hoặc chi phí sửa chữa thiệt hại bằng hoặc trên 75% giá trị thực tế của xe tại thời điểm trước khi xảy ra tổn thất.
- UIC có trách nhiệm bồi thường tổn thất toàn bộ xe bị mất trộm, mất cướp khi có kết luận của cơ quan công an đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ khởi tố hình sự liên quan đến mất trộm, mất cướp của chính chiếc xe đó.
- Số tiền bồi thường tổn thất toàn bộ bằng giá trị thực tế của xe trước khi xảy ra tổn thất cùng chủng loại và thông số kỹ thuật và không vượt quá số tiền ghi trên Hợp đồng bảo hiểm/Giấy chứng nhận bảo hiểm.
5. Thu hồi tài sản sau bồi thường
Khi UIC đã bồi thường tổn thất bộ phận hoặc toàn bộ xe thì bộ phận hư hỏng hoặc toàn bộ xe đó thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp, cụ thể:
- Đối với trường hợp bồi thường thay mới bộ phận, UIC sẽ thu hồi bộ phận hư hỏng đã được trả tiền bồi thường thay mới (kể cả trường hợp trừ khấu hao).
- Đối với trường hợp bồi thường tổn thất toàn bộ, sau khi UIC đã bồi thường toàn bộ xe thì toàn bộ giá trị thu hồi chiếc xe bị tổn thất thuộc sở hữu của UIC. Trường hợp tham gia bảo hiểm dưới giá trị thì UIC thu hồi phần giá trị tương đương theo tỷ lệ tham gia bảo hiểm. Trường hợp chủ xe có yêu cầu nhận lại chiếc xe bị tổn thất toàn bộ, UIC sẽ giảm số tiền bồi thường tổn thất toàn bộ tương đương giá trị thu hồi chiếc xe bị tổn thất theo định giá của UIC.
- Đối với trường hợp bồi thường xe bị mất trộm, mất cướp sau đó tìm được xe bị mất trộm, mất cướp thì UIC được quyền sở hữu toàn bộ chiếc xe đó.
BẢNG TỶ LỆ KHẤU HAO BỘ PHẬN
1. Đối với các loại xe thông dụng:
1.1. Xe còn giá trị từ 85% trở lên hoặc xe sử dụng dưới 03 năm không tính khấu hao sử dụng;
1.2. Xe còn giá trị từ 70% đến dưới 85% hoặc xe đã sử dụng từ 03 năm đến dưới 06 năm tính khấu hao sử dụng 15%;
1.3. Xe còn giá trị trên 50% đến dưới 70% hoặc xe đã sử dụng từ 06 năm đến dưới 10 năm tính khấu hao sử dụng 25%;
1.4. Xe đã sử dụng từ 10 năm đến 15 năm tính khấu hao sử dụng 35 %;
1.5. Xe đã sử dụng trên 15 năm tính khấu hao 50%.
2. Đối với các loại xe khác:
- Xe đầu kéo, Taxi, xe cho thuê tự lái, xe khách liên tỉnh.
- Mức tính khấu hao tất cả các bộ phận là 150% so với các mức khấu hao của các loại xe thông dụng tại mục I trên. Đối với những xe sử dụng từ 1 năm đến 3 năm áp dụng khấu hao 15%.
- Đối với những xe sử dụng dưới 1 năm không tính khấu hao.
3. Quy định khác:
Một số bộ phận như: Săm lốp, ắc quy, bạt phủ (thùng xe tải) hoặc những bộ phận thay thế theo định kỳ như: Gioăng, phớt, lọc gió, lọc dầu, lọc xăng, vòng bi ... phải tính phần trăm giá trị đã sử dụng tối đa không quá 50% .
Lưu ý:
- Số năm để tính khấu hao được xác định kể từ năm sản xuất của xe.
- Trường hợp phụ tùng thay thế mới đã được thay thế một lần thì thời gian tính khấu hao tính từ thời điểm thay thế gần nhất đến khi bị tổn thất (Tuy nhiên lần thay thế trước phải là thay thế mới và có đầy đủ chứng từ để chứng minh việc thay thế mới này).
- Tất cả các xe không mua điều khoản bảo hiểm bổ sung thay thế mới hoặc có năm sử dụng trên 15 năm đều áp dụng các quy định trên.