Tin xe, - 18/03/2019 03:18 PM
Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, đã ra lệnh cấm xe máy từ năm 2003. Dù còn nhiều tranh cãi nhưng chính quyền Yangon hiện vẫn kiên quyết duy trì lệnh cấm.

Cách đây 16 năm từng có rất nhiều đồn đoán về lí do tại sao chính quyền Yangon lại bất ngờ ban hành lệnh cấm khi xe máy vẫn là phương tiện giao thông phổ biến và được ưa chuộng nhất ở các thành phố Đông Nam Á. Tuy nhiên, nhà chức trách địa phương giải thích, động thái nhằm hạn chế tình trạng tắc đường, tai nạn giao thông, ô nhiễm và giúp thu hút khách du lịch.

vo-tran-vi-oto-re-tran-duong-sao-myanmar-van-cam-xe-may

Trả lời phỏng vấn kênh Channel News Asia, ông Maung Aung, một quan chức thuộc Cơ quan Quản lý giao thông vùng Yangon (YRTA) nói thêm, việc đưa ra lệnh cấm còn là vì vào thời điểm đó, "những người điều khiển xe máy thường không tuân thủ luật lệ giao thông", khiến số vụ tai nạn liên quan đến xe máy trong thành phố vào khoảng 800 vụ/năm.

Ngoài ra, một quan chức giấu tên thuộc Sở Cảnh sát giao thông Yangon cho hay, thành phố đã phải đối mặt với tình trạng tác oai, tác quái của bọn tội phạm đi xe máy, chẳng hạn như các toán cướp giật trước khi lệnh cấm có hiệu lực.

Theo tờ The Economist, lệnh cấm xe máy hiện chỉ được áp dụng nghiêm ngặt ở khu vực trung tâm Yangon. Bất kỳ người nào đi xe máy trong các khu vực cấm sẽ bị phạt 20.000 kyat (khoảng 300.000 đồng) và có thể bị thu giữ phương tiện.

Dẫu vậy, các quan chức làm việc cho chính quyền vẫn được phép dùng xe máy ở trung tâm Yangon. Song, họ phải đội mũ bảo hiểm và không được phép chở theo người khác.

Cảnh sát Yangon cũng được phép sử dụng xe máy trong lúc thực thi nhiệm vụ. Trang India Times thống kê, hiện có 65 chiếc xe máy đang lưu hành trong thành phố ở dạng này. Những trường hợp được miễn trừ khác là các nhân viên của bưu điện và cơ quan điện lực.

Sau một thời gian dài áp dụng, lệnh cấm xe máy rõ ràng đã làm thay đổi nhiều mặt cuộc sống ở Yangon. Xe máy gần như vắng bóng trên các đường phố ở khu vực trung tâm. Ở nhiều nhà dân, xe máy bị bỏ xó trong tình trạng han gỉ khi các chủ nhân vẫn chờ đợi sự thay đổi để được tái sử dụng chúng.

vo-tran-vi-oto-re-tran-duong-sao-myanmar-van-cam-xe-may

Các chủ cửa hàng, doanh nghiệp nhỏ tại Yangon hiện phải phụ thuộc vào ôtô và xe tải để vận chuyển và phân phát hàng hóa, dẫn đến cảnh tắc nghẹt trong những con phố nhỏ hẹp.

Trong khi đó, tại những thành phố Đông Nam Á khác, các tiểu thương hoặc công ty khởi nghiệp thường dùng xe máy để chuyên chở mọi thứ, từ đồ ăn tới thiết bị gia dụng, nhằm tiết kiệm chi phí và cơ động hơn.

Để tháo gỡ thế bí, Shady Ramadan, người sáng lập công ty vận chuyển Door2Door, đã mở dịch vụ chuyên chở hàng hóa bằng xe đạp, với khoảng 80 chiếc hoạt động suốt ngày đêm. Song, một nhược điểm của loại phương tiện này là không nhanh và không chở được những vật cồng kềnh.

Thống kê cho thấy, thời gian chuyển phát hàng hóa trung bình ở Yangon hiện là 50 phút, trong khi ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, các đơn vị vận chuyển chỉ mất trung bình 32 phút.

Lệnh cấm xe máy cũng buộc phần lớn cư dân của Yangon phải dựa vào hệ thống giao thông công cộng để đi lại. Tuy nhiên, có nhiều người than phiền rằng các xe buýt trong thành phố còn chật chội, chậm chạp và bẩn thỉu. Hệ thống đường sắt nội thành cũng khá lạc hậu, khiến người dân phải chọn các phương tiện khác như ôtô cá nhân hay taxi để đáp ứng nhu cầu của mình.

Thực tế, điểm yếu chính của hệ thống giao thông công cộng ở Yangon là những chuyến đi ngắn giữa các khu dân cư, trường học và nơi làm việc. Nhiều người cảm thấy vô cùng bất tiện khi không đủ tiền mua ôtô trong khi xe buýt lại chỉ di chuyển theo tuyến và dừng đỗ ở những điểm cố định.

vo-tran-vi-oto-re-tran-duong-sao-myanmar-van-cam-xe-may

Nắm bắt được nhu cầu, một số ít chủ xe máy như anh Ko Aung Aung vẫn mạo hiểm vi phạm lệnh cấm. Anh Ko và khoảng hơn 10 nam giới khác hàng ngày chạy xe ôm kiếm sống ở vùng ven ngoại ô thành phố Yangon. Khách hàng của họ chủ yếu là những người muốn đi tới các trạm xe buýt hoặc nơi làm việc ở Bắc Dagon, một khu công nghiệp nằm ở vùng ngoại ô.

vo-tran-vi-oto-re-tran-duong-sao-myanmar-van-cam-xe-may

Ko tiết lộ, anh may mắn chưa từng bị bắt vì đi xe máy trong khu vực cấm. Nhưng nếu bị cảnh sát phát hiện, anh đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 50.000 kyat (gần 759.000 đồng). Mức phạt cho người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm là 10.000 kyat (151.000 đồng).

Một số nhà quan sát nói, mới đầu, việc cấm xe máy giúp cải thiện đáng kể tình hình giao thông ở trung tâm Yangon, khiến đường phố trở nên sạch sẽ, thông thoáng hơn và số vụ tai nạn giao thông cũng giảm. Một nghiên cứu của Đại học Tokyo chỉ ra rằng, lệnh cấm đã giúp giảm 18% lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ở thành phố.

Song, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thu nhập của người dân cao hơn, nhiều cá nhân đã đủ khả năng sắm xe hơi để thuận tiện cho nhu cầu đi lại. Các loại ôtô nhập khẩu giá rẻ bắt đầu tràn ngập các đường phố Yangon, chen chúc hoạt động cùng taxi và xe buýt trong khi cơ sở hạ tầng trong thành phố nhiều nơi còn lạc hậu, thiếu đồng bộ, các con đường cũng khá chật hẹp.

Tất cả khiến tình trạng ùn tắc, kẹt xe tái diễn thời gian gần đây và xảy ra thường xuyên vào giờ cao điểm. Một báo cáo thống kê, tốc độ di chuyển trung bình ở khu vực trung tâm Yangon giảm từ 38 km/h năm 2007 xuống còn 10 km/h năm 2015.

vo-tran-vi-oto-re-tran-duong-sao-myanmar-van-cam-xe-may

Dù có nhiều ý kiến đề xuất Yangon cho xe máy tái hoạt động trở lại, nhưng chính quyền địa phương vẫn kiên quyết duy trì lệnh cấm. Theo cảnh sát Yangon, số người chết vì tai nạn giao thông dự kiến sẽ tăng lên nếu lệnh cấm xe máy được dỡ bỏ. Hơn thế nữa, tình trạng ô nhiễm và kẹt xe cũng sẽ trở nên trầm trọng hơn.

Nhằm giải quyết vấn đề, chính quyền thành phố đang cố gắng thúc đẩy các dự án mở rộng đường và nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông. Nhà chức trách nói, lệnh cấm xe máy có thể được gỡ bỏ trong tương lai khi hệ thống giao thông công cộng đã được nâng cấp tới mức đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.

Nhằm cải thiện hệ thống giao thông công cộng còn yếu và thiếu, YRTA đã giảm số lượng công ty tham gia cung cấp dịch vụ xe buýt, ban hành quy định về lương cho các tài xế để tránh sự cạnh tranh không lành mạnh cũng như các cuộc đua nguy hiểm nhằm giành khách tại điểm đỗ của các xe buýt khác hãng. Chính quyền Yangon cũng chú trọng đầu tư phát triển hệ thống xe buýt nhanh (BRT) và dịch vụ tàu đệm khí trong thành phố.

Bên cạnh đó, các nhà quản lý hy vọng, thuế nhập khẩu cao hơn cùng các loại phí đường bộ tăng cao sẽ giúp giảm số lượng người mua và sử dụng ôtô cá nhân.

Theo Vietnamnet

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Gửi thông tin

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến MXH ô tô - xe máy và golf tại Việt Nam xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.