Theo đó, Cục Đăng kiểm là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thống nhất quản lý hoạt động đăng kiểm trên phạm vi cả nước. Sở GTVT chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong phạm vi địa phương và các đơn vị đăng kiểm thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Bộ GTVT cũng đưa ra lộ trình chuyển tiếp hoạt động để Sở GTVT chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực nhằm đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.
Cụ thể, kể từ ngày 1/1/2026, Sở GTVT thay Cục Đăng kiểm thực hiện việc cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới theo quy định; kiểm tra, đánh giá việc duy trì các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và hoạt động kiểm định.
Đối với các Sở GTVT chưa sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp tại Nghị định thì Cục Đăng kiểm sẽ tiếp tục thực hiện và có trách nhiệm tập huấn, hướng dẫn cho Sở GTVT.
Bộ GTVT cũng đề xuất bổ sung quy định trung tâm đăng kiểm quản lý, giám sát hoạt động kiểm định tại đơn vị, chịu trách nhiệm toàn diện khi để xảy ra vi phạm, tiêu cực tại đơn vị đăng kiểm.
“Lý do, thời gian vừa qua đã phát sinh trường hợp một số đơn vị đăng kiểm xe cơ giới lợi dụng tình trạng ùn tắc phương tiện để trục lợi. Điển hình như vụ việc “cò khám xe nhanh” ở Bắc Ninh mới phát sinh trong thời gian vừa qua. Do đó, đề xuất này để nâng cao trách nhiệm của đơn vị đăng kiểm nhằm thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm định xe cơ giới…”, Bộ GTVT lý giải.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề xuất bỏ khoản 5 Điều 11, quy định đơn vị đăng kiểm bị thu hồi giấy chứng nhận trong trường hợp “có từ 5 lượt đăng kiểm viên trở lên bị tạm đình chỉ hoặc từ 3 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên trong thời gian 12 tháng liên tục”.
Theo lý giải của Bộ GTVT, đây là hành vi vi phạm của cá nhân đăng kiểm viên, đã được xử lý bởi các quy định pháp luật khác.