Phần mềm mô phỏng do Cục Đường bộ Việt Nam đưa ra có 120 tình huống giao thông được áp dụng vào chương trình dạy và học lái ô tô các hạng B1, B2, C, D, E, F... từ ngày 15/6.
Theo phần mềm này, người lái xe sẽ quan sát mô phỏng xe đang lái xe trên đường. Các tình huống nguy hiểm lập trình sẵn sẽ xuất hiện, người lái xe phải bấm nút space (tách) trên bàn phím để phản xạ. Thang điểm đạt được khi bấm đúng thời điểm như lập trình (tạm gọi điểm chuẩn) là 5 điểm, nếu bấm chậm thang điểm sẽ giảm dần từ 4 về 3, 2, 1 và 0 điểm. Trường hợp thí sinh bấm quá sớm so với điểm chuẩn sẽ bị 0 điểm. Khi thi mô phỏng, người thi phải thực hiện 10 tình huống liên tiếp với điểm tối đa là 50 điểm (thí sinh được từ 35 điểm trở lên là đạt).
Điều đáng nói, theo phản ánh của nhiều học viên và cả chuyên gia về lái xe, nhiều tình huống đưa ra trong phần mềm có điểm chuẩn vô lý, thậm chí không đúng với phản xạ thực tế của người lái xe trên đường.
Việc này khiến người học lái xe gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết người học ghi nhớ như học thuộc bài chứ chưa thể xử lý theo đúng phản xạ thực tế. Dù quan sát tốt tới đâu, phản xạ nhanh thế nào vẫn không thể có điểm cao.
Học viên phải học “mẹo” bằng cách học thuộc lòng nếu muốn lấy được điểm cao
Đơn cử tình huống 116, xe học viên đang đi trên đường gặp biển báo. Tại các thang điểm 5, 4, 3 không có dấu hiệu nào để người lái xe nhận diện được tình huống nguy hiểm để bấm. Đến khi hòn đá từ trên núi rơi xuống và người lái nhìn thấy bấm thì chỉ được 2 hoặc 1 điểm, thậm chí bị điểm liệt.
Bất cập này bắt buộc người học phải học "mẹo" bằng cách học thuộc lòng - khi đầu xe đi qua bụi cây đầu tiên từ khi xuất hiện biển báo sẽ bấm để lấy đủ 5 điểm (dù chưa thấy hòn đá rơi).
Riêng tình huống 110 còn thách đố hơn khi trong thang điểm chuẩn và các thang điểm 4, 3, 2, 1, người lái xe không hề thấy một dấu hiệu nào báo tình huống nguy hiểm để bấm nút. Để đạt điểm cao trong tình huống này, người học không còn cách nào khác phải nhớ khi đầu xe đến biển báo giao nhau với đường không ưu tiên sẽ bấm (trước khi tình huống xảy ra).
Đối với tình huống này, một người dạy lái xe cho rằng đúng ra phải lập trình bảng đồng hồ xe báo hiệu "ABS" chớp sáng trùng với khung 5 điểm sẽ phù hợp và đúng thực tế hơn.
Còn cặp tình huống 75 và 83 đều xuất hiện con bò khi đang lái xe. Tuy nhiên, tình huống 83 thì phải dừng lại, còn 75 thì bỏ qua tiếp tục chạy đến khi gặp em bé đi ra đường mới bấm. Ngoài ra có những tình huống thực tế do hình ảnh mờ như tình huống 76 có một em bé băng ra đường nhưng rất khó quan sát do chất lượng hình ảnh kém.
Tương tự, các tình huống 18, 36, 63, 99, 118... khiến người học bối rối, bắt buộc học thuộc lòng rồi bấm (trước khi xảy ra tình huống) để lấy được điểm cao.
Người thi nay càng hoang mang, căng thẳng hơn
Ghi nhận tại Trung tâm sát hạch lái xe Củ Chi (huyện Củ Chi, TP.HCM) thời gian qua, khi chúng tôi đến, vài trường hợp bỏ về để ôn luyện thêm. Thí sinh cho biết hình thức thi mô phỏng có những câu hỏi rất khó hiểu, đặc biệt thao tác chọn đáp án phải chính xác từng "tích tắc".
Bà Tô Kim Úc (47 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) cho biết rất bỡ ngỡ khi học được một thời gian mới biết phải thi mô phỏng. Gần ngày thi bà lo lắng đến mức ngủ không được. Bà Úc thi lý thuyết đậu nhưng mô phỏng lại rớt nên phải chờ đến tháng sau thi lại.
Theo bà Úc, tuy đã được tập huấn cả tháng nay và thi thử hai lần nhưng bà vẫn gặp nhiều khó khăn do thời gian thi khá ít, câu hỏi nhiều và hiển thị rất nhanh. Nó còn khó ở chỗ thí sinh phải bấm chọn đáp án đúng lúc, bấm sớm không được mà chậm cũng chẳng xong.
"Tôi nghĩ các đơn vị nên giảm bớt câu hỏi, thậm chí bỏ luôn phần thi mô phỏng này để thêm thời gian cho chạy xe thực hành", bà Úc nói.
Một trong những người vượt qua phần thi mô phỏng tại Trung tâm sát hạch lái xe Củ Chi, anh Phạm Hoàng Quân (36 tuổi, quận Tân Phú) chia sẻ anh vô cùng căng thẳng khi nhiều tình huống phải xử lý chính xác từng giây.
Anh Quân nhận định mỗi người có cách phản ứng khác nhau đối với tình huống bất ngờ xảy ra trên đường. Bộ đề lại bắt buộc chọn kết quả như vậy là áp đặt học viên. Ví dụ tình huống xe mô tô vượt ô tô ở nơi giao nhau là sai, nhưng thí sinh phải đợi xe con rẽ trái rồi mới bấm. Nếu bấm sớm thì bị chấm 0 điểm.
Một chuyên gia giao thông nhận định môn thi mô phỏng này giúp nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt đưa nhiều tình huống dạy lái trên cao tốc vào cho người dân trải nghiệm. Tuy nhiên, trong mỗi tình huống xảy ra trên đường sẽ có rất nhiều người có nhận định và phản ứng khác nhau.
Trong nhiều tình huống có nhiều người nhận diện từ sớm trước một hoặc hai giây và người ta xử lý sớm sẽ hạn chế va chạm cao hơn. Nhận diện càng trễ thì va chạm càng lớn. Thế nhưng trong phần mềm thi mô phỏng học viên bấm chọn sớm một giây bị chấm 0 điểm thì hơi vô lý cần xem xét lại.