Tập đoàn Hằng Đại Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Dấu hiệu đầu tiên xuất hiện vào tháng 9 năm ngoái khi một bức thư bị rò rỉ có chủ đích từ Tập đoàn này cho thấy China Evergrande đã cầu xin sự hỗ trợ của chính phủ để phê duyệt kế hoạch niêm yết cửa sau. Niêm yết cửa sau có nghĩa là China Evergrande đang muốn lên sàn chứng khoán để huy động vốn thông qua việc sáp nhập vào một tập đoàn khác. Ngay lập tức China Evergrande nói rằng bức thư là giả.
Nhưng đến tháng 6 vừa qua, dấu hiệu mới rõ hơn khi China Evergrande thừa nhận đã không trả một số thương phiếu đúng hạn và vào tháng 7, một tòa án Trung Quốc đã phong tỏa khoản tiền gửi ngân hàng trị giá 20 triệu USD do công ty này nắm giữ theo yêu cầu của Ngân hàng Guangfa.
Sự phát triển quá nóng của China Evergrande từ thị trường bất động sản dường như khiến tập đoàn này quá tham vọng làm bá chủ các lĩnh vực khác. Con số từ các định chế tài chính cho biết, tổng nợ phải trả của Evergrande ở mức 1,97 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 306,3 tỷ USD), con số này ngang với khoảng 2% GDP của Trung Quốc, đây thực sự là con số khổng lồ.
Sự vỡ nợ của China Evergrande có thể kéo theo hệ lụy khủng khiếp bởi các vấn đề tài chính liên quan đến hàng loạt ngân hàng lớn. Sự sụp đổ của Evergrande sẽ có tác động lớn đến thị trường việc làm và khiến 200.000 nhân viên mất việc và khoảng thuê khoảng 3,8 triệu nhân viên mỗi năm để phát triển dự án.
Sự lớn mạnh không ngừng từ bất động sản của Evergrande đã thúc đẩy tập đoàn này tìm kiếm đầu tư sang lĩnh vực khác khi thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại. Evergrande đã chi hàng tỷ USD để mua cổ phần trong các công nghệ ô tô nước ngoài cho hoạt động kinh doanh xe năng lượng mới của mình, bao gồm NEVS của Thụy Điển, e-Traction của Hà Lan và Protean của Anh. Evergrande còn thành lập một liên doanh riêng với Hofer AG của Đức, nhà phát triển hệ thống truyền động ô tô và công ty siêu xe Koenigsegg.
Gần đây, Evergrande NEV giới thiệu 6 mẫu ôtô điện nhưng đến nay chưa bán bất kỳ một chiếc xe nào. Bill Russo, CEO hãng tư vấn Automobility ở Thượng Hải nói, “Đây là một công ty kỳ lạ, họ đổ rất nhiều tiền đầu tư vào lĩnh vực mới mẻ là xe điện nhưng chẳng làm được gì vì họ không có kiến thức”. Theo Fortune, trong nửa đầu năm nay, ước tính Evergrande NEV lỗ 740 triệu USD.
Gian trưng bày của Evergrande NEV tại China Auto Show 2021. Ảnh: Bloomberg
Bên cạnh đó, Evergrande còn vung tay đánh bóng tên tuổi của mình thông qua hoạt động bóng đá khi mua lại Câu lạc bộ bóng đá Quảng Châu và bơm tiền mạnh tay vào đây khi liên tiếp mang về các cầu thủ nổi tiếng ở Châu Âu như: Paulinho, Robinho, Alberto Gilardino, Fabio Cannavaro…với mức lương “trên trời”.
Mới đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc đã cảnh báo China Evergrande vào tháng 8 rằng họ cần giảm thiểu rủi ro nợ. Chính quyền tỉnh Quảng Châu cũng đang lấy ý kiến từ những chủ nợ lớn của Evergrande về việc thành lập một ủy ban chủ nợ để kiểm soát tình hình.
Đây cũng là một lời cảnh tỉnh của các Tập đoàn trong nước khi đã gặp tình trạng tương tự khi đua nhau đầu tư bất động sản, trái với ngành nghề chính của mình và hậu quả đã thấy đó là việc Nhà nước phải tiến hành cơ cấu lại hoạt động ngân hàng và siết chặt hoạt động đầu tư dàn trải của các tập đoàn trong nước. Những năm 2010 đã chứng kiến cảnh thê thảm của chứng khoán trong nước và hàng loạt công ty gặp khó khăn.
Trong khi công ty mẹ Evergrande, tập đoàn bất động sản lớn thứ hai của Trung Quốc, đang đối mặt với vô số rắc rối về tài chính thì công ty con Hengchi lại đang tích cực đẩy mạnh kế hoạch ra mắt mẫu xe điện đầu tiên.