Sự Kiện, - 06/04/2023 08:32 AM
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết đang nghiên cứu đề xuất tổ chức lại mô hình hoạt động, quản lý đối với hệ thống trung tâm đăng kiểm, đơn vị đăng kiểm phương tiện để trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xem xét.


Xếp hàng chờ đăng kiểm tại TPHCM

Theo dự thảo, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ được sắp xếp lại theo hướng chỉ làm công tác quản lý nhà nước về đăng kiểm.

Hiện nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam có 13 tổ chức tham mưu, giúp việc Cục trưởng và 37 đơn vị trực thuộc. Theo dự thảo, 37 đơn vị trực thuộc Cục sẽ được tổ chức lại thành 7 trung tâm đăng kiểm. Các trung tâm này sẽ thực hiện dịch vụ đăng kiểm phương tiện đường bộ đang lưu hành, xe sản xuất mới, phương tiện thủy, tàu biển đường sắt và công trình biển.

Sau khi tổ chức lại, các đơn vị này vẫn thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam. Tuy nhiên, Cục chỉ bổ nhiệm lãnh đạo đơn vị. Các trung tâm hoàn toàn tự chủ, độc lập về tổ chức, tài chính, con người.

Nói cách khác, việc này sẽ tách công tác quản lý nhà nước ra khỏi cung cấp dịch vụ đăng kiểm. Hiện nay, một số phòng tham mưu, giúp việc Cục trưởng vừa thực hiện công tác quản lý nhà nước, đồng thời thực hiện dịch vụ kiểm định phương tiện. 

Tiêu cực tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới

Vụ tiêu cực tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới bị phanh phui vào cuối tháng 10/2022, khi lực lượng CSGT Công an TPHCM phát hiện nhiều phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật nhưng vẫn được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Cho đến nay, CQĐT Công an thành phố đã khởi tố nhiều bị can, trong đó có Cục trưởng cục Đăng kiểm Việt Nam.

Vụ việc bắt đầu ngày 26/10, khi Công an TPHCM nhận được nguồn tin tố giác dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kiểm định phương tiện. Cùng với đó, quá trình kiểm tra xe tải mang BKS 50H-100.20 đang lưu thông trên đường phát hiện, thùng phương tiện về chiều dài, rộng, cao và đối chiếu với giấy kiểm định đều cho thấy phương tiện này khớp với thông số kỹ thuật trên giấy kiểm định do Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 62-03D cấp.

Tuy nhiên, rà soát lại dữ liệu đăng kiểm gốc của Cục Đăng kiểm lưu, CSGT phát hiện có sự sai số. Điều này chứng minh thùng xe đã được Trung tâm đăng kiểm hợp thức hóa cơi nới 71 cm. Đồng thời, CSGT còn phát hiện thêm xe mang BKS 51D-325.89 cũng được cấp giấy kiểm định thay đổi thông số kỹ thuật tương tự như xe 50H-100.20.

Xét thấy có dấu hiệu tội phạm, PC08 Công an TPHCM phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ đã lấy lời khai tài xế, chủ phương tiện và phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ dấu hiệu sai phạm.

Xếp hàng chờ đăng kiểm tại TPHCM

Mở rộng điều tra, Công an TPHCM đã khám xét 13 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM (8 trung tâm) và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng. Quá trình khám xét, cơ quan Công an thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng liên quan đến hành vi phạm tội.

Cơ quan điều tra xác định, để có tiền chia cho các nhân viên hàng tuần và làm quỹ hoạt động, giám đốc các trung tâm đăng kiểm nêu trên đã chỉ đạo nhân viên trong quá trình kiểm định chất lượng và do tiêu chuẩn khí thải bảo vệ môi trường đã cố ý bỏ qua lỗi vi phạm của hàng chục nghìn phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhằm thu lợi bất chính.

Thủ đoạn tiêu cực tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới

Theo quy định, mỗi dây chuyền đăng kiểm xe cơ giới bắt buộc phải có 3 đăng kiểm viên, trong đó có một đăng kiểm viên bậc cao. Tuy nhiên, các trung tâm có vi phạm đã sử dụng những nhân viên không có giấy chứng nhận đăng kiểm viên rồi mặc trang phục đăng kiểm để thực hiện các bước đăng kiểm xe cơ giới. Ba nhân viên mặc trang phục đăng kiểm đi dạo quanh các camera do Cục Đăng kiểm giám sát.

Với những xe không đủ điều kiện đăng kiểm về độ khói, khí thải, các đối tượng đã sử dụng giấy trắng để che một mắt thiết bị nhằm giúp xe đó đạt tiêu chuẩn. Đối với những xe không đạt tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật phanh, đối tượng đã đạp phanh nhiều lần để hợp thức hóa, in ra giấy kiểm định. Riêng những xe đã cơi nới thành xe, thùng xe, các trung tâm đăng kiểm này đã lập giấy, hồ sơ bằng với kích thước cơi nới.

Đáng chú ý, tại 5 trung tâm đăng kiểm do đối tượng Trần Lập Nghĩa làm giám đốc (cụ thể là các Trung tâm Đăng kiểm: 62-03D ở tỉnh Long An, 71-02D ở tỉnh Bến Tre, 83-02D ở tỉnh Sóc Trăng, 66-02D ở tỉnh Đồng Tháp và 63-03D ở tỉnh Tiền Giang), Cơ quan CSĐT Công an TPHCM phát hiện nhóm hành vi “Giả mạo công tác” với thủ đoạn lập danh sách Đăng kiểm viên nhưng không làm việc tại trung tâm và chỉ đạo nhân viên cấp dưới giả mạo chữ ký của các Đăng kiểm viên để ký vào các hồ sơ kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ.

Công an  điều tra tại một trung tâm đăng kiểm.

Trong vụ tiêu cực tại Trung tâm Đăng kiểm 50-17D (huyện Nhà Bè, TPHCM), nổi cộm lên câu chuyện bị can Hồ Hữu Tài – giám đốc, đã khai nhận với cơ quan chức năng rằng bản thân không viết được và không đọc được. Thông tin giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-17D bị “mù chữ” khiến dư luận xôn xao.

Theo cơ quan điều tra, vào năm 2019, Nguyễn Thanh Phong (42 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty An Phát) thành lập Trung tâm đăng kiểm 50-17D. Sau đó, do dịch COVID-19, trung tâm này hoạt động trì trệ dẫn đến nợ nần, trong số các chủ nợ có Hồ Hữu Tài. Do nợ tiền Hồ Hữu Tài nên Nguyễn Thanh Phong đã gán cổ phần của Trung tâm đăng kiểm 50-17D và đưa Tài lên làm giám đốc.

Theo cơ quan điều tra, các đối tượng Phong và Tài đã thông đồng, cho phép các đăng kiểm viên bỏ qua lỗi vi phạm để nhận tiền hối lộ. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn phát hiện Trung tâm Đăng kiểm này đã kiểm định cho khoảng 120 xe ô tô không đảm bảo tiêu chuẩn để Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe Thành Công đưa vào hoạt động dạy lái xe.

Theo cơ quan điều tra, ngay từ đầu để thành lập các trung tâm đăng kiểm này, các đối tượng đã 'chung chi' hàng trăm triệu đồng cho các cán bộ, lãnh đạo Phòng kiểm định xe cơ giới và cho Cục trưởng Cục Đăng kiểm.

Xếp hàng chờ đăng kiểm

Tình hình quá tải đăng kiểm xe tại TP.HCM có dấu hiệu lại diễn ra. Theo ghi nhận, lượng xe đi đăng kiểm tăng mạnh so với tháng trước. Từ sáng sớm, bãi xe ở trung tâm đã được lấp kín. Trên đường dẫn vào Trung tâm đăng kiểm ở quận Bình Tân dòng ô tô, xe container chờ vào trung tâm kéo dài hơn 1km.

Nhân viên làm việc tại một Trung tâm đăng kiểm cho biết năng lực đăng kiểm của trung tâm mỗi ngày khoảng 50 - 70 xe, trong khi số lượng xe xếp hàng gấp rưỡi, có khi gấp đôi. Trung tâm có 5 dây chuyền kiểm định nhưng hiện tại vì thiếu hụt nhân lực nên chỉ có 1 dây chuyền hoạt động.

 

Cục Đăng kiểm dự báo nếu không có sự thay đổi thì với số lượng trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM hiện tại, trong các tháng tiếp theo của năm 2023 sẽ không đáp ứng được nhu cầu kiểm định xe của người dân.

Hiện tại TP.HCM có 19 đơn vị đăng kiểm với 48 dây chuyền kiểm tra, tới nay chỉ còn 11 đơn vị hoạt động, tương ứng với 26 dây chuyền kiểm tra, chiếm 54%.

Dự kiến ngay trong tháng 3-2023, năng lực kiểm định của các trung tâm đăng kiểm còn hoạt động chỉ đạt 53% tại TP.HCM. Đặc biệt trong tháng 4-2023 sẽ có thể ùn tắc nghiêm trọng hơn nữa và nguy cơ đứt gãy hệ thống kiểm định do năng suất kiểm tra chỉ đạt 31% nhu cầu kiểm định ô tô của người dân tại TP.HCM.

  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Gửi thông tin

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến MXH ô tô - xe máy và golf tại Việt Nam xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.