Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện” diễn ra sáng 10/11, ông Đỗ Phan Anh (Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội) cho biết, Hà Nội có 2.034 xe buýt được trợ giá, với 277 xe sử dụng năng lượng sạch (gồm 139 xe CNG và 138 xe buýt điện, đạt 13,6% toàn mạng). Trong đó, trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên.
Tuy nhiên, vẫn có 1.757 xe buýt đang sử dụng nhiên liệu diesel cần có lộ trình thay thế sang sử dụng nhiên liệu năng lượng sạch. Số lượng phương tiện cũ, đạt tiêu chuẩn khí thải thấp đang còn tương đối lớn khi số xe buýt trên 5 năm chiếm tỉ lệ 39% và đạt dưới chuẩn Euro IV chiếm 44,5%.
Lộ trình chuyển đổi sang phương tiện xanh dự kiến đang được Sở GTVT nghiên cứu để chia thành từng giai đoạn, gồm giai đoạn 1 từ năm 2025 - 2030, số lượng xe được chuyển đổi trung bình đạt 157 xe/năm. Giai đoạn 2 kéo dài từ năm 2031 - 2035, số lượng xe được chuyển đổi trung bình đạt 162 xe/năm.
Cũng theo ông Phan Anh, hiện nay tại Việt Nam, mới chỉ có duy nhất VinFast sản xuất và lắp ráp xe buýt điện. Ngoài ra, nguồn cung cấp xe buýt điện trên thế giới hiện tại chủ yếu đến từ các công ty sản xuất lớn của Trung Quốc.
Việc chuyển sang xe buýt điện cần mức tiêu hao năng lượng điện lớn, tập trung theo các khu vực có điểm đầu cuối, depot xe buýt. Do vậy, cần có sự vào cuộc của ngành điện lực trong việc quy hoạch, nâng cấp nguồn điện để đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ cho hệ thống các trạm sạc.