Từ đồng hồ cơ cho đến màn hình Hyperscreen vô cực trên Mercedes EQS, sau đây là sự tiến hóa của màn hình hiển thị trên xe hơi sau hàng thập kỷ phát triển.

Màn hình DIN cổ điển

Trong một thời gian dài cho đến những năm 2000, hầu hết xe hơi trang bị những màn hình nhỏ tương tự như đồng hồ Casino chúng ta thường đeo trên tay.

màn hình ô tô

Những màn hình tí hon này sẽ thông báo cho người dùng tần số radio được điều chỉnh. Nếu đó là một chiếc xe thực sự đắt tiền thì sẽ có thêm các đèn nháy lên cùng lúc với âm trầm.

Với những tính năng nghèo nàn như vậy thì chúng chẳng thể nào giúp tài xế giải trí khi ngồi trong xe. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mà việc vận hành ô tô còn tốn nhiều sức nên chỉ riêng việc xoay vô-lăng đã chiếm hết tâm trí của tài xế.

Buick Riviera: ‘thủy tổ’ của màn hình cảm ứng táp-lô 

Chiếc ô tô đầu tiên có màn hình cảm ứng là do người Mỹ chế tạo ra. Cụ thể, Buick là hãng xe hơi đầu tiên lắp đặt màn hình ‘Trung tâm điều khiển đồ họa’ kích thước 9 inch trên chiếc sedan Rivieria vào năm 1986. Buick cho biết màn hình cảm ứng xanh lá này có thể điều khiển 91 chức năng thay cho các công tắc và núm bấm truyền thống trên bảng điều khiển.

buick riveira

Tuy nhiên, có những nhược điểm khiến cho màn hình này trở nên phiền toái. Thứ nhất, hệ thống này phát ra tiếng kêu bíp bíp mỗi khi nó được chạm vào. Thứ hai, các tài xế phàn nàn rằng việc rời mắt khỏi con đường phía trước để điều khiển màn hình tí hon này gây ra nhiều xao nhãng nguy hiểm. Vì vậy, Buick đã loại bỏ trang bị này không lâu sau đó và người lái ô tô trở lại với những nút bấm quen thuộc trong suốt 2 thập kỷ tiếp theo.

BMW iDrive

Một thời gian sau, BMW là hãng xe tìm cách phát minh lại hệ thống thông tin giải trí cảm ứng trên ô tô. Thành quả là BMW iDrive lần đầu tiên xuất hiện trên 7-Series phiên bản 2002.

bmw idrive

Trên bảng táp-lô của BMW 7-Series là một màn hình kích thước 8,8 inch với một núm xoay điều khiển duy nhất đã thay thế tất cả các nút bấm thông thường. Thậm chí hệ thống này còn không có phím tắt Menu hoặc phím Back trong suốt hai năm cho đến khi BMW phải nhượng bộ trước phản ứng dữ dội của khách hàng.

Theo thời gian, BMW iDrive đã phát triển qua nhiều thế hệ để trở thành một trong những hệ thống thông tin-giải trí trên xe hơi tốt nhất hiện nay với bộ xử lý nhanh, menu rõ ràng và sự kết hợp tốt giữa thao tác trên màn hình cảm ứng và phím bấm vật lý truyền thống.

Sự trỗi dậy của Tesla

Nút bấm và màn hình cảm ứng cỡ nhỏ tiếp tục thống trị cho đến năm 2012 trước khi Tesla bắt đầu một cuộc cách mạng trong ngành. Điểm nhấn của chiếc sedan Model S hoàn toàn mới là một một màn hình cảm ứng khổng lồ 17 inch điều khiển mọi thứ trên xe, ngoại trừ vô-lăng.

tesla model s 2012

Các cài đặt điều hòa, định vị, giải trí, hệ thống an toàn và thiết lập sạc đều có mặt trên màn hình cảm ứng này. Tesla đã chơi một canh bạc lớn với màn hình toàn năng trên Model S và hãng đã thành công.

Tất cả là nhờ giao diện trực quan và bộ xử lý nhanh nhạy bắt kịp mọi thao tác của người dùng. Khi Model S ra mắt, các hãng ô tô khác mới ngã ngửa và tìm cách bắt kịp Tesla trong mảng thông tin giải trí xe hơi.

Tesla Model 3

Đối với Model 3 giá rẻ, màn hình cảm ứng trên xe đã bị thu nhỏ xuống còn 15,4 inch và có thể xoay 90 độ. Đáng ngạc nhiên là màn hình này mạnh hơn người tiền nhiệm trên Model S đời đầu và còn hiển thị cả tốc độ hiện tại của chiếc xe. Lẽ dĩ nhiên là đồng hồ lái truyền thống trên xe đã bị loại bỏ.

tesla model 3

Hầu hết người dùng đều bị mê hoặc bởi những tính năng thú vị trên Model 3 như hát Karaoke, trò chơi điện tử. Bốn năm kể từ khi Model 3 ra mắt, đây vẫn là giao diện màn hình cảm ứng ấn tượng nhất trong bất kỳ chiếc xe nào.

Porsche tham gia cuộc chơi

Trước sự phát triển ngoạn mục của Tesla, các hãng ô tô lâu đời trên thế giới mới nhận thức được tầm quan trọng của màn hình cảm ứng trên xe hơi.

Lấy Porsche làm ví dụ điển hình. Trong năm mươi năm, Porsche chủ yếu sản xuất các mẫu xe với nội thất màu xám với các nút bấm đơn điệu. Hàng chục năm trôi qua với nhiều thế hệ xe nhưng tất cả các nút vật lý vẫn ở đó.

ford mustang

Chỉ sau khi Tesla Model S ra mắt thì khách hàng mới chứng kiến một Taycan sở hữu phong cách nội thất hoàn toàn mới của Porsche. Hầu hết các phím bấn vật lý đã bị loại bỏ trên mẫu xe mới. Bên cạnh màn hình cảm ứng chính phía trước và trung tâm, khách hàng có thể bổ sung màn hình thứ hai cho hành khách.

Các nút bấm điều khiển nhiệt độ đã biến mất và được thay thế bằng màn hình cảm ứng. Ngay cả cụm đồng hồ lái cổ điển của Porsche cũng đã chuyển sang dạng kỹ thuật số với bằng các nút bấm cảm ứng để tăng độ cứng của hệ thống treo và bật đèn pha. Dù Porsche thể hiện sự hứng thú với màn hình cảm ứng kích thước lớn nhưng hãng vẫn chưa quyết định gộp tất cả chúng lại với nhau như Tesla.

Ford Mustang Mach-E

ford mustang mach e

Khi mới ra mắt, Ford Mustang Mach-E đã gây ấn tượng với một màn hình cảm ứng 15,5 inch đặt dọc trên bảng táp-lô. Tuy nhiên, Ford không đi theo hướng số hóa hoàn toàn khi vẫn giữ lại một núm điều khiển âm lượng. Ở trước người lái, Ford trang bị một màn hình đồng hồ lái điện tử để hiển thị những thông số vận hành quan trọng của chiếc xe.

Mercedes EQS và cuộc cách mạng mang tên Hyperscreen

Khi xếp cạnh màn hình Hyperscreen của Mercedes-Benz EQS, màn hình trên xe Tesla trở nên nhỏ bé lạ thường. Nói một cách chính xác thì đây thực sự là ba màn hình riêng biệt (hai màn hình 12,3 inch và một màn hình 17,7 inch), nhưng tất cả chúng đều nằm dưới cùng một lớp kính khổng lồ 56 inch.

mercedes eqs

Màn hình lớn này không hoàn toàn phẳng mà hơi cong để đem đến tầm nhìn tốt hơn cho tài xế. Lớp kính phủ được làm từ chất liệu nhôm silicat chống xước hình thành ở nhiệt độ 650 độ C.

Màn hình Hyperscreen bao gồm 3 màn hình nhỏ: một cụm đồng hồ lái điện tử phía trước người lái, một màn hình chủ dành cho hàng ghế trước và một màn hình chỉ dành cho ghế lái phụ. Ở hai bên màn hình là cửa gió điều hòa cỡ lớn. Ẩn bên dưới màn hình là 12 van cảm ứng điện tử mang lại độ nhạy cao.

Byton M-Byte – Khi người Trung Quốc lên tiếng

Ô tô điện đang là trọng tâm của nhiều hãng ô tô Trung Quốc, đặc biệt là start-up mới nổi có tên Byton. Chiếc xe mới của Byton có tên M-Byte với ngoại hình là sự giao thoa giữa Volkswagen ID4 và Range Rover Velar.

Tuy nhiên, sự bất ngờ chỉ xảy ra khi bước vào trong cabin của chiếc xe này. Nằm dài trên bảng táp-lô chính là một màn hình cảm ứng kích thước 48 inch, lớn nhất từng thấy trên một chiếc ô tô sản xuất đại trà. Ở sau vô-lăng là một màn hình nhỏ hơn kích thước ngang ngửa iPad Mini.

byton mbyte

Nhờ hợp đồng với ViacomCBS và ACCESS, màn hình 48 inch của Byton M-Byte có thể stream video trực tuyến. Bên cạnh đó là hơn 4.000 dịch vụ audio thông qua Digital HD Radio và DTS Connected Radio.

Ngoài ra, màn hình khổng lồ này còn sử dụng dữ liệu của AccuWeather để hiển thị dự báo thời tiết, không chỉ ở vị trí hiện tại mà cả ở điểm đến của ô tô. Người dùng còn có thể điều khiển bằng giọng nói nhờ vào tính năng Aiquodo Voice to Action, cho phép điều khiển từ xa các ứng dụng trên điện thoại thông minh qua kết nối Bluetooth.

Với mức giá chỉ khoảng 45.000 USD (1,036 tỷ đồng), Byton M-Byte tỏ ra khá đắt khách khi hơn 50.000 chiếc đã được đặt trước tại Trung Quốc, nơi chiếc xe sẽ đến tay khách hàng trong năm 2021.

Với sự tham gia của người Trung Quốc, các hãng xe khác trên thế giới chắc chắn sẽ dành nhiều nguồn lực hơn trong việc phát triển màn hình hiển thị trên xe ô tô. Bài toán trong tương lai không còn là chạy đua kích thước nữa, thay vào đó là khả năng trợ giúp tài xế mà không làm xao nhãng việc lái xe.

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Gửi thông tin

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến MXH ô tô - xe máy và golf tại Việt Nam xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.