Trong thế giới xe hơi, có không ít mẫu xe mang gốc gác nhà binh, được phát triển với trọng tâm là khả năng chinh phục mọi địa hình. Nhưng Hummer lại tỏ ra hoàn toàn khác biệt, được người ta nhớ đến ở vóc dáng to lớn, cơ bắp, mạnh mẽ và ăn uống vô tội vạ. Đã từng có thời điểm Hummer được coi là một biểu tượng, đại diện cho địa vị, quyền thế. Nhưng vì hàng loạt lý do, từ chủ quản cho đến khách quan, thương hiệu này đã lụi bại chỉ sau 2 thập kỷ.
Câu chuyện về Hummer được bắt đầu vào năm 1970 khi AMC mua lại Jeep từ Kaiser. Chỉ một năm sau, AMC đổi tên bộ phận General Products Division của Jeep thành AM General Corporation. Ban đầu, AM General tiếp tục sản xuất những chiếc Jeep DJ – phương tiện chuyên chở phổ biến của dịch vụ bưu chính Mỹ trong nhiều năm. Đến năm 1979, quân đội Mỹ bắt đầu tìm kiếm đối tác phát triển thế hệ xe quân sự mới (HMMWV) thay thế cho những chiếc xe phong cách Jeep đã già cỗi. Đó là một chiếc xe có khả năng off-road vượt trội, có thể chở binh lính hoặc hàng hóa. Và sau cùng, nguyên mẫu của AM General (tiền thân của Humvee) đã đánh bại các đối thủ đến từ Chrysler và Teledyne và giành được hợp đồng vào năm 1982.
Cũng trong năm 1979, AMC bị chính phủ Mỹ buộc thoái vốn khỏi AM General sau khi mua lại Renault. Nguyên nhân được đưa ra là vì chính phủ Pháp có nắm giữ cổ phần tại Renault trong khi Nhà Trắng không muốn các công nghệ quân sự của mình lọt vào tay nước ngoài. Kết cuộc là LTV Corporation đã mua lại bộ phận này vào năm 1983, ngay trước khi Humvee chính thức đi vào sản xuất. Với kinh nghiệm trận mạc từ chiến tranh Panama 1989 cho tới chiến tranh vùng Vịnh cùng nhiều chiến dịch khác, những Humvee xuất hiện khắp mọi nơi và nhanh chóng trở thành một biểu tượng.
Với những màn quảng cáo không thể tuyệt vời hơn ở chiến tranh vùng Vịnh, Humvee đã được nhiều người dân Mỹ yêu mến. Thậm chí, nhiều người đã liên hệ tới AM General để mong sở hữu một chiếc Humvee dân sự. Ban đầu, câu trả lời mà họ nhận được đều là ‘không’. Nhưng khi Arnold Schwarzenegger tìm đến, AM General đã không thể khước từ.
Trước khi trở thành thống đốc bang California và sau này là một nhà hoạt động vì môi trường, người đàn ông này từng được biết đến với vai trò diễn viên điện ảnh và một trong những bộ phim làm nên tên tuổi của ông chính là Kẻ hủy diệt. Sau khi ký kết một loạt thỏa thuận và chất đủ tiền, Schwarzenegger đã nhận được chiếc xế cưng của mình. Ông thường xuyên sử dụng chiếc xe để làm phương tiện di chuyển và thu hút rất nhiều sự chú ý.
Phải đến năm 1992, AM General mới chính thức đưa Humvee tới tay khách hàng dân sự bằng một phiên bản hoán cải có tên gọi Hummer. So với model gốc, Hummer đã được lược bỏ vũ khí và sở hữu nội thất ổn hơn. Trong khi đó, chiếc xe vẫn sử dụng nền tảng của Humvee, được trang bị động cơ V8 6,2 lít và hệ dẫn động 4 bánh. Khi ấy, Hummer đời đầu được niêm yết ở mức 50.000 USD (hơn 90.000 USD ở thời điểm hiện tại), tức là gấp 5 lần so với một chiếc Jeep Wrangler.
Cũng chính vì giá bán không hề dễ chịu nên Hummer chưa bao giờ bùng nổ về doanh số. Dù vậy, nó lại trở thành món đồ chơi mà nhiều nhân vật giàu có lựa chọn, đặc biệt là các ngôi sao giải trí. Đến năm 1999, GM đã mua lai Hummer với ý định đầu tư vào phân khúc SUV đang bắt đầu bùng nổ tại Mỹ khi ấy. Không chỉ được hướng đến các phân khúc mới, Hummer đã được đổi tên thành H1.
Ngay trong năm 2000, GM đã công bố thành quả của dự án này. Đó là Hummer H2 – một phiên bản hiện đại hóa của H1 với nhiều đặc tính của SUV thời bấy giờ. Chiếc xe này thực chất đã gần như hoàn thiện và có thể đi vào sản xuất mà không cần điều chỉnh nhiều. Nhưng vì thu hút quá nhiều sự chú ý, Hummer H2 đã châm ngòi cho một vụ kiện cực kỳ rắc rối giữa GM và Daimler-Chrysler. Nguyên nhân chính nằm ở việc H2 mang một số thuộc tính thiết kế biểu tượng của Jeep (lúc này đã về tay Chrysler). Nhưng rút cuộc thì tòa đã ra phán quyết có lợi cho Hummer.
Đến năm 2002, H2 chính thức xuất hiện với sự tương đồng gần như hoàn toàn với H2 concept và H2 SUT (2001). Dù nhỏ bé hơn so với H1 nhưng chiếc xe này vẫn được coi là khủng long trên đường phố. Với cân nặng lên tới hơn 3,9 tấn, H2 đã được miễn các bài kiểm tra khí thải. Có giá bán tương đương với một chiếc xe sang cỡ lớn, H2 đã cán mốc 19.000 xe ngay trong năm đầu tiên và thêm 35.000 chiếc nữa trong năm 2003. Kết quả này có được không chỉ nhờ bản thân H2 mà còn ở giá nhiên liệu thấp và sự bùng nổ của SUV lúc bấy giờ.
Nhưng cũng từ đây, một trào lưu ‘anti’ Hummer đã nổ ra mạnh mẽ. Lý do nằm ở kích thước và trọng lượng quá khủng của những chiếc Hummer có thể gây nguy hiểm cho những phương tiện bé nhỏ khác, đặc biệt là nếu xảy ra tai nạn. Hơn nữa, chúng cũng ngốn quá nhiều nhiên liệu và gây tác động tiêu cực tới môi trường hơn bất cứ chiếc xe đường phố nào. Một số kẻ quá khích đã tìm đến các chủ xe Hummer để thực hiện hành vi phá hoại. Thậm chí, một số kẻ còn phá hủy 40 chiếc Hummer mới toanh tại đại lý ở West Covina, California và đốt một nhà kho chứa phụ tùng.
Đến năm 2005, thành viên tiếp theo trong gia đình Hummer chào đời. Có tên gọi H3, chiếc xe này ra đời nhằm giúp Hummer tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Sở hữu kích thước nhỏ bé hơn H2 nhưng H3 vẫn thuộc dạng khủng long. Bên dưới nắp capo không còn là cỗ máy V8 mà đã được thay thế bằng động cơ i5 3,5 lít cho công suất 220 mã lực. Dù nhỏ hơn song H3 vẫn giữ nguyên mọi đặc tính của H2 và H1, từ thiết kế cho đến khả năng vận hành. Chính vì lẽ đó, H3 đã được đón nhận nhiệt liệt và đưa Hummer trở thành thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ trong năm 2005.
Đến năm 2008, H3 đón chào phiên bản bán tải H3T để cạnh tranh ở phân khúc ‘hot’ nhất tại Mỹ. Model này có mức giá thấp nhất trong đại gia đình Hummer như một cách để gia tăng sức hút đối với người tiêu dùng. Cũng trong năm này, Hummer chứng kiến mức sụt giảm mạnh về doanh số so với năm 2007 và đặc biệt là 2006. Nguyên nhân đến từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và giá dầu tăng vọt. Ngay lập tức, Hummer đã tung ra bản concept HX – hình ảnh xem trước của thành viên thấp bé nhất trong gia đình Hummer. Bởi khi ấy, ban lãnh đạo tin rằng những chiếc xe nhỏ, tốn ít xăng sẽ giúp thúc đẩy doanh số. Nhưng rốt cuộc thì dự án này đã bị hủy bỏ vì vài lý do.
Năm 2009 tiếp tục chứng kiến sự lao dốc thảm hại của Hummer khi doanh số chỉ còn 1/3 so với năm 2008. Đã có một số công ty tìm đến GM với mong muốn mua lại Hummer nhưng không thành công. Trong đó, đáng tiếc nhất là thương vụ giữa GM và Sichuan Tengzhong Heavy Industrial Machinery – nhà sản xuất máy móc xây dựng đến từ Trung Quốc. Không còn lựa chọn nào khác, GM buộc phải khai tử Hummer, tương tự như cách mà họ đã làm với Saturn hay Pontiac.
Một thương hiệu từng làm mưa làm gió như Hummer tất nhiên là luôn được mong chờ vào một sự tái xuất. Trong năm 2019, đã có hàng loạt thông tin đề cập đến việc cái tên này sẽ quay trở lại trong năm 2020 với những chiếc SUV và bán tải chạy điện. Và mọi thứ đã được chứng thực tại sự kiện Super Bowl vừa mới diễn ra. Theo đó, những chiếc Hummer sẽ được hồi sinh dưới bàn tay của GMC – thương hiệu chuyên về SUV và bán tải của tập đoàn GM.
Với hệ thống động cơ điện siêu mạnh, Hummer EV được tuyên bố sẽ sở hữu công suất lên tới 1000 mã lực và chỉ mất 3 giây để tăng tốc từ 0-97km/h. Dù chỉ có rất ít thông tin được công bố song chừng đó cũng là quá đủ để người ta kỳ vọng vào sự trở lại đầy hứa hẹn của huyền thoại một thời. Dự kiến, những chiếc Hummer đời mới sẽ chính thức ra mắt vào ngày 20/5 năm nay.
<iframe width="697" height="392" src="https://www.youtube.com/embed/W7UQGPOQaBU" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>
Một nghiên cứu mới đây đã cho thấy chiếc bán tải chạy điện GMC Hummer EV phát thải lượng CO2 nhiều hơn cả một số mẫu xe động cơ đốt trong.
GMC Hummer EV đang nhận được sự quan tâm lớn từ khách hàng khắp nơi khi tái hiện lại cỗ máy địa hình toàn diện mang tính biểu tượng.
GMC Hummer EV chính thức lăn bánh khỏi nhà máy lần đầu tiên sau gần một tháng bắt đầu sản xuất. Chiếc Hummer chạy điện đầu tiên thuộc phiên bản Edition 1 và có giá lên đến 2,5 triệu USD.
General Motors xác nhận mẫu xe bán tải chạy điện GMC Hummer EV đã lăn bánh khỏi nhà máy và bắt đầu đến tay khách hàng ngay trong tháng 12 này.
Để có được một mẫu xe thành công cần hội tủ đủ rất nhiều yếu tố, từ xu hướng thị trường, khả năng lãnh đạo, tiềm lực tài chính…Bên cạnh những thành công, nhiều mẫu xe đã bị khai tử từ khá sớm mang lại nhiều tiếc nuối dù nó có triển vọng.