Tôi từng là F1, từng có xe cứu thương chở đến trại cách ly tập trung.
Hôm đó là 1/6, tôi và 6 người khác cùng ngồi trên chuyến xe, một tay ôm vali, một tay vịn vào thành xe trong khoang xe cứu thương chật chội. Tôi nhận ra một chị đồng nghiệp cũng ở trên chuyến xe đó. "Mẹ đi công tác 2 tuần rồi sẽ về, con ngoan, nghe lời bố", giọng chị nói qua màn hình điện thoại. Nhìn con bé ngây ngô không biết gì, hai mắt chị đỏ hoe.
Những ngày ngột ngạt ở khu cách ly tập trung, sinh hoạt gói gọn trong căn phòng hơn 40 m2, 3 người, 3 chiếc giường khác nhau, rồi cũng qua đi. Tôi được trở về nhà. Một tuần sau, tôi tham gia nhóm Phản ứng nhanh – Pick Up & Friends tại Sài Gòn, quy tụ các anh em với tinh thần thiện nguyện, cùng đóng góp sức mình chống dịch.
Những ngày cuối tháng 6, khi dịch bùng phát mạnh ở Sài Gòn. Các ca bệnh tăng liên tục làm đội ngũ xe cứu thương quá tải, để rồi sau đó chỉ ưu tiên chở các F0, F1. Tôi nhận lệnh chở các nhân viên tế, bác sĩ ở quận Bình Tân đến các khu lấy mẫu rồi về nơi ở cách ly tập trung.
Để tránh lây nhiễm chéo, tất cả anh, chị y tế phải ngồi trên thùng xe bán tải. Còn mình thì cửa xe không dám mở, kính cũng không dám hạ, chỉ có gọi điện liên lạc ra phía bên ngoài nghe mọi người điều động đi đâu, quẹo chỗ nào (vì ko có bộ đàm). Chúng tôi biết nhau qua giọng nói, dáng đi, dáng ngồi còn khuôn mặt thì luôn che phía sau lớp khẩu trang, đồ bảo hộ kín mít. Kết thúc những chuyến xe muộn, tôi về căn chung cư của mình, không giao tiếp với bất kỳ ai.
Có lần đội chúng tôi nhận lệnh chở một F0 đi điều trị. Người đàn ông bước lên thùng xe bán tải, vừa khóc vừa nói rất to "mẹ ơi, con xin lỗi, vợ ơi, con ơi, bố xin lỗi". Cảm giác áy náy và làm liên lụy đến người thân chỉ vì "lén" tụ tập, uống vài li với bạn bè và trở thành F0, khiến anh đau buồn. Đồng đội của tôi từ hôm đó, cũng xuống nhà kho ngủ, không tiếp xúc, nói chuyện với ai trong nhà vì cũng lo mình sẽ rơi vào hoàn cảnh như anh F0 mà mình vừa chở.
Khi không chở bệnh nhân, nhân viên y tế, chúng tôi bắt đầu những chuyến xe chở hàng cứu trợ của các mạnh thường quân đến các khu cách ly, những nơi có người lao động nghèo, thất nghiệp do dịch bệnh. Chỉ cần là phát tâm, từ thiện của bất cứ ai thì cái gì chúng tôi cũng chở.
Mỗi ngày có hơn 30-40 chuyến xe với đủ loại hàng hóa. Khi thì thiết bị y tế như khẩu trang, nước rửa tay, chăn, nệm, màn cho các bệnh viện, khi thì gạo, mì, trứng rau... Nhiều anh hay đùa nhau bảo "bữa trước mình chở củ hành, bữa sau mình nhận kèo rau muống, mai mình nhận chở cá, vậy là trong xe thơm mùi canh chua luôn".
Hình ảnh anh em lưng trần chạy dưới mưa mở bạt che chắn cho mấy bao gạo sau xe (do xe có thùng bận đi nhiệm vụ khác rồi), cả nhóm xếp thành một hàng dài để tải hàng hóa lên xe hay những bữa cơm vội ở chùa là những hình ảnh mà tôi khó có thể nào quên được.
Cả đội chúng tôi đâu đó hơn 60 con người, toàn vô bệnh viện, khu cách ly, ổ dịch mà số lượng thành viên đã chích vaccine thì... đếm trên đầu ngón tay. Thiết bị y tế lúc đầu cũng không có gì ngoài khẩu trang, ai thấy cần gì thì tự mua thêm. Về sau hình ảnh lan truyền rộng rãi, các mạnh thường quân gửi tặng đội khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ, kính chống giọt bắn... góp thêm tinh thần cho anh em an tâm tham gia công tác tình nguyện. Anh em ai cũng thấy ấm lòng vì được "để mắt" tới một chút.
Lo lắng thì anh em nào cũng có. Nhưng cứ nghĩ nếu mình không làm thì lấy ai giúp đỡ lực lượng tuyến đầu chống dịch. Nhìn tin nhắn của bà con, mạnh thường quân cảm ơn vì đã giúp đỡ họ khâu vận chuyển, hình ảnh người bán vé số, ve chai khóc, vui mừng khi cầm được mấy phần quà cứu trợ, anh quân dân, bác sĩ, y tá no cái bụng nhờ suất cơm, phần cháo do mình chở tới thì tự nhiên là cứ nổ máy, đạp ga bon bon đến nơi cần đến.
Tôi và những anh em tình nguyện khác mong đại dịch sớm qua đi, Sài Gòn mau khỏe lại. Từng bị cách ly, tôi thấm thía những cực nhọc của những người đang căng mình chống dịch ngoài kia.
Có những đêm từ ban công khu cách ly nhìn xuống, tôi thấy đội ngũ y tế, quân dân nằm ngủ la liệt trên hành lang, trên người còn nguyên bộ đồ bảo hộ, khẩu trang. Họ mệt.
Tôi nghĩ cho đi là còn mãi. Đâu phải ai có cánh mới gọi là thiên thần!
Văn hóa sử dụng xe bán tải tại Việt Nam khác biệt với mục đích mà chiếc xe này được tạo ra đã vô tình biến một số lượng người không nhỏ sử dụng loại xe này trở nên đáng ghét vì hành vi xử lý trên đường.
Cụm từ “chạy xe kiểu óc chó” xuất hiện trên mạng xã hội ám chỉ một bộ phận nhỏ người lái xe thiếu ý thức. Gần đây, xuất hiện càng nhiều vụ lái xe bán tải gây rối trật tự, bật đèn pha, lấn làn khiến nhiều người hoang manh, bức xúc.
Cùng CafeAuto điểm qua một số tin tức về ý thức lái xe của một số tài xế khiến CMĐ bức xúc. Bên cạnh đó, thông tin về giá xe giảm, kinh nghiệm lái xe cũng nhận được sự quan tâm từ độc giả.
Với những người đang sở hữu xe bán tải thì việc chở hàng hóa về quê ăn Tết luôn được tận dụng tối đa. Hãy trang bị những kỹ năng duới đây để đảm bảo một hành trình an toàn cho bản thân để đón xuấn mới đầy vui vẻ.
Tết đang đến rất gần, người dân trên khắp đất nước Việt Nam hào hứng đón chờ một kỳ nghỉ lễ tràn ngập niềm vui. Đối với nhiều gia đình sở hữu mẫu xe bán tải, làm sao để chở đồ hợp lý và lái xe an toàn là kỹ năng quan trọng. Cùng Chevrolet Việt Nam tham khảo những mẹo nhỏ sau đây: