Hạn chế vừa lên ga vừa bóp phanh xe
Việc vừa phanh xe mà vừa lên ga sẽ khiến chiếc xe dễ bị cháy bố nồi. Điều này vừa khiến xe tốn xăng vừa làm xe bị giật và không bốc, lên ga không còn mượt.
Không nên khởi động xe liền khi đèn báo FI chưa tắt
Đèn báo FI là biểu tượng của hệ thống phu xăng điện tử. Sau khi bấm khởi động, đèn báo FI sẽ hiển thị trong vòng vài ba giây. Bạn nên đợi khi đèn FI tắt hẳn rồi mới vặn ga để bắt đầu hành trình. Điều này vừa giúp xe vận hành êm ái, không bị giật bốc vừa tiết kiệm được nhiên liệu.
Hạn chế sử dụng phanh trước
Thêm một kinh nghiệm đi xe tay ga đó là hạn chế sử dụng phanh trước. Phanh trước của xe tay ga được thiết kế ở bên phải và thường là phanh đĩa. Đa số người lái xe thuận tay phải nên khi gặp những tình huống bất ngờ thì thường bóp phanh bên phải trước. Điều này có thể dẫn đến việc xe bị trượt, ngã do đường kính của bánh xe trước nhỏ, hành trình giảm xóc thì ngắn.
Do đó, người lái xe tay ga nên hạn chế sử dụng phanh trước, nên sử dụng đồng thời cả hai phanh là an toàn nhất. Đây là kỹ năng lái xe máy an toàn rất quan trọng mà không phải ai cũng biết cách thực hiện.
Ở một số loại xe tay ga đời mới có hệ thống phanh kết hợp CBS, giúp phân bổ lực phanh giữa hai bánh xe mà chỉ cần dùng phanh bên trái (phanh sau), giảm thiểu tối đa việc sử dụng phanh trước của người dùng.
Cố gắng giữ tay ga đều
Việc thốc ga lên hoặc giảm ga đột ngột thường xuyên sẽ làm bộ truyền động hoạt động liên tục, hệ thống phun xăng cũng phải thay đổi. Do đó, giữ tốc độ ổn định và đều tay ga sẽ giúp cho bộ truyền động được bền bỉ hơn, tiết kiệm được nhiên liệu cũng như giúp xe được an toàn.
Tập thói quen nhìn xa, bao quát phía trước và quan sát gương chiếu hậu
Khi lái xe, bạn không nên chỉ chú ý những tình huống ở tầm gần mà còn phải nhìn xa hơn, bao quát hết làn đường. Bởi có thể những tai nạn bất ngờ sẽ diễn ra ở phía xa đó, nếu bạn quan sát và bao quát tốt có thể tránh được những mối nguy hại đang trực chờ. Tuy nhiên, bạn cần luân phiên quan sát tầm gần và tầm xa. Không nên chỉ quan sát tầm xa có thể khiến bạn mất tập trung khi lái xe.
Nhìn gương chiếu hậu giúp người điều khiển căn khoảng cách để giữ khoảng cách an toàn theo quy định, tín hiệu của những xe đi phía sau. Đồng thời, mỗi khi sang đường, chạy qua khúc cua...thì đặc biệt phải nhìn gương chiếu hậu để có thể lái xe chủ động và an toàn nhất.
Ghi nhớ lịch bảo dưỡng để thay dầu nhớt định kỳ
Dầu nhớt có tác dụng bôi trơn xe máy, làm mát cũng như làm sạch động cơ. Sau một thời gian sử dụng, xe sẽ bị khô dầu nhớt khiến cho xe không còn vận hành trơn tru, êm ái như ban đầu. Do đó, người lái xe nên thay dầu nhớt định kỳ để tăng hiệu suất vận hành, tăng tuổi thọ của động cơ xe máy.
Thông thường, nhà sản xuất sẽ khuyến cáo người lái xe nên thay dầu nhớt sau 500Km đầu tiên từ lúc mua xe và 1000Km hoặc trễ lắm cũng 1.500Km ở những lần thay tiếp theo. Nên thay dầu nhớt chất lượng tốt, không thay những sản phẩm không rõ nguồn gốc có thể làm xe bị hư hỏng, giảm tuổi thọ.
Luôn luôn bật xi-nhan trước khi qua đường khoảng 30 mét
Khi có ý định đổi hướng di chuyển, người lái xe nên bật xi-nhan trước khoảng 30 mét hoặc 10 đến 15 giây. Điều này sẽ giúp các phương tiện khác có đủ thời gian nhận được tín hiệu của bạn và điều chỉnh thích hợp.
Nếu bạn xi-nhan và chuyển hướng quá nhanh sẽ khiến họ không phản ứng kịp dẫn đến tai nạn có thể xảy ra. Khi chuyển hướng, bạn cần quan sát các phương tiện phía sau qua gương chiếu hậu, khi nào thấy an toàn mới cho xe qua làn đường mà mình mong muốn.
Đây không chỉ là kỹ năng lái xe máy an toàn mà còn là điều bắt buộc phải thực hiện, bởi không bật tín hiệu xi nhan trước khi chuyển hướng là hành động vi phạm Luật giao thông đường bộ Việt Nam và bị xử phạt hành chính.