Bài viết này sẽ đề cập tới một số cách hữu ích để ngăn chuột, rắn và các loài gặm nhấm khác chui vào xe ô tô hay xe máy. Bạn có thể chọn phương pháp phù hợp nhất tùy theo loại xe, kinh phí và môi trường xung quanh. Việc kết hợp sử dụng các phương pháp khác nhau có thể mang đến tỉ lệ thành công cao hơn.
Dọn dẹp nơi đỗ xe
Hãy khảo sát khu vực đỗ xe của bạn để tìm và loại bỏ các điểm ẩn náu và sinh sản tiềm ẩn của các loài gặm nhấm. Hiển nhiên là bạn nên tránh đậu xe gần các bụi cây. Các khu đỗ xe ở các thành phố có thể không có bụi cỏ nhưng bạn cần phải đề phòng các thùng rác chưa được thu dọn và tránh đậu xe gần các khu vực đó.
Tóm lại, hãy dọn sạch khu vực xung quanh nơi đậu xe và không để các loài gặm nhấm có nơi trú ẩn. Điều này sẽ đảm bảo rằng các loài gặm nhấm không có môi trường sống thuận lợi trong và xung quanh xe của bạn.
Không để thức ăn trong và ngoài xe
Chuột và các loại động vật khác là những sinh vật sống. Các sinh vật sống lại cần thức ăn để tồn tại. Do đó, nếu bạn để thức ăn trong và xung quanh xe, chúng nhất định sẽ thu hút các loài gặm nhấm. Cắt đứt nguồn thực phẩm như vậy có thể giúp bạn tránh khỏi những vị khách không mời.Lưu ý rằng ngoài thức ăn cho người thì các loài gặm nhấm cũng có thể ăn thức ăn cho chó và mèo cùng với thức ăn chăn nuôi và hạt giống.
Chiếu sáng đầy đủ
Hầu hết các loài gặm nhấm thích làm tổ ở những nơi tối tăm. Chúng không thích ánh sáng, đặc biệt là khi chúng đang ngủ. Do đó, bạn có thể dùng biện pháp bật đèn trong garage hoặc đỗ xe ở nơi có nhiều ánh sáng.
Mở nắp capo để ánh sáng lọt vào những nơi bị che khuất có thể khiến chuột hay rắn không dám xây tổ và sinh sống bên trong ô tô. Vào ban ngày, bạn có thể mở cửa xe để nội thất được tiếp xúc tối đa với ánh nắng trực tiếp.
Sử dụng dầu bạc hà
Các loài gặm nhấm như chuột có khứu giác mạnh và chúng không thích ngửi tinh dầu bạc hà. Do đó, bạn có thể sử dụng dầu bạc hà như một biện pháp ngăn chặn chuột. Bạn có thể thoa một vài giọt tinh dầu bạc hà lên bông gòn và đặt chúng vào trong ô tô để xua đuổi chuột. Lưu ý rằng đây không phải là giải pháp một lần mà là một quá trình lâu dài cần được thực hiện lặp đi lặp lại trong vài ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.
Chặn kín lối vào
Nếu bạn đã phát hiện ra nơi chuột hoặc các loài gặm nhấm khác sử dụng để chui vào xe thì bạn có thể bịt kín nó bằng lưới. Việc tìm kiếm có thể khá khó khăn vì chuột, rắn, côn trùng có thể chui qua những lỗ nhỏ. Bạn có thể tham khảo ý kiến của các thợ garage về các điểm xâm nhập và che kín chúng.
Sử dụng thiết bị điện tử
Bên cạnh tinh dầu bạc hà, bạn cũng có thể sử dụng các thiết bị điện để ngăn chặn động vật chui vào xe. Bạn có thể mua các thiết bị rung hoặc phát ra âm thanh mà chỉ loài gặm nhấm mới có thể nghe thấy. Các thiết bị như vậy thường nhạy cảm với chuyển động và có thể ngăn ngừa việc làm tổ. So với dầu bạc hà, đây là biện pháp chỉ cần làm một lần nhưng chi phí sẽ cao hơn.
Nổ máy xe
Một chiếc ô tô lâu ngày không dùng sẽ dễ dàng biến thành nơi trú ẩn của động vật. Bạn nên thường xuyên khởi động động cơ ô tô và để xe chạy tại chỗ một lúc ngay cả khi bạn không lái xe ra ngoài. Việc này cũng giúp các bộ phận trong xe không bị xuống cấp.
Nuôi mèo và chó
Đa phần các loài động vật đều sợ mèo hoặc chó. Những loại gia súc này có thể hoạt động như một biện pháp ngăn chặn sinh học chống lại các loài gặm nhấm lăm le làm tổ trong xe của bạn.
Đặt bẫy
Bạn có thể sử dụng thủ thuật xưa như Trái Đất là bẫy chuột. Bạn có thể nhử chuột bằng mồi và sau đó bắt chúng bằng bẫy keo dính được bán trên thị trường.
Sử dụng bả
Thuốc diệt chuột hay bả có vẻ là lựa chọn dễ dàng nhưng hãy suy nghĩ kỹ trước khi sử dụng. Thứ nhất, chuột ăn phải bả có thể chết sâu bên trong xe và để lại mùi hôi thối khó giải quyết. Thứ hai, chuột có thể chết ở bên ngoài và nếu một số động vật khác ăn phải con chuột đó thì nó cũng sẽ bị ngộ độc. Vì vậy, hãy cẩn thận khi sử dụng phương pháp này.
Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến cho thấy xe của bạn đang bị động vật xâm chiếm.
Mùi
Bạn có thể ngửi thấy một mùi khó chịu. Bạn có thể không ngửi thấy nó liên tục nhưng bạn sẽ cảm nhận được sự hiện diện của nó vì mùi hôi.
Tiếng ồn
Động vật gặm nhấm có thể tạo ra tiếng động do việc cào hoặc nhai. Chúng có thể làm xước bề mặt hoặc cắn vào dây điện.
Dấu răng
Mặc dù không phổ biến ở các mẫu xe mới nhưng các vết xước do dấu răng có thể hiện diện trên ô tô cũ. Bạn có thể phát hiện ra chúng trên trải sàn, ghế ngồi, dây an toàn, v.v.
Màn hình bị lỗi
Chuột hay động vật gặm nhấm có thể gặm dây của các thiết bị được kết nối với màn hình hiển thị. Việc này có thể dẫn đến màn hình bị lỗi.
Chuột có thể vào bên trong ô tô của bạn thông qua nhiều con đường khác nhau. Động cơ ô tô cần không khí và sẽ có không gian trống để chuột, rắn chui vào phá rối. Chuột có thể vào ô tô bằng cách trèo lên lốp xe và sau đó bò lên trên. Các lỗ trên thân xe cũng là các nơi đột nhập tiềm năng. Dưới đây là một số khu vực trong ô tô của bạn mà động vật có thể dùng để làm tổ
Lỗ thông hơi
Các lỗ thông hơi là nơi lý tưởng để chuột tiếp cận với thức ăn và hơi ấm. Chúng có thể nhai dây cáp và làm tổ ở những khu vực tối và ấm gần động cơ.
Cốp xe
Cốp xe mang đến một nơi trú ẩn rộng rãi cho chuột. Đây có thể là một vị trí hoàn hảo cho chuột làm tổ nếu chủ xe không dọn dẹp trong một thời gian dài. Cốp xe với các ngăn chứa đồ nhỏ đặc biệt thu hút chuột làm tổ.
Hộp chứa đồ trên bảng táp-lô
Các ngăn nhỏ trên táp-lô hoặc hộp đựng găng tay thường là nơi làm tổ của chuột nếu chúng không được sử dụng trong nhiều tháng.
Hộp lọc khí
Những chiếc ô tô to thường có hộp lọc khí lớn, đây là nơi chuột thường xây tổ.
Dưới gầm ghế
Khu vực bên dưới ghế xe, đặc biệt là ghế sau cũng là nơi chuột có thể làm tổ.
Ắc-quy
Ắc quy xe là nơi ấm áp và chuột rất thích những khu vực như vậy.
Các loài gặm nhấm sinh sống trong xe là nguồn gây ra mùi hôi và dẫn đến ô nhiễm nội thất. Chúng còn nhai những dây cáp, gây ra lỗi hệ thống dây điện và có thể dẫn đến tai nạn. Vì vậy, trước khi chúng làm tổ và sinh sôi trong xe của bạn thì bạn cần phải ngăn chặn một cách triệt để.