Tại các đô thị lớn mật độ xe lưu thông đông đúc nhất là thời điểm tan tầm khiến cho việc lưu thông trên đường càng trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn. Một số lái xe ở Việt Nam thường giữ khoảng cách với xe phía trước bằng cách nhìn biển số xe. Trong thực tế, khoảng cách này có thể chỉ là 0,5m hay ít hơn. Đây có lẽ là một lý do phổ biến của việc có đến 70% các vụ yêu cầu bồi thường bảo hiểm ô tô là nhằm sửa chữa trầy xước và móp cản/thân xe do va chạm khi đường đông.
Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn giảm thiểu rủi ro này.
Khi xe đông, bạn có thể giảm thiểu khoảng cách với xe phía trước nhằm hạn chế tình trạng xe gắn máy chen vào giữa. Tuy nhiên, bạn cần phải cách xe phía trước ít nhất là 1 thân xe. Nếu bạn đang lưu thông trên cầu thì phải giữ khoảng cách tối thiểu với xe phía trước là 30 mét. Điều này sẽ giúp bạn phản ứng tốt hơn nếu xe phía trước bị mất thắng (phanh).
Đi sát giải phân cách để hạn chế việc xe gắn máy vượt lên từ bên trái, đồng thời tạo thêm khoảng cách bên phải cho xe máy lưu thông.
Khi đường đông tuyệt đối không quay đầu xe, điều này rất dễ dẫn đến kẹt xe cả con đường. Thay vào đó, bạn hãy tìm một khung đường rộng hơn, ít phương tiện lưu thông hơn hoặc một địa điểm có khoảng trống đủ rộng áp sát xe vào lề và tư từ quay đầu xe.
Di chuyển chậm và giữ đều ga khi đi qua giao lộ, đặc biệt là khi đèn vừa chuyển sang xanh theo hướng của bạn. Rất nhiều người có thói quen tranh thủ chạy nhanh hơn khi đèn sắp chuyển màu. Chủ động nhường đường cho người đi bộ, xe máy và các phương tiện khác.
Thường xuyên quan sát đường và kính chiếu hậu để nắm vững tình hình lưu thông quanh xe của bạn để không cảm thấy bất ngờ khi xe máy chạy cắt ngang trước mặt hoặc đi ngược chiều hay khi người đi bộ trèo ngang qua giải phân cách.
Nếu trong trường hợp tắc đường bạn nên giữ khoảng cách với xe phía trước sao cho đủ rộng để không đụng vào phía sau xe phía trước và đủ hẹp để các phương tiện khác chẳng hạn như xe máy có thể đi qua.
Chúc các bạn lái xe an toàn.