Thị Trường, - 18/07/2019 03:25 PM
Chuyên gia giao thông, quy hoạch đô thị cho rằng đề xuất xây 34 trạm để thu phí ô tô ở trung tâm Sài Gòn là cách làm không bài bản, gây nhiều tác hại.

Trao đổi với VietNamNet, TS Võ Kim Cương – nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho biết, đề xuất lắp đặt trạm thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM gây nhiều tác hại, tác động đến nhiều mặt xã hội.

“Cách đây mấy năm ai đó đã đề xuất nhưng bản thân tôi không đồng tình. Biện pháp này làm giảm sự hấp dẫn đầu tư vào khu trung tâm, chi phí tăng khi đi ô tô hoặc đi taxi sẽ làm tăng chi phí vận tải, đội giá thành sản phẩm; hàng hoá giảm sức cạnh tranh và tác động đến đời sống người dân”- TS Cương nhận xét. 

Khu vực thu phí được công ty công nghệ Tiên Phong (ITD) đề xuất (bên trong đường màu đỏ)

Về góc độ giao thông, ông Cương cho rằng, giải pháp này gây cản trở giao thông. “Theo nguyên tắc anh đặt trạm ở đâu thì cũng chặn lại xe lại và gây cản trở giao thông. Trong khi đó, điều kiện hạ tầng trung tâm TP còn nhiều hạn chế”- nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM nói.

Cũng theo ông, thu phí chỉ giải quyết một số đối tượng thường qua trạm và không phải ai cũng ra vào khu trung tâm TP. Do đó, tiền thu được bao nhiêu nếu so với kinh phí xây dựng trạm, chi trả công nhân viên, vận hành.

“Tôi không thấy thành phố nào lại đặt trạm thu phí ngay giữa trung tâm như vậy. Tôi nghi ngờ người ta ‘làm cho có dự án’ chứ không phải vì mục đích chống kẹt xe”- ông Cương thẳng thắn và cho rằng những giải pháp này mang tính manh mún, thiếu bài bản.

Giáo sư - Tiến sĩ (GS.TS) Bùi Xuân Cậy cho rằng, trạm thu phí tự động ở trung tâm TP là rất khó. Vì nhu cầu vào trung tâm TP không chỉ là người dân Sài Gòn mà còn ở các địa phương khác khi đến TP làm việc.

“Nếu lắp trạm thu phí mà những xe ở các tỉnh không có tài khoản thì sao? Nếu vậy có xuống chặn xe họ lại không và việc này không khéo lại làm ùn tắc hơn”- ông Cậy nhìn nhận.

Ông cho biết, theo đề xuất dự án này vận dụng phù hợp kinh nghiệm quốc tế đã triển khai ở một số nước như Singapore, Thụy Điển, Anh và đây là những nước rất phát triển.

“Tôi thấy vấn đề kẹt xe ở Sài Gòn ở khắp nơi chứ không phải duy nhất ở trung tâm. Khu vực đề xuất lắp đặt trạm phu phí ô tô tạo vành đai khép kín không lớn nên giảm ùn tắc thì không mấy tác dụng lắm”- GS.TS Bùi Xuân Cậy cho hay. 

Ùn tắc giao thông khu vực trung tâm TP.HCM ngày càng căng thẳng

'Nhà cung cấp lợi nhiều, thành phố lợi ít'

Kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, đề xuất lắp đặt trạm hình thành vành đai thu phí ô tô khu vực trung tâm Sài Gòn của Sở GTVT có tác động tốt về mặt giảm xe cá nhân và khuyến khích phương tiện công cộng. Tuy nhiên, xét tổng quát, rõ ràng phương án này không thấy hiệu quả và chưa đúng thời điểm.

Lý do được KTS Ngô Viết Nam Sơn đưa ra là phương án được đưa ra sử dụng cộng nghệ thu phí không dừng. Thế nhưng, hiện nay cả nước vẫn chưa có một quy chuẩn thống nhất về công nghệ.

“Các trạm BOT đang sử dụng thẻ nhưng mỗi nơi áp dụng một kiểu, chưa thống nhất. Không thể sử dụng BOT phía Nam một thẻ khác, BOT ở phía Bắc, TP.HCM, TP.Hà Nội một thẻ khác được. Một xe mà có đến 4-5 thẻ phí không dừng"- ông Sơn nhận xét và cho rằng thời điểm làm tốt nhất là cả nước thống nhất một loại thu phí không dừng.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn

Ông Sơn đưa ra giải pháp gọn nhẹ, rẻ tiền có thể làm ngay được là tạo vành đai tăng giá giữ xe. Thay vì lắp đặt các trạm thu phí trên vành đai khép kín đó, nên chăng sử dụng nó để làm vành đai tăng giá giữ xe. Nếu giá xe tăng cao thì người đi ô tô họ tự thấy tốn kém và lập tức giảm lưu thông ngay.

Ngoài ra, TP cần siết quy định, tất cả các cơ sở dịch vụ, thương mại muốn đăng ký, xây dựng thì phải chứng minh có bao nhiêu chỗ giữ xe. Quy hoạch xây dựng, hay đăng ký mới phải đảm bảo có chỗ giữ xe. Khuyến khích tư nhân xây dựng các bãi giữ xe cao tầng và họ được phép tăng giá giữ xe để thu hồi vốn.

Ông nói thêm, hiện nay TP.HCM cũng đã thí điểm tăng giá giữ xe ở một số khu vực trung tâm và các bãi giữ xe cũng đã lập tức vắng xe. Tuy nhiên, vấn đề thu phí hiện nay không được cao do cách vận hành, quản lý.

"Tôi đề xuất thêm khu vực bên trong vành đai này sẽ chia 2-3 khu vực để thu phí và cho đấu thầu. Tất các các tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia và không phải nhất thiết là Nhà nước. Khi đầu thầu thì sẽ có quy định rõ ràng mức tối thiểu nhà đầu tư nộp cho Nhà nước. Còn nếu thu cao hơn mức tối thiểu thì chia tỷ lệ, nhà thầu được bao nhiêu và Nhà nước được bao nhiêu.

Tạo vành đai tăng phí giữ ô tô được KTS Ngô Viết Nam Sơn cho là giải pháp đơn giản nhất để hạn chế ô tô cá nhân vào trung tâm Sài Gòn

Số tiền Nhà nước thu được thì hỗ trợ phát triển giao thông công cộng với điều kiện lý tưởng nhất là làm sao hỗ trợ phương tiện công cộng miễn phí. Cách làm này đã được nhiều nước làm, nếu ai chơi sang thì cứ đi xe vào trung tâm, còn ai muốn tiết kiệm thì đi lại bằng phương tiện công cộng"- ông Sơn nói.

KTS Ngô Viết Nam Sơn còn cho rằng, nếu làm được như vậy thì chắc chắn giảm kẹt xe ngay mà không tốn tiền hàng trăm tỷ để xây dựng. Còn nếu lắp đặt trạm thu phí không dừng sẽ chỉ đem lợi nhiều cho nhà cung cấp công nghệ, thành phố không lợi nhiều. Do vậy, chừng nào làm tăng giá giữ xe và xe vẫn chạy vào thì mình làm thu phí vẫn kịp, không muộn.

Theo Vietnamnet 

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.