Sở GTVT TP.HCM vừa tiếp tục báo cáo UBND TP việc lập dự án thu phí ô tô vào khu trung tâm được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025. Đây là đề án mất hơn 10 năm thành phố "nâng lên, đặt xuống" và hiện vẫn nằm trên giấy.
Hệ thống thu phí tự động, không phải dừng xe
Đề án thu phí ô tô vào trung tâm TP được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2012. Tuy nhiên, do đề án chưa nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân và các khó khăn về mặt pháp lý, giá vé... nên nhiều năm nay chưa thể triển khai.
Ô tô vào một số tuyến đường trung tâm TP.HCM dự kiến thu phí từ 30.000 - 40.000đ. Ảnh Đỗ Loan
Dự án ban đầu do Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong đề xuất với số vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Năm 2019, UBND thành phố giao Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn thuộc Sở GTVT làm chủ đầu tư với kinh phí 250 tỷ đồng bằng ngân sách thành phố.
Đề án bao gồm 34 cổng thu phí được thiết kế đa làn, không dừng và một trung tâm điều hành kết nối các cổng, xử lý thông tin và điều hành việc thu phí.
Mỗi ô tô sẽ mở một tài khoản dạng thẻ trên kính lái. Lúc xe vào khu trung tâm giờ cao điểm, hệ thống mắt camera sẽ quét trừ tiền trong tài khoản. Ô tô con phải đóng 40.000 đồng mỗi lượt; ôtô khách là 50.000 đồng.
Hệ thống chỉ thu trong giờ cao điểm (6-9h và 16-19h) để người dân lựa chọn thời gian di chuyển và tuyến đường phù hợp; xe biển xanh vào trung tâm vẫn phải nộp phí, trừ xe công vụ ưu tiên theo quy định (cấp cứu, hộ đê, chữa cháy...); xe buýt không bị thu phí; giảm 25% đối với taxi (30.000 đồng); xe đăng ký trong khu vực trung tâm cũng được đề xuất giảm 25%. Xe nào không đóng tiền, hệ thống sẽ ghi nhận và thông báo xử phạt, sau đó báo qua đơn vị đăng kiểm không cho đăng kiểm cho đến khi nộp phạt.
Sơ đồ vành đai thu phí ô tô vào trung tâm quận 1, 3
Các vị trí thu phí sẽ lắp camera chuyên dụng để nhận dạng các loại xe ô tô. Dự kiến, việc thu phí chỉ áp dụng đối với ô tô đi vào trung tâm, không thu chiều ra; không thu phí xe máy. 34 vị trí sẽ thu phí sẽ nằm trên các tuyến đường gồm: Đường 3/2, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Phúc Nguyên (giao với đường Cách Mạng Tháng Tám) và tuyến đường Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Chế tài xử phạt chưa rõ ràng?
Theo phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM, việc triển khai thu phí ô tô vào trung tâm là một phần nằm trong đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân”. Dự án được nghiên cứu từ năm 2009, đến nay khởi động lại, tình hình giao thông thành phố đã thay đổi, phương tiện giao thông tăng lên, các điểm ùn tắc giao thông cũng đã thay đổi. Do đó Sở GTVT sẽ phải nghiên cứu lại từ đầu giải pháp này.
"Mục tiêu của đề án này nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô thành phố. Người lái xe sẽ cân nhắc việc đi ô tô vào trong trung tâm nếu không thực sự cần thiết. Khi ấy, tình trạng ô tô vào trung tâm sẽ giảm", một cán bộ của Sở nói.
Theo vị này, cái khó của đề án là chế tài chưa rõ ràng. Đối với biện pháp chế tài, cần tính toán việc xử phạt nguội qua camera hay xử phạt trực tiếp để tạo được sự công bằng và nghiêm minh. Việc thu phí cũng còn phải bàn bạc, cân nhắc quyết định mức thu phí cho hợp lý.
Sở GTVT TP.HCM cho biết, tất cả nguồn thu phí trên nộp vào ngân sách. Nguồn thu trên sẽ phục vụ phát triển giao thông công cộng cũng như đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố.
Ngoài đề án thu phí ô tô vào trung tâm, TP đã có nhiều giải pháp tổng thể trong giai đoạn từ năm 2021- 2030 như tăng cường phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân…
Theo Báo giao thông
Để hoàn vốn các đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đề xuất phương án thu phí thí điểm 5 năm với các tuyến cao tốc đã và sắp hoàn thành.
VEC vừa bổ sung mức phí dịch vụ sử dụng tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tại nút giao với dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.
Việc triển khai thu phí không dừng tại sân bay sẽ góp phần tăng cường công khai, minh bạch trong công tác thu phí dừng, đỗ xe đón trả khách, đồng thời giảm ùn tắc giao thông tại đây và bộ GTVT đánh giá đề xuất này.
Kể từ ngày 1/2, BVEC ngừng công tác duy tu bảo dưỡng thường xuyên và bảo trì công trình đối với tất cả các hạng mục thuộc dự án BOT đầu tư xây dựng mở rộng quốc lộ 51 sau khi dự án này tạm dừng thu phí.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thống nhất với Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng phương án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với quy mô 8 đến 10 làn xe.