Thị Trường, - 27/04/2016 02:36 PM
Đó là ý kiến của TS Lương Hoài Nam liên quan đến các đề xuất đẩy giá ô tô lên cao bằng cách tăng thuế, phí để hạn chế sở hữu phương tiện cá nhân, đặc biệt là ô tô nhằm hướng đến giải quyết tình trạng kẹt xe ở các đô thị lớn tại Việt Nam.

Chính sách thuế, phí ảnh hưởng đến giá ô tô trong nước luôn là câu chuyện được quan tâm rất lớn từ phía người tiêu dùng và thường được đưa ra bàn thảo. Trong buổi tọa đàm về thực trạng và giải pháp cho vấn đề kẹt xe tại TP.HCM do báo Thanh Niên tổ chức, TS Lương Hoài Nam đã thẳng thắn cho rằng: “Chính quyền đã thất bại trong việc phát triển giao thông vận tải công cộng và đẩy trách nhiệm tự thu xếp việc đi lại cho người dân bằng tiền túi, bằng sức khỏe và cả tính mạng của mình”.

Lượng xe cá nhân đang dần tăng lên trong khi hạ tầng giao thông của Việt Nam còn "thiếu" và "yếu". Ảnh: AFP

Theo ông Nam, mọi giải pháp là để hướng đến một đô thị văn minh, hiện đại chứ không phải hướng đến một nền giao thông đô thị thụt lùi, lạc hậu. Nhu cầu, nguyện vọng của người dân được sở hữu ô tô khi đang đi xe máy là câu chuyện có thật và là xu hướng tất yếu trong thời gian tới. Vì thế đừng làm những gì trái với xu thế chung của thế giới khi cố tình đẩy giá ô tô lên cao, hạn chế việc sở hữu nó.

Trong khi đó, TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Chính sách công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright đưa ra một quan điểm khác rất đáng chú ý khi cho rằng, chính sách ô tô của Việt Nam đang đi sai hướng.

Theo ông, chi phí để sở hữu ô tô là rất lớn trong khi chi phí sử dụng nó lại rất rẻ. Nghĩa là người tiêu dùng đang phải bỏ ra một số tiền lớn để mua ô tô nhưng khoản phí trả cho các tác động tiêu cực đến xã hội như kẹt xe, ô nhiễm… lại chưa tương xứng. “Hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân là buộc người sử dụng phải trả đúng chi phí ngoại tác gây ra cho xã hội chứ không phải hạn chế quyền tự do sở hữu của người dân”- vị Tiến sĩ này nói thêm.

Nhiều nước trên thế giới cũng đã hạn chế xe cá nhân để giảm tải tình trạng kẹt xe dựa trên một lộ trình rõ ràng và quyết tâm làm bằng được, thay vì nhắm đến hạn chế quyền tự do sở hữu của người dân, trong đó có ô tô.

Vận tải công cộng như xe buýt, metro là những yếu tố then chốt giúp người dân giảm dần sử dụng phương tiện cá nhân

Trung Quốc mất 10 năm để có có thể giảm dần và tiến tới cấm hoàn toàn xe máy ở những thành phố lớn. Hong Kong phát triển đô thị nén với các trục đường giao thông công cộng với các tòa nhà hai bên, nối kết tới các địa điểm làm việc, mua sắm, giải trí… Giúp người dân cảm thấy tiện lợi khi sử dụng phương tiện như xe bus hay metro thay vì ô tô con.

Tại Singapore, việc đặt ra những khoản thuế, phí để đẩy giá xe ô tô của nước này lên cao và vào hàng đắt đỏ nhất thế giới khi cơ sở hạ tầng giao thông công cộng rất phát triển và được đầu tư chất lượng cao. Xe buýt và Metro là hai loại hình di chuyển phổ biến nhất của người dân tại “đảo quốc sư tử”.

Trong khi đó tại Việt Nam, kế hoạch hạn chế xe cá nhân đã được nhen nhóm từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được rốt ráo. Tại các đô thị loại I, nhiều công trình quy mô lớn được xây dựng nhằm giải tỏa áp lực giao thông nhưng lại không theo kịp tốc độ phát triển của các phương tiện cá nhân.

Những mẫu xe nhập khẩu có dung tích động cơ lớn sẽ tăng giá mạnh trong thời gian tới

Theo thống kê gần đây của cơ quan chức năng tính riêng tại TP.HCM, mỗi năm nơi đây chỉ có 2% đường được mở rộng trong khi lượng xe tăng đến 10%. Vận tải công cộng chậm phát triển, phương tiện cá nhân tăng lên, kẹt xe ở các đô thị xảy ra hàng ngày… là  hiện trạng của nền giao thông tại Việt Nam. Và một điều không mong muốn đã xảy ra, thay vì hạn chế người dân sử dụng phương tiện cá nhân, nhiều chính sách thuế, phí khiến giá ô tô của Việt Nam luôn ở mức cao, lại trở thành sợi dây trói buộc, hạn chế khả năng sở hữu ô tô của họ.

Mới đây nhất, luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) vừa được Quốc hội được thông qua sẽ có hiệu lực từ 1.7.2016 khiến giá xe ô tô sẽ tăng trong thời gian tới đối với những mẫu xe nhập khẩu có dung tích lớn. Cụ thể hơn, các xe có dung tích từ 1.5L trở xuống thuế TTĐB sẽ giảm nhẹ 5% so với hiện hành, từ 45-40%. Xe có dung tích trên 1.5L – 2.5L sẽ giữ nguyên mức thuế hiện tại. Và trên mức ấy, tức dung tích lớn hơn 2.5L sẽ đồng loạt tăng 5 – 90%.

Có thể nói rằng, hạn chế phương tiện cá nhân là một việc cần làm ở các đô thị lớn nhưng cần đặt trong bối cảnh cơ sở hạ tầng giao thông công cộng được đầu tư và hiệu quả sử dụng đến đâu. Ô tô là phương tiện giao thông hiện đại, tính an toàn cao nhưng sao lại hạn chế sở hữu nó khi mà chính sách và quy hoạch giao thông đô thị mới là giải pháp căn cơ cho vấn nạn kẹt xe tại Việt Nam?

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.