Nhìn trên mọi phương diện, họ đang phải đối mặt với hàng loạt sức ép. Một mặt là phải nỗ lực phát triển công nghệ điện hóa như một cách để đối phó với các hạn mức khí thải được đề ra. Nhưng đồng thời, các nhà sản xuất cũng phải cố gắng thuyết phục người tiêu dùng đón nhận loại xe này, đặc biệt là xe điện chạy pin BEV bất chấp giá bán còn cao và hạn chế ở hệ thống hạ tầng.
Ở một khía cạnh khác, các mâu thuẫn về địa chính trị cũng khiến cho tình hình kinh doanh của những thương hiệu xe gặp không ít khó khăn. Nhân dịp năm 2019 sắp kết thúc, chúng ta sẽ cùng nhìn lại những diễn biến nổi bật nhất trong năm qua.
Sự đi xuống của thị trường ô tô toàn cầu
Các nhà phân tích đã dự báo rằng doanh số xe hơi trên toàn thế giới trong năm nay sẽ giảm khoảng 3 triệu chiếc so với năm 2018. Tất nhiên, đây không phải là một thông tin vui vẻ gì, nhất là sau khi nhiều nhà sản xuất đã phải bỏ cả đống tiền để phát triển các công nghệ mới. Đã có một số lý do được nêu ra, trong đó sự suy thoái ở Trung Quốc – thị trường xe hơi lớn nhất thế giới - được coi là nguyên nhân hàng đầu. Bên cạnh đó là sự lao dốc của các sản phẩm chạy diesel vốn rất được ưa chuộng tại châu Âu do sức ép từ các quy định khí thải khắt khe.
Các tiêu chuẩn và mục tiêu khí thải
Các quy định khí thải luôn là một trong những vấn đề nóng nhất suốt vài năm qua. Đó là thứ đã khiến ngành công nghiệp ô tô chao đảo. Với sự xuất hiện của quy trình WLTP mới vào cuối năm 2018, nhiều thương hiệu xe hơi đã buộc phải thu hồi các model đang bày bán để tiến hành cải tiến nhằm đáp ứng quy chuẩn này. Chưa dừng lại ở đó, sang đến năm 2020, họ sẽ phải đối mặt với một thử thách khác là đáp ứng mức phát thải CO2 bình quân 95g/km do EU đề ra.
Để đối phó với tình hình này, các nhà sản xuất buộc phải phát triển các dòng xe điện hóa. Trong đó, các loại xe hybrid sẽ là yếu tố sống còn bởi BEV chưa có nhiều sức bật để mang đến một ảnh hưởng đủ lớn. Còn nếu không làm được, thứ chờ họ sẽ là những án phạt cực kỳ mạnh tay.
Công nghệ điện hóa – Tiêu nhiều mà lâu hồi vốn
Như chúng ta đã biết, các nhà sản xuất xe hơi đang phải dốc hầu bao để phục vụ công cuộc nghiên cứu và phát triển xe điện hóa, tiêu tốn hàng chục tỷ USD. Tất cả là nhằm tạo ra những chiếc xe xanh, đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải và tránh những án phạt ‘tê tái’. Không chỉ đơn thuần phát triển công nghệ, họ còn phải tiến hành cải tổ nhà xưởng và thậm chí là tái cấu trúc các mảng hoạt động. Đấy là chưa nói tới những công nghệ tốn kém khác như xe tự lái hay kết nối.
Đầu tư rất nhiều tiền của là vậy song những gì mà các thương hiệu nhận được lại chưa tương xứng với kỳ vọng. Lý do là bởi quan niệm của số đông người tiêu dùng vẫn chưa cởi mở với xe điện hóa, khiến cho loại xe này chỉ chiếm thị phần rất nhỏ. Nhiều chuyên gia tin rằng vấn đề có thể được giải quyết nếu như chính phủ các nước đưa ra những chính sách hỗ trợ hợp lý nhằm khuyến khích người dân chuyển sang các công nghệ xe xanh, đặc biệt là BEV.
Hợp tác và sáp nhập
Để giảm thiểu gánh nặng về tài chính cũng như rủi ro từ các dự án phát triển công nghệ mới, nhiều nhà sản xuất xe hơi đã đẩy mạnh việc hợp tác. Dù có tầm vóc to lớn đến đâu thì họ vẫn lựa chọn phương án này. Không nói đâu xa, Toyota đã bắt tay với nhiều công ty đồng hương như Mazda, Suzuki và Subaru để phát triển EV. Điều tương tự cũng đã được ghi nhận giữa Ford và VW. Còn BMW và tập đoàn Jaguar Land Rover cũng đang cùng nhau phát triển động cơ dành cho xe điện. Ở một khía cạnh khác, BMW cũng hóa thù thành bạn để bắt tay với Daimler nhằm phát triển xe tự lái.
Mới đây nhất, hai tập đoàn xe hơi là FCA và PSA cũng đã thông qua thỏa thuận sáp nhập lịch sử. Mọi thứ vẫn chưa đi đến hồi kết song nếu thương vụ này hoàn thành, ngành công nghiệp ô tô thế giới sẽ đón chào một thế lực mới.
Ảnh hưởng từ những sự kiện địa chính trị
2019 chứng kiến hai sự kiến lớn, một là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang và Vương quốc Anh rời EU – Brexit. Trong đó, chiến tranh thương mại giữa hai siêu cường đã ảnh hưởng rất xấu đến tình hình giao thương giữa hai nước và ô tô cũng là một nạn nhân. Điều này đã khiến nhiều thương hiệu phải thực hiện mốt số điều chỉnh để tránh hết mức có thể các tác động từ những hàng rào thuế quan.
Còn với vụ Brexit, người dân Anh đang được chứng kiến một cuộc tháo chạy của nhiều nhà sản xuất khi họ đóng cửa các nhà máy của mình trên lãnh thổ nước này. Nếu như Honda đã thông báo đóng cửa nhà máy Swingdon thì Ford cũng lên kế hoạch tương tự với nhà máy của hãng này ở Bridgend. Trong khi đó, Nissan cũng dự tính di dời dây chuyền của X-Trail thế hệ mới tới một địa điểm khác thay vì Sunderland.
Sự đe dọa từ những thế lực mới nổi
Tesla vẫn tiếp tục gây bão như mọi khi với thói quen phát ngôn dậy sóng của CEO Elon Musk cùng sự xuất hiện của những sản phẩm mới: Model Y và Cybertruck. Trong khi đó, Model 3 tiếp tục cho thấy sức tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng đâu chỉ có Tesla, Nio cũng được nhìn nhận là một startup có tiềm năng to lớn, đủ sức vươn tầm trở thành ông kẹ. Được ví von là Tesla của người Trung Quốc, Nio đang không ngừng mở rộng dòng xe điện cao cấp của mình. Một cái tên khác là Rivian cũng gây nhiều chú ý khi nhận các cơn mưa đầu tư từ nhiều ông lớn. Ngoài ra còn có rất nhiều startup khác đang làm mưa làm gió, dù chưa có gì đảm bảo nhưng đang tạo nên những tác động mạnh mẽ lên những tên tuổi truyền thống.
Dự báo cho năm 2020
2020 tiếp tục được nhận định là một năm khó khăn cho ngành sản xuất ô tô, nhất là với sự thúc ép ngày một dồn dập từ các quy định khí thải. Với những tiền đề trong năm 2019, có thể nhận đình rằng thị trường năm tới sẽ đón nhận thêm nhiều mẫu EV mới thuộc đủ phân khúc. Tuy nhiên, EV giá rẻ có lẽ là được chú ý hơn cả bởi chúng mang theo kỳ vọng sẽ tạo đột phá về doanh số cho loại xe này.
Còn với những ông lớn như VW Group, Toyota hay GM, họ sẽ đón chào một đối thủ mới rất đáng gờm. Và sau khi Brexit hoàn tất, một sự xáo trộn không hề nhẹ chắc chắn sẽ xảy ra. Nhưng sau cùng, chúng ta có thể vẫn sẽ được chứng kiến một Tesla vùng vẫy cả trên thị trường lẫn trên truyền thông.
Một số nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp đã tham gia vào các hoạt động mờ ám để tăng lợi nhuận. Khi các biện pháp này được phơi bày ra công chúng, thường sẽ dẫn đến một vụ bê bối lớn. Dưới đây là những vụ bê bối lớn có ảnh hưởng rất lớn tới ngành công nghiệp ô tô thế giới.
Nhà phân phối sản phẩm Zestech đã tổ chức sự kiện gặp gỡ giao lưu với đối tác phân phối và đại lý đồng thời đưa ra công bố gói kích cầu nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn.
Sự phát triển về công nghệ cũng như các biến động về môi trường đã buộc ngành ô tô phải chuyển mình thích nghi nếu muốn tồn tại lâu dài.
Những chính sách mới liên quan đến ngành ô tô có hiệu lực từ năm 2023 như thí điểm đấu giá biển số xe, học lái xe trên cabin mô phỏng,...
Sau thời gian tạm hoãn, Triển lãm ô tô Việt Nam năm 2022 chính thức được khai mạc.