Sau khi họp bàn giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vào cuối tháng 9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có văn bản giao Bộ Tài chính chủ trì, nghiên cứu, đề xuất các chính sách về thuế, tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển.
Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu kinh nghiệm các nước trong khu vực và một số nước trên thế giới có nền công nghiệp ô tô phát triển. Từ đó, đề xuất giải pháp về cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô lớn phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển.
Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, công nghiệp ô tô có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, là một trong những động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chẳng hạn, nó sẽ kéo theo sự phát triển của nhiều lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh – phụ kiện như cơ khí chế tạo, điện, điện tử, tự động hoá… và nhiều ngành dịch vụ liên quan khác. Từ đó tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Phó Thủ tướng cho rằng những năm qua, ngành công nghiệp ô tô đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng mở rộng sản xuất, lắp ráp trong nước, tăng tỉ lệ nội địa hoá.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam ra đời muộn, tham gia chủ yếu vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị, phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu. Chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động...
Cạnh đó, các chính sách ưu đãi về thuế, trong đó có thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, còn chưa đủ hấp dẫn để thực sự khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Đây chính là một trong những nút thắt, ảnh hưởng đến sự phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Thị trường Việt Nam còn dư địa rất lớn với quy mô dân số 100 triệu dân, kết cấu hạ tầng nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng ngày càng đồng bộ và hoàn thiện, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, số lượng những người có mong muốn và khả năng tiêu dùng ô tô tăng nhanh. ..
“Do vậy, cần có sự đột phá về các chính sách thuế, tín dụng để tháo gỡ các nút thắt, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phát triển. Đây chính là cơ sở quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam…”- Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Trong đó, Phó Thủ tướng lưu ý đến việc cần điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, theo hướng không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào giá trị tính thuế đối với ô tô hay hình thành gói tín dụng ưu đãi cho ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ.
“Việc điều chỉnh chính sách thuế, tín dụng có thể tác động đến thu ngân sách trong ngắn hạn nhưng sẽ là động lực lớn để khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Qua đó nâng cao năng lực của doanh nghiệp và sản phẩm ô tô Việt Nam…”- Phó Thủ tướng nhìn nhận.
Theo 24h
Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đến 20/11 năm nay.
Nếu được, có thể sắp tới sẽ giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô kéo dài đến hết năm 2023 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đang được Bộ Tài chính nghiên cứu để đề xuất xuất tiếp tục giảm thuế suất cho ô tô điện và hybrid.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam - VAMA đã kiến nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ với dòng xe HEV, PHEV.
Ngoài loại thuế trước bạ thường được nghe khi mua ô tô điện thì bên cạnh đó còn đi kèm những loại thuế phí khác đa phần đã được bao gồm trong giá xe.