Tin xe, - 29/11/2017 03:09 PM
Không hãng xe nào tự làm 100% chiếc ôtô với hàng ngàn chi tiết. Việt Nam nên đầu tư, phát triển các cụm/hệ thống trên xe để xuất khẩu.

Sau 20 năm, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chỉ dừng ở mức độ lắp ráp đơn giản, trong khi giá bán xe lại ở mức cao so với các nước trong khu vực.

Để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam lách qua khe cửa hẹp, TS Nguyễn Bá Hải, giảng viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho rằng, Việt Nam chỉ có cách đón đầu công nghệ, dựa vào thế mạnh đặc thù của lực lượng lao động Việt Nam, phát triển các hệ thống trên xe để bán cho các hãng ô tô trên thế giới.

"So với đầu tư công nghiệp luyện kim, cơ khí, động cơ đốt trong... thì đầu tư vào công nghệ tuy có chất xám cao nhưng mức độ phức tạp lại được rút ngắn, ít đòi hỏi cơ sở vật chất và ít gây tác động tới môi trường hơn thay vào đó là tập trung vào trí tuệ và nền tảng điện tử và khoa học máy tính nhiều hơn.

Xu thế hiện nay là đầu tư cho ô tô công nghệ cao như ô tô điện, ô tô có tương tác với người, ô tô thông minh, ô tô tự lái và phần mềm. Mỗi quốc gia tùy theo sức của mình mà lựa chọn, khỏe thì làm cả hệ thống lớn, còn sức nhỏ thì chỉ cần làm các hệ thống ở trên xe.

Đây là hướng mới liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phù hợp với Việt Nam và chúng ta có thể tiếp cận. Thay vì mơ mãi về một chiếc xe ta hãy nghĩ “Nếu lốp xe, ắc quy... Việt Nam làm ra bán được trên toàn cầu thì quá tốt", TS Nguyễn Bá Hải cho biết.

dinh-vi-lai-giac-mo-o-to-viet

Cách làm của Vinfast là một hướng đi mới

Lý giải thêm về hướng đi này, theo TS Hải, trên thế giới không có hãng xe nào có thể tự làm 100% chiếc ô tô với hàng ngàn chi tiết. Tất cả các hãng xe đều phải hợp tác với nhau bởi ô tô là đa ngành, đa quốc gia và theo chuẩn của thế giới để lắp lẫn và kế thừa cùng nhau. Ngay cả một nước hiện đại như Hàn Quốc cũng không thể tự mình sản xuất ô tô. Thay vào đó, rất nhiều chiếc ô tô của hãng Hyundai (Hàn Quốc) có thể sử dụng bộ cảm biến của Nhật, kim phun điện tử của Đức...

Điều quan trọng nhất là Việt Nam lựa chọn khâu nào để làm. Trong quá trình đó, doanh nghiệp phải nỗ lực chứ Nhà nước không thể làm thay. Nhà nước chỉ đóng vai trò chuẩn bị "đường băng" cho doanh nghiệp bằng chính sách thuế, chính sách tài chính...có tính bền vững vừa có tính bảo hộ vừa phải tuân thủ luật chơi của quốc tế chứ bảo hộ một chiều lâu dài sẽ khiến doanh nghiệp Việt ngày càng yếu.

"Dù doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều có thể làm được, miễn sao tập trung vào lĩnh vực vừa với sức của mình. Doanh nghiệp Việt hãy làm những phần liên quan đến thế mạnh của mình, đó là giỏi tính toán, khoa học máy tính nhiều hơn. Ngay một tập đoàn ô tô lớn như Bosch (Đức) khi đầu tư vào Việt Nam cũng dựa vào tài năng của kỹ sư Việt để làm hộp số chứ không sản xuất một chiếc ô tô.

Việt Nam không thể trông đợi vào doanh nghiệp ngoại hay doanh nghiệp nội. Dù nội hay ngoại thì họ cũng chỉ là người làm ô tô, phải phát triển doanh nghiệp của họ là ưu tiên đầu tiên. Nếu không làm được điều đó, họ sẽ chết từ trong trứng nước, làm sao phát triển được doanh nghiệp Việt Nam?!

Tuy nhiên, phải đồng ý rằng chính sách có vai trò dẫn dắt và định hướng, chính sách định hướng đi đâu thì họ đi đó. Nếu chính sách phù hợp với hoàn cảnh của doanh nghiệp, với ưu đãi của Nhà nước Vịệt Nam thì dù là doanh nghiệp ngoại hay nội cũng sẽ đầu tư vào lĩnh vực mà đang được hưởng lợi từ chính sách ưu tiên của nhà nước. Còn nếu có chính sách ưu đãi mà họ thấy hết thị trường, hết cơ hội thì họ cũng không thể làm", TS Nguyễn Bá Hải chỉ rõ.

Trên cơ sở những phân tích ở trên, vị chuyên gia đánh giá cách làm của Vinfast là một hướng đi mới và ít nhất là khác với truyền thống trước đây. Trước đây, doanh nghiệp Việt đầu tư quá mạnh vào sản xuất mà không nắm được thị trường muốn gì. Còn bây giờ, Vinfast đầu tư vào ô tô điện, xe máy điện theo xu hướng mới của thị trường toàn cầu, dễ thấy là Tesla và rất nhiều hãng đã và đang làm.

Vinfast trong thời gian ngắn đã thu hút được sự quan tâm lớn của cộng đồng bằng một số việc mà các nhà sản xuất xe trong nước trước đây không làm (Ví dụ: Thuê chuyên gia nước ngoài thiết kế xe, và cho toàn dân chọn mẫu xe, việc làm này khá thú vị nếu nhìn ở góc phi kỹ thuật).

Bản thân TS Hải cũng đang hướng sáng chế của mình theo hướng chế tạo thiết bị thông minh trên xe. Hiện ông cùng một số cộng sự đang đầu tư thiết bị an ninh trên xe dựa trên công nghệ cao, với số vốn đầu tư không quá 2 tỷ đồng, đã hoàn thành 3 phiên bản mẫu và gắn thử nghiệm 4 tháng trên xe thương mại.

"Nếu hãng ô tô nào dù nội hay ngoại muốn xe của mình có tính năng khác biệt với phần còn lại của thế giới thì chúng tôi sẽ cung cấp thông qua việc chuyển giao công nghệ từ nhóm nghiên cứu UTE-Biorobotics Lab trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM”, ông nói.

Theo Đất Việt

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Gửi thông tin

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến MXH ô tô - xe máy và golf tại Việt Nam xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.